Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần xem xét đến di sản đô thị, di sản công nghiệp

Ngày 26/6, Quốc thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật này là cần thiết, để góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh mới.
Xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nghệ nhân trẻ nỗ lực gìn giữ nét đẹp mộc bản Thanh Liễu UNESCO đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Quan tâm, phát huy giá trị của bảo tàng ngoài công lập

Quan tâm tới hoạt động của bảo tàng và chính sách đối với bảo tàng tư nhân, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chỉ rõ, Chương V của dự thảo Luật đề cập về bảo tàng. Đây là chương mới, được tách ra từ Mục 3 Chương IV Luật Di sản văn hóa hiện hành, thiết kế thành 18 điều (từ Điều 62 đến Điều 79). Các nội dung có kế thừa, điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn hoặc quy định mới, qua đó hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo tàng.

Đại biểu chỉ ra thực tế, hệ thống bảo tàng đã phát triển và hiện có 197 bảo tàng (127 bảo tàng công lập và 70 bảo tàng ngoài công lập) đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật - là di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia. Đặc biệt, các bảo tàng tư nhân có chủ đề rất phong phú, từ gốm sứ, nghệ thuật, âm nhạc, văn hóa, hiện vật chiến tranh, truyền thống gia đình, văn hóa vùng đất... Sự góp mặt của các bảo tàng nghệ thuật tư nhân đang làm thay đổi nhận thức về loại hình bảo tàng, mở ra xu thế mới, tạo nên sự đa dạng cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa nghệ thuật và qua đó hạn chế tình trạng “chảy máu” cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật dân tộc.

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần xem xét đến di sản đô thị, di sản công nghiệp
Một bảo tàng tư nhân tại Đà Nẵng

Về vấn đề này, đại biểu Bùi Hoài Sơn băn khoăn, ở Chương 5 khi chúng ta chưa có những chính sách ưu đãi đủ tốt cho các bảo tàng ngoài công lập.

“Tôi nghĩ, bảo tàng công lập hay ngoài công lập đều có ích cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Nhà nước nhiều khi không nhất thiết phải xây dựng, quản lý, tổ chức hoạt động của các bảo tàng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã hợp tác với khu vực ngoài Nhà nước trong việc xây dựng, vận hành thiết chế văn hoá quan trọng này. Trong bối cảnh hiện nay, khi có nhiều cá nhân tâm huyết, mong muốn đầu tư cho bảo tàng, Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi để tư nhân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động bảo tàng. Việc sửa đổi Luật lần này nên có thêm các quy định động viên về cơ chế, chính sách, thủ tục cho bảo tàng tư nhân hơn nữa” – ông nói.

Xem xét khái niệm di sản đô thị và di sản công nghiệp

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp này có bố cục gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Cụ thể, dự thảo Luật bỏ 2 chương: Chương II về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa, Chương VI về khen thưởng và xử lý vi phạm; bổ sung 4 chương: Chương IV về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, Chương V về bảo tàng, Chương VI về hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa, Chương VII về điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hồ sơ dự án Luật cũng kèm theo 7 dự thảo Nghị định và 7 dự thảo Thông tư quy định chi tiết.

Về tổng thể, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) kế thừa, sửa đổi nhiều quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành và bổ sung nhiều quy định mới để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, chính sách, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh (di sản tư liệu) và bổ sung đối tượng áp dụng (cộng đồng); bổ sung các quy định về đầu tư, xây dựng, cải tạo công trình trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa; các điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…; kế thừa có bổ sung các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Ngoài ra, dự thảo Luật đã lựa chọn luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật như điều kiện, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia… làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.

Tuy nhiên, để dự thảo Luật tốt hơn, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, chúng ta nên tiếp tục xem xét thêm một số nội dung liên quan đến hệ thống các khái niệm, di sản tư liệu, di sản đô thị và di sản công nghiệp…

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần xem xét đến di sản đô thị, di sản công nghiệp
Không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - một di sản công nghiệp của Hà Nội

Cũng theo đại biểu này, Luật cũng cần chú ý nhiều hơn đến di sản đô thị và di sản công nghiệp, nhất là các đô thị như Hà Nội, nơi có các địa điểm đáng chú ý như: Làng cổ Đường Lâm, khu phố cổ, Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy xe lửa Gia Lâm…

“Từng có một chuyên gia Ấn Độ nói với tôi rằng: “Nếu chúng ta bảo tồn di sản một cách máy móc, không đặt con người vào trung tâm, chúng ta sẽ vô nhân đạo đối với những người đang sống”. Qua quá trình khảo sát, tôi cảm thấy rất thấm thía về vấn đề này. Nếu chúng ta không cân bằng được bảo tồn và phát triển, làng cổ Đường Lâm sẽ trả lại danh hiệu, khu phố cổ sẽ không mong muốn được công nhận di sản... Chúng ta cần có quy định riêng cho những di sản sống, để đặt con người vào trung tâm trong mọi kế hoạch bảo vệ di sản, từ đó đất nước mới phát triển bền vững được” – đại biểu Bùi Hoài Sơn nhận định.

Thái Sơn
Phiên bản di động