Kỳ 3: Trò sẵn sàng, giáo viên sâu sát, cán bộ tâm lý đồng hành
Bài 2. Thấy gì từ các phòng tư vấn tâm lý trong trường học hiện nay? Kỳ 1: Báo động tình trạng sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên Việt Nam |
Bí quyết “3 có”
Chúng tôi được biết đến NGƯT, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng với những quan điểm về tư vấn tâm lý học đường từ rất lâu, qua những trao đổi của thầy với báo chí, với giáo dục. Tuy nhiên quả thực, chỉ khi thực sự trò chuyện trực tiếp, mới thực sự thấy sự tâm huyết của thầy đối với “đứa con tinh thần” - Phòng Tư vấn học đường của trường THPT Đinh Tiên Hoàng.
Thầy Lâm cho biết, năm 2002, trường THPT Đinh Tiên Hoàng là ngôi trường đầu tiên của Hà Nội thành lập Phòng Tư vấn học đường. Như vậy, so với Thông tư 31 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) năm 2017 thì nhà trường đã chủ động đi trước nhiều năm. Điều này cho thấy, nhà trường rất coi trọng vấn đề tư vấn tâm lý của học sinh, coi đây là bộ phận không thể thiếu trong hoạt động dạy và học. Thực tế cho thấy, 21 năm qua, hoạt động tư vấn tâm lý của trường được triển khai khá nhiều hoạt động tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực.
“Ý định làm, nguồn lực làm, làm đúng cách. Đây là "3 có" để mô hình phòng tâm lý học đường hoạt động được và hoạt động hiệu quả” – thầy Lâm chia sẻ về bí kíp khi được hỏi về phát huy hiệu quả mô hình Phòng Tư vấn tâm lý học đường.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm để có mô hình Phòng Tư vấn học đường hiệu quả như hiện nay ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết: “Quan điểm của tôi gọi là Phòng tư vấn chứ không phải Tổ tư vấn. Đây là một tổ chức trong nhà trường và có tính chất chuyên môn, như vậy nó mới hoạt động đúng chức năng”.
Nói về “3 có”, thầy Lâm khẳng định, phải xác định việc tư vấn tâm lý học đường là quan trọng, là cần thiết. Sau đó, nếu không có nguồn lực thì phải tìm các tổ chức giúp đỡ. Quan trọng vẫn là người đứng đầu nhà trường phải nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò của phòng tư vấn tâm lý học đường.
Cách làm cũng sẽ quyết định đến hiệu quả của phòng tư vấn này. Không phải cứ thuê người ngoài đến hò hét một hai buổi là xong. Ở đây phải xét đến sự phù hợp với lứa tuổi, với đặc thù học trò trường mình, các hoạt động phải tổ chức thường xuyên, phải có hiệu quả giáo dục. Các nhà tâm lý tác động đến học sinh không giống giáo viên chủ nhiệm.
Nếu như giáo viên chủ nhiệm là người phán xử đúng sai tốt xấu và yêu cầu các em thay đổi thì các nhà tâm lý thì từng bước tháo gỡ để các em "tâm phục khẩu phục". Đấy là tầm quan trọng của những nhà chuyên trách, những người có nghề" - thầy Lâm nói.
Được biết, mỗi năm nhà trường đầu tư cho Phòng Tâm lý học đường số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng để chi phí cho nhân sự và các hoạt động truyền thông... để nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh về sức khỏe tâm thần.
Xây dựng môi trường học tập tâm lý
Có lẽ, hiếm khi nhà báo tiếp xúc với một bộ phận của trường học mà lại “bất ngờ” như vậy. Chúng tôi nói điều này là có cơ sở, bởi trong các lần tác nghiệp trước, nếu được cấp trên (hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường) giới thiệu, thì cấp dưới sẽ ngay từ đầu rất thân thiện, thì với các cán bộ Phòng Tâm lý học đường của trường THPT Đinh Tiên Hoàng lại khá “thận trọng”.
Ngay từ đầu, chị Nguyễn Lan Anh, chuyên viên tâm lý của nhà trường đã thẳng thắn trao đổi với chúng tôi: "Việc tư vấn tâm lý cho các em học sinh rất nhạy cảm. Nếu không khéo sẽ thành lộ bí mật, mất niềm tin của các em vào thầy cô chủ nhiệm, cán bộ tư vấn tâm lý. Chính vì thế, những câu chuyện, những vấn đề khúc mắc “của ai”, “tại sao” đều được chúng tôi giữ bí mật như chính bí mật của bản thân mình; Làm thế nào để các em không vì lo lắng quá mà ngại chia sẻ...
Chính sự thẳng thắn và “vào việc” luôn như vậy khiến chúng tôi từ ban đầu đã tin tưởng vào hiệu quả tư vấn và đồng hành của văn phòng này.
Sau hơn nửa giờ đồng hồ, những câu chuyện chia sẻ, trao đổi giữa nhà báo và chuyên viên tâm lý Nguyễn Lan Anh đã dần cởi mở, gần gũi hơn.
Theo chị Lan Anh, Phòng Tư vấn học đường của nhà trường thường có từ 3 – 5 cán bộ được đào tạo chính quy về tâm lý học và có chứng chỉ chuyên về công tác tư vấn tâm lý.
Trải qua hàng chục năm hoạt động, mặc dù có nhiều cách làm để ngày càng phù hợp, đáp ứng nhu cầu tư vấn hơn, nhưng tâm lý lứa tuổi học sinh THPT thì không đổi, có chăng chỉ là những vấn đề cụ thể sẽ thay đổi hơn với môi trường hiện nay.
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Lan Anh và học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng |
Học sinh đến với phòng tư vấn có tới 60% khó khăn trong học tập, 30% khó khăn về gia đình, xã hội; Gần 20% khó khăn về vấn đề tâm lý, giới tính và đặc biệt có 3,4% trường hợp có biểu hiện tâm thần. Nguyên nhân dẫn tới những khó khăn trong tâm lý của học sinh được chị Lan Anh chỉ ra là do tâm lý lứa tuổi, áp lực học tập trong giai đoạn chuyển cấp, hay do hoàn cảnh gia đình, hoặc các em chưa được quan tâm chăm sóc kịp thời và chu đáo ngay ở những bậc học dưới.
Ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng, mỗi giáo viên chủ nhiệm đã là một “nhà tâm lý”, một người làm công tác phòng ngừa. Khi học trò "có vấn đề" là giáo viên chủ nhiệm phải nhìn nhận, quan sát, lắng nghe, tìm hiểu để làm công tác phòng ngừa. Lớp có 30 - 40 học trò là từng ấy vấn đề, giáo viên phải nắm bắt được để hỗ trợ cho học sinh kịp thời.
Theo chị Lan Anh, chính giáo viên làm tốt công tác phòng ngừa sẽ làm giảm số lượng học sinh phải đến văn phòng tư vấn. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, truyền thông đến phụ huynh, học sinh ngay từ đầu năm học về vai trò, vị trí của Phòng Tư vấn tâm lý học đường đã giúp học trò ở đây chủ động tìm gặp giáo viên và chuyên viên tâm lý. Như vậy, học sinh sẽ biết lúc nào mình cần đến phòng này, vấn đề gì cần tư vấn… Giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ biết lúc nào cần sự hỗ trợ của cán bộ Phòng Tư vấn tâm lý học đường.
Học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng |
Trong lần được tiếp cận với ca tư vấn tâm lý của chuyên viên Nguyễn Lan Anh, chúng tôi được chứng kiến sự “chuyên nghiệp”. Ngay trong cách chào hỏi thể hiện sự gần gũi, xoá tan khoảng cách đã khiến học trò muốn cởi bỏ nút thắt tâm lý mà mình đang mang. Có em xuống gặp cô Lan Anh chỉ để kể cho cô nghe một thắc mắc rất nhỏ và ngay lập tức được tháo gỡ. Có những em chưa kịp nói đã “thút thít”., rồi được cô Lan Anh động viên, chia sẻ, cuối cùng cũng mở lòng tâm sự và nhận được lời khuyên cần thiết.
Chuyện về những ca tư vấn
Việc được lắng nghe, được quan tâm và chia sẻ là quan trọng nhất đối với học sinh cần tư vấn tâm lý. Nhiều khi chỉ là những vấn đề nhỏ như lườm nguýt nhau, mất cây son, nghi ngờ bạn, tình cảm nam nữ, đố kị về món đồ mới… cũng khiến các học sinh có những hành động và suy nghĩ không đúng mực, cần được giải toả.
Kể về những ca tư vấn khiến bản thân suy nghĩ mãi vì chưa thể giúp được học sinh đến cùng, chị Lan Anh nói về cậu học trò cuối cấp vừa phải nghỉ học. “Năm 2022 - 2023, có một học sinh lớp 12 chuyển từ trường khác sang, khi học sinh này sang thì cô giáo chủ nhiệm đã phát hiện ra có học sinh mắc ám sợ xã hội, bị rối loạn hoang tưởng khi trong giờ học không tập trung chú ý, giờ ra chơi không tiếp xúc với ai và có xu hướng càng đông người lại gần, càng co cụm. Giáo viên chủ nhiệm ngay lập tức đã nhờ tới Phòng Tư vấn tâm lý học đường.
Sau 3 buổi tư vấn, trao đổi, cán bộ tâm lý đã xác định được việc học trò bị chứng hoang tưởng, nghiện game. Đại diện nhà trường cũng đã trao đổi với phụ huynh, được biết, trò đã mắc chứng này từ lâu, nhưng không hoà nhập được với môi trường học tập nào khác. Khi nghe giới thiệu về mô hình của nhà trường thì đã muốn cho con sang Đinh Tiên Hoàng học để hi vọng con có môi trường hoà nhập, chuyển biến về bệnh.
Đến buổi thứ tư, trò đồng ý gặp chuyên gia tâm lý học do nhà trường kết nối. Trong một tháng, chuyên gia tâm lý, cán bộ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm…hỗ trợ học trò. Tuy nhiên cuối cùng bản thân trò không muốn thoát khỏi những ám ảnh về game nên gia đình quyết định cho con nghỉ học để điều trị bệnh. Đây là một trường hợp khiến chúng tôi rất băn khoăn, muốn được hỗ trợ tâm lý chuyên sâu. Tuy nhiên, bản thân học trò không muốn thì không thể có hiệu quả được” – chị Lan Anh chia sẻ.
Điều này cũng đặt ra một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của hoạt động tư vấn tâm lý, đó là học trò phải sẵn sàng chia sẻ và hợp tác, cởi mở, như vậy hiệu quả hỗ trợ mới đạt tối đa.
Sau những chia sẻ về hoạt động của Phòng Tư vấn tâm lý học đường, điều chị Lan Anh trăn trở nhất vẫn là, do đặc thù hoàn cảnh, nên học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng được đánh giá là bị “stress nhất” trong các trường học của quận Ba Đình (theo một khảo sát chuyên sâu của sinh viên trường Lao động cộng đồng). Bởi, khá nhiều học sinh của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng là những em không nắm được kiến thức cơ bản từ cấp dưới; Không có thói quen về nền nếp học tập, tư duy độc lập; Không có khả năng tự học; 60% yếu kém về học tập, 20% yếu kém về rèn luyện đạo đức. Không những thế, học sinh của trường phần lớn có hoàn cảnh gia đình ly tán hoặc khó khăn về kinh tế…
“Cũng chính điều này lại càng khiến cho công tác tư vấn học đường của nhà trường đặc biệt phát huy tác dụng, đồng hành cùng học trò trong ba năm học trước khi có sự lựa chọn quan trọng để bước vào ngưỡng cửa cuộc đời” - chị Lan Anh chia sẻ.
Trước hàng loạt sự việc về bạo lực học đường, nguy cơ áp lực trong học tập dẫn đến những hành động dại dột như bỏ nhà đi, tự tử, rối nhiễu tâm lý của học sinh được nhắc tới trong thời gian qua, cả TS Nguyễn Tùng Lâm và chuyên viên tâm lý Nguyễn Lan Anh đều khẳng định vai trò của phòng tư vấn tâm lý học đường là hết sức quan trọng và cấp bách. Việc “3 có” để mô hình này hoạt động bài bản, hiệu quả, rất cần có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các chuyên gia tâm lý có chuyên môn, được đào tạo bài bản.
(Còn nữa)