Xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Đảm bảo tính khả thi
Sáng 19/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết điều chỉnh Chủ trương đầu tư. Đồng thời, nhấn mạnh việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An bày tỏ nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, trong đó có đề nghị cần xem xét, thông qua Chương trình theo quy trình 2 kỳ họp để bảo đảm chất lượng của nội dung chương trình. Đặc biệt, ngoài các quan điểm, nguyên tắc xây dựng chương trình được nêu trong báo cáo thẩm tra, đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm quan điểm xem việc phát triển văn hóa có những yếu tố đặc thù, đòi hỏi quá trình lâu dài, cần thu hút sự tham gia rộng rãi, chủ động và tích cực của người dân, do văn hóa là những giá trị do người dân sáng tạo và tích lũy qua quá trình sinh hoạt và lao động lâu dài.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Chương trình có đối tượng, phạm vi rất rộng, với nhiều nội dung khó và có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, tập trung vào hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, cụ thể gồm di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, sân khấu, múa, văn học, mỹ thuật,… để tránh chồng chéo và trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nội dung và nguồn vốn thực hiện, bảo đảm tính khả thi của chương trình.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh |
Vì vậy, đại biểu kiến nghị chương trình cần được nghiên cứu, đánh giá toàn diện, chuẩn bị Hồ sơ bảo đảm chất lượng, đồng thời bố trí thời gian phù hợp để Quốc hội cho ý kiến và thảo luận kỹ lưỡng trước khi ra quyết định.
“Đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình 2 kỳ họp, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này và xem xét thông qua tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XV”, đại biểu nêu quan điểm.
Cần quan tâm đến di sản
Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Ngoài ra, dự thảo Chương trình có sự trùng lặp với nhiều chương trình liên quan đến phát triển văn hóa do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có Dự án thành phần số 6 bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nội dung thành phần số 6 là nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn. “Hai nội dung này có giai đoạn thực hiện đến năm 2025, do đó đề nghị cần rà soát nội dung của Chương trình với các nội dung đã thực hiện được của các dự án thành phần của 2 Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện…”, đại biểu lưu ý.
Tuy nhiên, theo đại biểu căn cứ quy định tại khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình đầu tư công nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của từng giai đoạn cụ thể trong phạm vi cả nước. Hiện nay, đối với dự án đầu tư công tại nước ngoài, pháp luật đã quy định cụ thể về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đề xuất đưa vào chương trình này các nội dung liên quan đến đầu tư tại nước ngoài.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An |
Cùng quan điểm, đại biểu Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, đối tượng thụ hưởng của chương trình rất rộng, bao gồm người Việt Nam trong và ngoài nước, danh nghệ sĩ, doanh nghiệp, thiết chế văn hóa, riêng các loại hình di sản, di tích chỉ xác định cấp quốc gia. Theo đại biểu, Chương trình đã bỏ sót các di sản, di tích ở địa phương chưa được xác định cấp bậc. Loại hình này có rất nhiều trong dân gian, rất cần được quan tâm, bảo tồn và phát huy, bởi được hình thành giống như tiến trình phát triển của cư dân Việt trong hàng nghìn năm qua.
Góp ý về nội dung thành phần của Chương trình, đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu chọn lọc, gộp các nội dung thành phần và tập trung vào 3 nội dung lớn như sau: Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; Xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới;…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, phiên thảo luận đã có 29 ý kiến phát biểu, 3 ý kiến tranh luận; các ý kiến phát biểu sôi nổi, tâm huyết, chất lượng, thẳng thắn, ngắn gọn, đa chiều, sát thực tiễn, đi thẳng vào vấn đề với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu nhận định, Chương trình cơ bản đã đáp ứng được tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia, có tính đột phá, nhằm cụ thể hóa và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa… Góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh và là hồn cốt của dân tộc.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu. Theo Bộ trưởng, các ý kiến phát biểu đều thống nhất cao sự cần thiết phải ban hành Chương trình và mong muốn Chương trình sớm được ban hành; các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể để Chương trình có tính khả thi cao khi triển khai thực tế.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng |
Ghi nhận ý kiến góp ý hết sức trách nhiệm, sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tập trung phân tích, làm rõ thêm một số nội dung về: cách thức tiếp cận; trùng lặp đối tượng thụ hưởng Chương trình; cơ cấu nguồn vốn của Chương trình; vấn đề ngân sách phân cấp;…
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tổng hợp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và phát biểu tại hội trường để tiếp tục tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội một cách xác đáng và tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý; hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 tới đây.