Giải pháp nào để phòng tâm lý học đường hoạt động hiệu quả?

Kỳ 5: Hiệu quả của mô hình Phòng Tư vấn học đường 3C

Phòng Tư vấn học đường 3C (Chuyên nghiệp – Chuyên môn – Chuyên trách) tại 6 trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội với thông điệp “Điều cuối cùng của một nền giáo dục thành công là những con người hạnh phúc” đã và đang hỗ trợ thiết thực, hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh.
Kỳ 4: PGS.TS Trần Thành Nam: "Cần “xốc” lại Phòng Tư vấn học đường trong trường học" Kỳ 3: Trò sẵn sàng, giáo viên sâu sát, cán bộ tâm lý đồng hành Bài 2. Thấy gì từ các phòng tư vấn tâm lý trong trường học hiện nay? Kỳ 1: Báo động tình trạng sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên Việt Nam

Nơi học sinh sẵn sàng tìm đến

4 năm nay, trong khuôn viên nhỏ của trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Đống Đa – Hà Nội), một căn phòng có tên “Phòng Tham vấn học đường” trở thành địa chỉ ấm áp của thầy cô, phụ huynh, học sinh trong trường. Căn phòng được sơn màu vàng chủ đạo, được bày trí bàn ghế, lọ hoa đẹp mắt khiến dù bất cứ ai bước vào cũng có cảm giác thân thiện, yên bình.

Theo cô Nguyễn Thanh Thủy, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trường Tộ, Phòng Tham vấn học đường Nguyễn Trường Tộ được xây dựng và vận hành từ 2019, đã và đang thực hiện sứ mệnh nâng cao chất lượng sức khỏe tinh thần (SKTT) cho các em học sinh trong môi trường học đường.

“Trước đó, học sinh và giáo viên đều gặp khó khăn trong việc hỗ trợ tư vấn tâm lý. Nhưng hai năm đầu tiên sau khi vận hành theo mô hình 3C, chúng tôi đã tiếp gần 700 ca tham vấn với gần 2.000 lượt tham vấn cho học sinh trường THCS Nguyễn Trường Tộ. Phòng tham vấn do các chuyên gia đảm trách, được thiết kế hoàn toàn khác biệt, bài trí đẹp và ấn tượng, luôn có các chuyên gia tâm lý đến từ các cơ quan, tổ chức uy tín để giúp đỡ các con.

Các con từng gặp khó khăn tâm lý, sau khi được hỗ trợ, tham vấn, có khả năng học tập tốt hơn và sống tích cực hơn. Các giáo viên nhà trường cũng cảm thấy được sự đồng hành và san sẻ nỗi ưu tư khi có sự hỗ trợ từ phòng tham vấn” – cô Nguyễn Thanh Thủy nói.

Kỳ 5:  Hiệu quả từ mô hình Phòng Tư vấn học đường 3C

NSUT Xuân Bắc giao lưu với các em học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Đống Đa, Hà Nội) trong buổi ra mắt phòng tham vấn học đường.

Cũng theo cô Thủy, để triển khai thành công, trường đã làm rất tốt công tác truyền thông về Phòng Tham vấn học đường của trường trên nền tảng số như Zalo, Fanpage, website.

“Tâm lý học đường là ngành tâm lý ứng dụng liên quan đến trẻ em, thanh thiếu niên, gia đình và quá trình học tập.

Các nhà tâm lý học học đường có chuyên môn để can thiệp ở cấp độ cá nhân và hệ thống, đồng thời phát triển, thực hiện và đánh giá các chương trình nhằm thúc đẩy môi trường học tập tích cực cho trẻ em và thanh thiếu niên từ các nền tảng khác nhau, và đảm bảo tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ giáo dục và tâm lý hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển sức khỏe”.

(Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA)

Phòng được chia các không gian: Phòng cá nhân, phòng nhóm và phòng trò chuyện chung. Ở phòng tham vấn, các thầy cô không chỉ lắng nghe tâm sự, chia sẻ của học sinh, gia đình và thầy cô mà còn tổ chức rất nhiều hoạt động bổ ích. Học sinh được làm và tham gia đánh những TEST liên quan đến năng lực, hành vi: MBTI, DISC, EQ, IQ, phương pháp học tập VAK,...

Các chuyên gia tâm lý là những người được đào tạo chuyên môn của Tổ chức GNI và đã triển khai thành công 4 chương trình lớn về phòng ngừa trên các nền tảng xã hội với các chủ đề: “Trường học hạnh phúc”, “Thải độc cảm xúc” “Nếu tôi lỡ là một cái cây”, Toạ đàm “Vắc xin hạnh phúc”...

Cô Thanh An – Quản lý Phòng TVHĐ Nguyễn Trường Tộ, chia sẻ: “Đặc biệt, trong mùa dịch COVID -19, để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về sức khỏe tinh thần cho các em học sinh, chúng tôi thay đổi hình thức hoạt động tham vấn cá nhân, nhóm thay đổi sao cho linh hoạt, phù hợp với bối cảnh và nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, các hình thức hỗ trợ tâm lý trực tuyến qua nền tảng Zalo, Facebook, Fanpage được triển khai tích cực”.

Một dự án nhân văn

Trường THCS Nguyễn Trường Tộ là một trong số 6 trường học đầu tiên ở Hà Nội triển khai xây dựng Phòng Tham vấn học đường (hay Tư vấn học đường) với mô hình 3C theo Dự án “Tăng cường sức khỏe tinh thần cho học sinh THCS tại Hà Nội của Tổ chức GNI (Good Neighbors International) từ năm 2019.

Theo chị Lê Thu Trang, Điều phối viên của Tổ chức GNI, tháng 8/2019, Tổ chức GNI bắt đầu nghiên cứu và triển khai mô hình phòng tham vấn học đường tại Hà Nội. Hai phòng tham vấn đầu tiên được hỗ trợ thành lập và vận hành tại trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Quận Đống Đa) và trường THCS – THPT Ban Mai (Quận Hà Đông), tiếp sau đó là THCS Minh Khai, THCS Lê Quý Đôn… Theo chị Trang, lý do mà học sinh trường THCS Nguyễn Trường Tộ sẵn sàng đến Phòng TVHĐ bởi vì Phòng được thiết kế và vận hành theo mô hình chuẩn 3C.

Kỳ 5:  Hiệu quả từ mô hình Phòng Tư vấn học đường 3C
Chị Lê Thu Trang, Điều phối viên của Tổ chức GNI giao lưu với học sinh

Chị Trang giải thích, Phòng TVHĐ 3C là đơn vị hoạt động độc lập trong trường học và được vận hành bởi các chuyên gia tâm lý. Sự khác biệt trong mô hình phòng tâm lý học đường 3C với các mô hình khác nằm ở yếu tố 3C (Chuyên môn - Chuyên nghiệp - Chuyên trách).

Chữ C đầu tiên - “Chuyên môn”: Nghĩa là phải được thực hiện bởi đội ngũ hiện bởi đội ngũ chuyên gia được đào tạo chuyên sâu và có kinh nghiệm trong các lĩnh vực tâm lý, có kỹ năng làm việc đặc thù.

Chuyên nghiệp” tức Phòng tâm lý học đường vận hành theo các quy trình, mỗi thành viên như một mắt xích trong hoạt động hỗ trợ học sinh. Các hoạt động của phòng từ hoạt động phòng ngừa đến hoạt động trị liệu, can thiệp đều được phân công phù hợp và xác định đối tượng rõ ràng. Tất cả mỗi thành viên đòi hỏi đảm bảo đúng quy trình và đạo đức nghề nghiệp. Kết quả hỗ trợ tâm lý được thể hiện trên các mẫu biểu đã được nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện. Việc thực hiện đúng và đủ các biểu mẫu, quy trình giúp các trường hợp được đánh giá và xử lý kịp thời, triệt để.

Cuối cùng là chữ C - “Chuyên trách”: Yêu cầu đội ngũ cán bộ, chuyên gia tâm lý và các lực lượng nhân sự khác làm việc tại Phòng tham vấn có trách nhiệm theo phạm vi công việc được giao. Mỗi đơn vị thuộc Phòng tâm lý thực hiện đúng các chức năng chuyên biệt: phòng tham vấn cá nhân, phòng tham vấn nhóm, phòng hoạt động.

Kỳ 5:  Hiệu quả từ mô hình Phòng Tư vấn học đường 3C
Phòng TVHĐ theo tiêu chuẩn 3C tại trường THCS Nam Từ Liêm
Kỳ 5:  Hiệu quả từ mô hình Phòng Tư vấn học đường 3C

“Khảo sát sàng lọc của chúng tôi được thực hiện vào đầu mỗi dự án cho thấy có khoảng từ 10-12% số học sinh được khảo sát có nguy cơ rối loạn cảm xúc. Trong đó, tỷ lệ ở các em nữ cao hơn ở các em nam. Chúng tôi nhận thấy, các nhóm vấn đề mà học sinh thường có nhu cầu tham vấn và hỗ trợ đó là: Học tập, hướng nghiệp, mối quan hệ bạn bè, mối quan hệ với cha mẹ. Một số nhỏ học sinh có nguy cơ trầm cảm, trải qua bạo lực hay xâm hại” – chị Trang cho biết.

Sau 4 năm, các phòng TVHĐ theo mô hình trên ở một số trường trên địa bàn Hà Nội đã tiếp cận hỗ trợ cho hơn 3.000 học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh với hơn 5.000 lượt tham vấn.

“Đánh giá về chất lượng của mô hình Phòng TVHĐ 3C, tỷ lệ hài lòng của học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên đạt 98%” – chị Lê Thu Trang chia sẻ thêm.

Cần thêm văn bản hướng dẫn

Hiện nay, trên thế giới, các quốc gia chú trọng vào công tác dự phòng. Nếu như mô hình tâm lý học đường tại một số quốc gia như Đan Mạch, Ireland và Anh thường tập trung vào hỗ trợ sự phát triển tâm lý toàn diện của học sinh, thì Mỹ tập trung vào thực hiện các chương trình phòng ngừa và trải nghiệm dành cho học sinh.

Tại Mỹ, các nhà tâm lý học đường thường được đào tạo về tâm lý học phát triển, tâm bệnh học trẻ em và thanh thiếu niên, giáo dục học, gia đình và việc làm cha mẹ, các lý thuyết về học tập và về nhân cách... Thông thường, nhà tâm lý học đường ở Mỹ làm nhiệm vụ đánh giá, tư vấn và hỗ trợ tâm lý cũng như tâm lý-giáo dục. Do đó, họ thường không chỉ là chuyên gia trong tâm lý học mà cả trong giáo dục học. Nhằm hạn chế các vấn đề trong cuộc sống học sinh cũng như trong môi trường học tập, công tác dự phòng và can thiệp sớm ở quốc gia này rất được chú trọng.

Theo chuyên gia Lê Thu Trang, kinh nghiệm trên thế giới và khi triển khai dự án cho thấy, hoạt động của Phòng TVHĐ sẽ hiệu quả hơn nếu có các vị trí việc làm chuyên trách trong trường học. Nghĩa là sẽ có nhân sự phụ trách toàn thời gian, có chuyên môn về tâm lý học đường để triển khai bài bản các hoạt động từ khảo sát sàng lọc, tham vấn, tổ chức hoạt động nhóm, hoạt động phòng ngừa toàn trường đến tư vấn chiến lược cho Ban Giám hiệu.

“Hiện nay, cùng với hệ thống các văn bản chính sách liên quan đã có, sẽ thuận lợi hơn khi có thêm các văn bản hướng dẫn cụ thể về yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết yếu trong Phòng TVHĐ, cách bố trí phòng hay quy trình tiếp nhận, hỗ trợ học sinh, quản lý hồ sơ sổ sách...; Cũng cần có danh sách các địa chỉ chuyên gia, trung tâm, cơ sở hỗ trợ, trị liệu tâm lý uy tín, được cấp phép để các cơ sở tham khảo, kết nối, chuyển gửi” – Điều phối viên Lê Thu Trang nêu giải pháp để Phòng TVHĐ hoạt động hiệu quả.

Đồng tình quan điểm này, cô giáo Trần Thị Quỳnh Hoa – Phụ trách Phòng TLHĐ trường THCS Việt Đức (Hà Nội) cũng cho rằng, cần nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ nhà quản lý trường học, giáo viên, phụ huynh và cán bộ công nhân viên trong nhà trường về vai trò của sức khỏe tinh thần nói chung, các kiến thức tâm lý cơ bản, yếu tố bảo mật và kỹ năng hỗ trợ trẻ trong trường hợp khẩn cấp.

"Bên cạnh đó, nên đảm bảo nhân sự có chuyên môn, chuyên trách phụ trách các hoạt động của phòng tham vấn nhằm đảm bảo yếu tố chuyên nghiệp và các giá trị đạo đức của tham vấn tâm lý. Có thể bố trí 1 chuyên gia cao cấp phụ trách 1 nhóm trường, nhằm có sự trao đổi nâng cao chuyên môn và hỗ trợ các trường hợp đặc biệt một cách kịp thời" - cô giáo Trần Thị Quỳnh Hoa đề xuất.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh: Sắp xếp, bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách tư vấn tâm lý học đường

Bộ GD&ĐT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ sắp xếp, bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách tư vấn tâm lý học đường theo quy định; nghiên cứu cơ chế bố trí cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý theo diện hợp đồng lao động; Xem xét bố trí ngân sách, cơ sở vật chất cho dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tâm lý tại địa phương; triển khai giải pháp huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các Sở, ngành chức năng tham mưu về chế độ đãi ngộ, chính sách liên quan để hỗ trợ, động viên các cán bộ, giáo viên thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục.

Bộ GD&ĐT cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục cũng như hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh tại các tổ chức, đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan.

Thái Sơn
Phiên bản di động