Viết tiếp khúc khải hoàn ca
“Khúc ca khải hoàn” tái hiện đoàn quân tiến về Thủ đô |
Đã 69 năm kể từ ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Hà Nội giờ đây đã mang dáng vóc của một thành phố hiện đại. Góp phần không nhỏ để làm nên diện mạo ngày hôm nay của Thủ đô chính là lực lượng thanh niên với nhiều ước mơ, hoài bão và khát vọng dựng xây một “Thành phố vì hòa bình”.
Vui trong ngày hội lớn
Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp tháng 10, căn phòng nhỏ của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảng luôn trở thành địa chỉ thân thuộc của rất nhiều các bạn trẻ, đặc biệt là những sinh viên nghiên cứu về lịch sử. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn minh mẫn và vui vẻ mỗi khi phóng viên hay học trò đến thăm và ngỏ ý muốn nghe ông kể về những chiến công vẻ vang của quân và dân Hà Nội năm xưa. Giọng nói ấm áp và đôn hậu, ông luôn tự hào khi nhắc đến Hà Nội. Ông bảo, dù không sinh ra ở mảnh đất này nhưng được sống trong không khí của Thủ đô những ngày sau giải phóng và trưởng thành từ đây nên ông yêu Hà Nội như máu thịt, như chính quê hương mình.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảng |
Vừa là người nghiên cứu lịch sử nhưng cũng là người chứng kiến các giai đoạn thăng trầm của thành phố, PGS Nguyễn Trọng Phúc kể, ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một cột mốc quan trọng của lịch sử nước ta. Đất nước bước vào thời kỳ thoát khỏi ách thống trị, xóa bỏ áp bức bóc lột, Nhân dân ta đứng lên làm chủ vận mệnh và mở đầu cho sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Nhớ lại những ngày tháng hào hùng đó, ông bồi hồi kể: “Không khí tưng bừng lắm, không gì có thể kể xiết được niềm vui mừng của người dân Hà Nội lúc bấy giờ. Kháng chiến chống thực dân trường kỳ, người dân chịu biết bao áp bức, dồn nén, nay được đón những người kháng chiến trở về, cuộc sống được tự do. Thời ấy, lứa chúng tôi không ai là không nhớ những vần thơ của Tố Hữu: “Giữa Thủ đô / Cụ Hồ về / Bộ đội / Tiến vào năm cửa ô / Về đến đây rồi, Hà Nội ơi / Người đi kháng chiến tám năm trời / Hôm nay về lại đây Hà Nội / Giàn giụa vui lên ướt mắt cười”.
“Sự kiện ngày 10/10/1954 có ý nghĩa to lớn, khẳng định thắng lợi vĩ đại của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thắng lợi này không còn mang ý nghĩa của riêng Thủ đô nữa mà là của cả nước, trở thành niềm cổ vũ, động viên về chính trị, tinh thần vô cùng to lớn và mạnh mẽ đối với sự nghiệp cách mạng chung, tạo ra khí thế mới, vận hội mới cho đất nước. Hà Nội trở thành niềm tin và trái tim của Nhân dân cả nước”, PGS Nguyễn Văn Phúc một lần nữa khẳng định.
Đi tới nơi đâu Tổ quốc cần…
Kể về những đóng góp của lực lượng thanh niên Thủ đô sau ngày Hà Nội giải phóng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho hay, rõ nét nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. “Chúng tôi tự hào là khi là những sinh viên xung phong tham gia vào những ngày hội Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (tên gọi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khi đó). Vào các ngày cuối tuần, học sinh, sinh viên đi lao động xã hội chủ nghĩa, không công và chỉ mong được cống hiến. Lực lượng thanh niên Thủ đô khi đó đã làm nên những công trình ghi nhiều dấu ấn như công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ và rất nhiều công trình văn hóa khác”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, điều rõ ràng nhất là khí thế hừng hực bước vào xây dựng đất nước của quân và dân Thủ đô sau ngày giải phóng và tiến hành song song 2 nhiệm vụ: Vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Họ đi bất cứ đâu Tổ quốc cần, sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Đặc biệt, phong trào Ba sẵn sàng ở giai đoạn 1961 - 1965 ở Hà Nội vô cùng sôi nổi, trở thành niềm tự hào của thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ. “Cuộc vận động Ba sẵn sàng có sức lôi cuốn mạnh mẽ, rộng khắp của tuổi trẻ thành phố Hà Nội - khởi đầu từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó trở thành phong trào thi đua chung của thanh niên, sinh viên thành phố và cả nước”, ông nhấn mạnh.
Năm 1964, khi cả nước đang đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Vừa tiến hành xây dựng CNXH ở miền Bắc, làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh Mỹ; Vvừa tiến hành kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào "Ba bất kỳ - Tam bất kỳ" nhằm khơi dậy và phát triển tinh thần yêu nước, bảo vệ Tổ quốc của thanh niên Hà Nội. Sau đó, phong trào này được đổi tên thành phong trào "Ba sẵn sàng" với nội dung: Sẵn sàng nhập ngũ; Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh; Sẵn sàng làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.
Thanh niên Thủ đô hôm nay viết tiếp truyền thống anh hùng của cha anh thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa |
Khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh thực hiện cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, năm 1964, Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào thanh niên "Ba sẵn sàng" chống Mỹ, cứu nước trong toàn thành phố. Thắp sáng tinh thần cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” phát triển mạnh mẽ. Ngay trong tuần đầu tiên, Hà Nội đã có hơn 80.000 thanh niên đăng ký nhập ngũ vào các lực lượng vũ trang Nhân dân, và trong khoảng một thời gian ngắn con số này lên đến hơn 200.000 người.
“Bản thân tôi khi ấy cũng đã lên Yên Bái để tham gia lao động, sản xuất theo tiếng gọi của Đảng, đi xây dựng vùng kinh tế mới trên vùng núi Tây Bắc. Hành trang của lớp thanh niên mang theo khi đó là tinh thần cống hiến, được bồi đắp từ những vần thơ của Tố Hữu hay của Chế Lan Viên đầy thúc giục: “Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp / Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi? / Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép / Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”, (Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên), PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc kể tiếp.
Viết tiếp truyền thống hào hùng
Giọng nói đầy tự hào khi nói về sự thay đổi của Thủ đô Hà Nội sau 69 năm giải phóng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, Hà Nội đã thực sự bước sang một trang sử mới, gương mặt Thủ đô đàng hoàng hơn, hiện đại hơn. Để có được điều ấy, thanh niên Thủ đô đã và đang tiếp bước cha anh, thắp sáng lý tưởng, tiếp tục viết lên những trang sử hào hùng.
“Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta có hàng vạn thanh niên lên đường đi chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Có những tên tuổi chàng trai, cô gái Hà Nội đã thành bất tử như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Vũ Xuân Thiều… trở thành tấm gương để các thế hệ trẻ ngày nay noi theo. Tôi tự hào khi thấy các thanh niên Thủ đô ngoài việc hăng hái học tập để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh; Xung kích trên mọi mặt trận. Họ hồ hởi ra quân trong những ngày thi đại học giữa cái nắng mùa hè oi nồng với khẩu hiệu: "Hãy vững tin, chúng tôi đồng hành cùng bạn". Họ tận tâm chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những gia đình có công với cách mạng. Họ cũng tiên phong trong bảo vệ môi trường và bảo vệ Thủ đô Hà Nội vì thương hiệu “Thành phố vì hòa bình” và kiên trì, bền bỉ trong hành trình tìm về cội nguồn, giữ gìn, chắt lọc và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của mảnh đất Thăng Long”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lịch sử Đảng phấn khởi nói.
Các chiến dịch tình nguyện mùa hè của thanh niên Thủ đô được phát động hàng năm. |
Dành lời khuyên cho thế hệ trẻ Thủ đô hôm nay, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói, giặc ngoại xâm không còn, đoàn viên, thanh niên Thủ đô bước vào một cuộc chiến không tiếng súng, không khói lửa nhưng không kém phần cam go, khốc liệt. Kẻ thù mới không hiện hữu mà ẩn nấp dưới nhiều hình thức khác nhau, internet đầy mới mẻ nhưng cũng độc hại nếu không cảnh giác với “kẻ thù” trên không gian mạng. Nhiệm vụ của thanh niên lúc này là tiên phong lập thân, lập nghiệp, đẩy lùi cái đói nghèo, lạc hậu, từng bước phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ Hà Nội, đưa thành phố trở thành trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị, sánh ngang các thủ đô hiện đại và sầm uất khác trên thế giới. Muốn vậy, các bạn trẻ Hà Nội cần phải trau dồi ngoại ngữ để tiếp cận thế giới với muôn màu sắc văn hóa một cách nhanh nhất, trang bị cho mình không chỉ những kiến thức chuyên môn sâu và rộng. Từ đó, các có những góc nhìn, nhân sinh quan mới mẻ, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc, văn hiến truyền thống.
“Hãy viết tiếp khúc khải hoàn ca của cha ông ta thuở trước bằng việc thắp sáng lý tưởng, niềm tin và khát vọng cống hiến, để góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, giữ vững bản sắc văn hiến ngàn năm và từng bước tỏa sáng trong thời đại mới”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhắn nhủ.