Làng Thanh Liễu có lịch sử phong phú về nghề khắc mộc bản, một truyền thống đã phát triển từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Qua nhiều thế kỷ, người dân làng đã tạo ra vô số sản phẩm đa dạng như kinh sách, thơ văn, tranh trang trí, phù, bùa, ấn, và giấy tiền vàng mã.
Đỉnh cao của sự công nhận nghề thủ công này là khi UNESCO vinh danh 3 bộ mộc bản của Thanh Liễu là Di sản tư liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và mộc bản trường học Phúc Giang. Những danh hiệu này làm nổi bật ý nghĩa văn hóa và lịch sử của những đóng góp của Thanh Liễu cho di sản Việt Nam.
|
Nghệ nhân Nguyễn Công Đạt (áo đen) và anh Nguyễn Quý Đức (Founder Về Làng - một tổ chức đồng hành cùng các làng nghề truyền thống Việt Nam) |
"Không dễ để giữ nghề cha ông"
Nghề khắc mộc bản không phải lúc nào cũng tỏa sáng rực rỡ. Khi kỹ thuật in ấn phương Tây du nhập vào Việt Nam, nghề khắc mộc bản bắt đầu mai một. Hiện nay, chỉ còn 4 hộ gia đình tại làng tiếp tục kế thừa và phát triển nghề truyền thống này. Nghệ nhân Nguyễn Công Đạt, một người gắn bó sâu sắc với nghề, chia sẻ rằng, chất liệu phổ biến để khắc mộc bản là gỗ thị. Gỗ thị mịn màng, cứng cáp, thích hợp để chạm khắc những đường nét mảnh mai, sắc nét, tinh tế, và có độ bền cao, nếu được bảo quản tốt có thể sử dụng từ 300 - 500 năm.
|
Những bản mộc được khắc lại qua tranh cổ đầy khéo léo |
Những tấm mộc bản Thanh Liễu còn đặc biệt ở sự tỉ mỉ trong từng nét chạm trổ. Những đường vát nhọn được khắc rất mảnh, tạo nên vẻ đẹp riêng biệt mà các công nghệ khắc, in ấn hiện đại như CNC hay laser khó có thể sánh bằng. Tuy nhiên, việc bảo quản các hiện vật mộc bản cổ vẫn còn thô sơ, dễ bị bào mòn và xuống cấp theo thời gian. Nghề đang thiếu lớp kế cận, không còn nhiều nghệ nhân có tay nghề giỏi để duy trì.
|
Nghệ nhân Phạm Sơn Lương đang hoàn thành bản khắc gỗ Bình Phụng |
Để có được những bản in đều, đẹp tăm tắp, ông Phạm Sơn Lương - một nghệ nhân lâu năm của làng Thanh Liễu - cho biết: "Để làm ra thành phẩm là các bản in tranh, câu đối,... trên giấy, nghệ nhân làng Thanh Liễu phải tỉ mỉ trong từng công đoạn. Điều quan trọng nhất chính là bản khắc gỗ. Từ nguyên liệu, kỹ thuật điêu khắc, phong cách cá nhân của từng người đều được thực hiện một cách cẩn thận và trau chuốt hết mức có thể. Tranh dân gian có hơi thở thời gian riêng biệt, tuy nhiên chính người nghệ nhân cũng phải học cách "thổi hồn" nghệ thuật cá nhân vào trong từng tác phẩm qua những nét cong, nét thẳng... Một mộc bản hoàn chỉnh phải mất từ 2 - 4 ngày để hoàn thiện, ngoại lệ có những bức thuộc loại "siêu chi tiết" sẽ mất tới nửa tháng, thậm chí là cả tháng để hoàn thành".
|
Một bản khắc tạo hình Đức Trì Quốc Thiên Vương. Được biết, những bản khắc "siêu chi tiết" này cần ít nhất 10 ngày đến nửa tháng để hoàn thành cắt gọt từng đường nét |
Nghệ nhân Phạm Sơn Lương bùi ngùi chia sẻ thêm: "Không dễ để giữ được tay nghề của cha ông trong thời đại phát triển chóng mặt ngày nay. Những nghệ nhân thuộc thế hệ cha chú chúng tôi đã hết sức nỗ lực nhằm đem những gì tinh túy, khéo léo nhất một lần nữa trở lại với văn hóa xã hội. Nhưng nếu không có sự sáng tạo, yêu thích của thế hệ nghệ nhân trẻ nhằm tích cực đưa nghề mộc bản Thanh Liễu phủ sóng online rộng rãi. Có lẽ, nhiều người sẽ lãng quên, thậm chí không bao giờ biết đến, nghe đến nghề truyền thống này".
Các nghệ nhân trẻ bằng đam mê và công nghệ đang đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống lên internet, giúp nhiều người trên cả nước và cả bạn bè quốc tế biết đến di sản Việt Nam. Đây là một cách tiếp cận mới, sáng tạo, giúp di sản không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong thế giới số.
|
Nỗ lực số hóa di sản đã đem đến những thành công ban đầu đáng ghi nhận |
Chuỗi sự kiện “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” diễn ra xuyên suốt đến cuối tháng 6 tại không gian sáng tạo Phường Bách Nghệ, là một minh chứng cho nỗ lực bảo tồn và phát triển nghề mộc bản. Tại đây, người dân và du khách được trải nghiệm các công đoạn thực hành, từ chọn gỗ, xẻ ván, ngâm tẩm, hong khô đến khắc ván. Đây là cách các nghệ nhân truyền lửa, giữ gìn và lan tỏa giá trị làng nghề, cũng như văn hóa truyền thống Việt Nam trong nhịp sống đương đại.
|
Công đoạn lên mực mộc bản |
|
Công đoạn in mộc bản |
Không gian văn hóa sáng tạo Phường Bách Nghệ do Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt sáng tạo, dưới sự dẫn dắt của anh Nguyễn Quý Đức, người đã có 17 năm gắn bó với các làng nghề truyền thống. Anh đã tập hợp nhiều bạn trẻ đam mê văn hóa Việt Nam, xây dựng không gian sáng tạo với nhiều hoạt động thiết thực nhằm giữ gìn và khôi phục các làng nghề.
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Công Đạt chia sẻ, việc tổ chức chương trình “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” tại Hà Nội nhằm nỗ lực bảo tồn di sản, đồng thời tạo cơ hội phát triển làng nghề Thanh Liễu. "Chúng tôi mong muốn nghề mộc bản sẽ tiếp tục phát triển và được nhiều người đón nhận hơn trong tương lai”.
|
Những nghệ nhân kỳ cựu của làng Thanh Liễu rất mừng khi các bạn trẻ thích thú với nghệ thuật truyền thống |
Trong khuôn khổ chương trình, vào ngày 8/6, các nghệ nhân làng Thanh Liễu sẽ tổ chức chuyên đề "Kỹ thuật khắc và in mộc bản", với các hoạt động giao lưu, chia sẻ về kỹ thuật khắc mộc bản và in ấn phẩm; workshop thực hành về kỹ thuật khắc và in. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để các bạn trẻ tiếp xúc trực tiếp với di sản văn hóa, học hỏi và trau dồi kỹ năng, từ đó tiếp nối và phát triển nghề truyền thống.
Lời tâm sự từ những người trẻ
Trong không gian đậm chất văn hóa của sự kiện, chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện với một số bạn trẻ đến tham gia và cảm nhận được sự hứng thú, đam mê của họ đối với nghề mộc bản Thanh Liễu.
|
Bạn Nguyễn Hoàng Lan và bạn Châu Diệp Anh đến với sự kiện và nhất quyết "ngồi lì" để tìm hiểu về lịch sử Mộc bản Thanh Liễu |
Nguyễn Hoàng Lan, sinh viên năm cuối Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chia sẻ: “Em rất thích thú khi được trực tiếp thấy các nghệ nhân khắc mộc bản và được tham gia vào quy trình này. Mộc bản không chỉ đẹp mà còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử quý báu. Em mong rằng, em có thể học hỏi thêm và góp phần lan tỏa nghệ thuật này đến với nhiều người hơn, không chỉ ở Việt Nam mà còn ra thế giới.”
Trần Minh Quân (Đống Đa) đã bày tỏ: “Em đến đây vì nghe nói về sự kiện số hóa di sản. Đây thực sự là một ý tưởng tuyệt vời. Em muốn tìm hiểu cách mà công nghệ có thể giúp bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống. Em tin rằng, nếu kết hợp tốt giữa công nghệ và nghệ thuật, chúng ta có thể giới thiệu mộc bản Thanh Liễu đến với nhiều người hơn, đặc biệt là các bạn trẻ.”
|
Cô sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền Trương Thị Quỳnh Anh đã không ngại đường xa, tìm đến với chuỗi sự kiện để hiểu hơn về một nghề truyền thống lâu đời của đất Việt |
Phạm Thu Hà (Điện Biên) một nhà thiết kế đồ họa, chia sẻ: “Sự kiện này thật sự mở mang tầm mắt cho em. Em luôn yêu thích văn hóa truyền thống và việc được trực tiếp tham gia vào các hoạt động khắc mộc bản khiến em càng thêm trân trọng những giá trị này. Em mong rằng, mình có thể sử dụng kiến thức về thiết kế để tạo ra những sản phẩm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giúp lan tỏa nét đẹp của mộc bản Thanh Liễu ra khắp nơi.”
Những chia sẻ này là minh chứng cho thấy mộc bản Thanh Liễu không chỉ là một di sản văn hóa, mà còn là nguồn cảm hứng vô tận cho thế hệ trẻ. Họ đến với sự kiện bằng tất cả sự tò mò, yêu thích và quyết tâm mang nghệ thuật truyền thống của Việt Nam vươn ra thế giới. Hành trình hồi sinh mộc bản Thanh Liễu không chỉ là hành trình của những nghệ nhân, mà còn là hành trình của tất cả những người trẻ yêu mến và khao khát bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
|
Bạn trẻ giao lưu tại sự kiện |
|
Những nghệ nhân rất nhiệt tình giải đáp 1001 câu hỏi từ những vị khách tham quan hiếu kỳ |
|
Công đoạn in tranh được các bạn nhỏ yêu thích |
|
Những dụng cụ và sản phẩm nghề Mộc bản Thanh Liễu xưa |
|
Mộc bản này có tuổi đời lên tới cả trăm năm |
|
Những bức kinh thư, bùa phép cổ truyền được lưu giữ qua các mộc bản |
|
Những tác phẩm mộc bản đa dạng, phục vụ nhiều mục đích trong đời sống xã hội |
|
Bàn in tranh Mộc bản |
|
Mộc bản ấn triện và tiền vàng mã |
|
Những mộc bản kinh thư lâu đời được lưu giữ |