Giải pháp nào để phòng tâm lý học đường hoạt động hiệu quả?

Kỳ 4: PGS.TS Trần Thành Nam: "Cần “xốc” lại Phòng Tư vấn học đường trong trường học"

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trước sự gia tăng những vấn đề về sức khỏe tâm thần (SKTT) của thanh thiếu niên Việt Nam, rất cần “xốc” lại hoạt động của các phòng tư vấn học đường vốn đã "tê liệt" từ nhiều năm nay.
Kỳ 3: Trò sẵn sàng, giáo viên sâu sát, cán bộ tâm lý đồng hành Bài 2. Thấy gì từ các phòng tư vấn tâm lý trong trường học hiện nay? Kỳ 1: Báo động tình trạng sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên Việt Nam

“Tổ tư vấn học đường hiện nay mang tính… hình thức”

- PV: Thưa ông, là một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về SKTT và tham gia nhiều dự án về SKTT của thanh thiếu niên, ông đánh giá như thế nào về các Phòng Tư vấn học đường (TVHĐ) trong trường học hiện nay?

- PGS.TS Trần Thành Nam: Qua nghiên cứu và quan sát, tôi nhận thấy, tất cả các trường hiện nay đều có Phòng TVHĐ theo Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT nhưng vấn đề hoạt động theo đúng chức năng, cơ sở vật chất để đảm bảo quy trình của phòng tâm lý thì chưa đầy đủ.

Thứ nhất, đối với cấp tiểu học, dường như, đó chỉ là không gian nghỉ ngơi của giáo viên sau giờ giảng. Còn với cấp THCS, THPT thì công tác truyền thông chưa tốt, thậm chí không đảm bảo yêu cầu của phòng tâm lý: Không gian quá mở, không độc lập để các em có thể tự tin chia sẻ khúc mắc, cảm xúc của mình.

Thứ hai, đó là sự kỳ thị của chính giáo viên, học sinh. Gọi là phòng tâm lý nhưng trong con mắt của học sinh, phải lên phòng đó đồng nghĩa với em đó bị kỷ luật hoặc đầu óc có... vấn đề. Sự kỳ thị như vậy khiến phòng tâm lý mở ra nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.

- PV: Điều kiện “cần” và “đủ” của của một Phòng TVHĐ phải như thế nào, thưa ông?

- PGS.TS Trần Thành Nam: Có nhiều tài liệu hướng dẫn về việc thiết lập và vận hành một phòng tư vấn tâm lý trong trường nhưng điều đó chưa đủ để “cầm tay chỉ việc” cho giáo viên.

Để triển khai được thì phòng TVHĐ phải có trong kế hoạch tài chính của các trường học nhưng hiện nay, đa số trường học không có. Tổ TVHĐ có cả hiệu trưởng, hiệu phó nhưng lập ra chỉ là hình thức chứ không có kế hoạch tài chính để đảm bảo phòng “chạy” được.

Tiếp đến, Phòng TVHĐ phải có không gian thoải mái để học sinh có thể chia sẻ nhưng đa số tại nhiều trường hiện nay, cơ sở vật chất của phòng không đảm bảo. Việc thiết kế phải đảm bảo được không gian tiếp phụ huynh, không gian cho học sinh, cho nhóm phù hợp.

Bên cạnh đó, cần phải có hàng loạt trắc nghiệm để sàng lọc, giúp thầy cô có thể phát hiện vấn đề định lượng, toàn diện để xem học sinh có nguy cơ có vấn đề tâm lý hay không.

Trên thực tế, các Phòng TVHĐ trong trường học hiện nay thường không có không gian chuyên biệt. Cơ sở vật chất, kế hoạch đều không có. Thông tư 31 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thì hay nhưng hoạt động của các phòng này ở trường thì mang tính “hình thức”, việc bổ sung năng lực cho cán bộ phòng TVHĐ còn chưa đạt chuẩn.

Cần “xốc” lại Phòng Tư vấn học đường trong trường học
PGS.TS Trần Thành Nam

- PV: Vậy ông nhìn nhận như thế nào về những giáo viên – người đang phải đóng vai trò “kép”: Vừa dạy chuyên môn, vừa tư vấn tâm lý cho học sinh ở các Phòng TVHĐ trong trường học hiện nay?

- PGS.TS Trần Thành Nam: Tôi chỉ lấy ví dụ, khi học sinh gặp các vấn đề đơn giản như khó khăn về học tập, yêu đương, khúc mắc ở tuổi vị thành niên thì có thể khuyên giải nhưng chuyện phức tạp hơn như bố mẹ mâu thuẫn, khủng hoảng từ gia đình thì việc tư vấn đòi hỏi phải có chuyên môn.

Tôi từng thấy, ở nhiều trường, người phụ trách đoàn thanh niên thì phụ trách tư vấn tâm lý. Giáo viên phụ trách phòng TVHĐ thì chỉ được tham gia một vài khóa tập huấn ngắn hạn. Phải hiểu rằng, với các môn khác, khi tập huấn những mô đun, có gợi ý, sau đó họ có thể tự nghiên cứu được. Ngành tâm lý thì khác, liên quan đến kỹ năng, nhân cách của con người thì một vài khóa ngắn hạn không giải quyết được gì. Chưa kể, các khóa tập huấn bị cắt ngắn lại, chất lượng, giảng viên được cấp phép cũng là điều đáng bàn khi mà chính bản thân họ chưa tư vấn ca nào…

Chúng tôi chứng kiến nhiều ca tham vấn, tư vấn của thầy cô, đó là sự chỉ trích, dạy dỗ và có khi còn khoét sâu thêm cả những tổn thương của các em, vì họ vẫn sử dụng “vai” giáo viên dạy các em, chứ không phải là tư vấn. Phải nâng đỡ, hiểu và thấu cảm được đằng sau hành vi của các em là gì.

Ở nước ngoài, để đảm nhiệm vai trò tư vấn tâm lý trong trường học, các chuyên viên phải trải qua 6 năm đào tạo. Ngoài ra, họ phải được thực hành tối thiểu 300 giờ dưới sự giám sát của người thầy có chứng chỉ hành nghề về mặt tâm lý.

- PV: TS có thể cho biết, người được đào tạo để đáp ứng được vai trò chuyên trách Phòng TVHĐ cần kỹ năng gì?

- PGS.TS Trần Thành Nam: Trước hết, họ phải có kiến thức về sự phát triển bình thường của một đứa trẻ, có kiến thức rất sâu về tâm bệnh học ở từng lứa tuổi mầm non, tiểu học, các cấp khác ra sao…

Việc sử dụng phương pháp trắc nghiệm chỉ là một phần nên họ phải có cách thức đánh giá, kỹ năng quan sát để chuẩn đoán được; Tiếp đến là khả năng phòng ngừa bằng các kế hoạch, chương trình giáo dục kỹ năng sống quy mô cấp toàn trường, chương trình can thiệp phòng ngừa nhóm; Có năng lực phối hợp với các tổ chức để chuyển tuyến, quản lý ca, ca nào đến bậc nào thì cần giáo dục đặc biệt, ca nào thì bác sĩ tâm thần, ca nào thì cần bác sĩ tâm lý lâm sàng.

Cuối cùng, họ phải có thời gian làm việc dưới sự giám sát của chuyên gia bởi những vấn đề liên quan đến nhân cách, tâm lý con người thì không được phép sai. Ví dụ: Học sinh đang có ý tưởng tự sát, trầm cảm mà tư vấn sai quy trình thì cực kỳ nguy hiểm.

Sắp tới, trong trường học, có thể bố trí vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý nhưng tôi vẫn nhấn mạnh rằng, Sở GD&ĐT vẫn có phải nhóm đặc trách, điều phối các chuyên gia giám sát thường xuyên. Hãy nên để một chuyên gia phụ trách 1 cụm trường.

Rất cần vị trí chuyên trách tại Phòng TVHĐ

- PV: Hiện ngành tâm lý đang trở thành một ngành “hot”, nhiều trường đã mở thêm ngành này và điểm tuyển sinh đầu vào cũng rất cao. Theo ông, chất lượng đào tạo ngành Tâm lý học đường ở các trường đại học đã đáp ứng được theo yêu cầu chưa?

- PGS.TS Trần Thành Nam: Thực tế, hiện nay các trường đại học nhìn thấy Tâm lý học là ngành hút người học nên đã cung cấp các chương trình liên quan đến TLHĐ. Trước đây, chỉ một số chương trình truyền thống như Tâm lý học lâm sàng được dạy sau đại học ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhưng nay thì Đại học Văn Lang, Đại học Hoa Sen, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và một số trường khác cũng đào tạo.

Đối với hệ cử nhân ngành Tham vấn học đường, hiện nay, chỉ có Trường Đại học Khoa học giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) được phép thử nghiệm đào tạo. Mỗi khóa, trường tuyển sinh 80 sinh viên và mới đào tạo được 3 khóa. Còn lại, tất cả các trường khác chỉ đào tạo ngành tâm lý học nói chung.

Tuy vậy, không thể lấy một người học tâm lý học nói chung để đi chữa bệnh tâm lý. Thậm chí, hiện còn có nhiều người tham gia các khóa ngắn hạn, xong tự xưng là COACH, đi giảng dạy, trị liệu cho người khác; Có cử nhân tốt nghiệp ngành công tác xã hội cũng hành nghề trị liệu tâm lý học đường.

Các trường hiện đua nhau mở ngành Tâm lý học cho có vẻ… thời thượng nhưng thực sự có kiểm soát được chất lượng đào tạo, “đầu ra” như thế nào thì rất đáng bàn. Tỷ lệ việc làm đôi khi không phản ánh chất lượng đầu ra mà chỉ phản ánh nhu cầu nhiều.

Ở nước ngoài, yêu cầu hành nghề trị liệu tâm lý vô cùng khắt khe, họ bắt buộc phải học chuyên ngành phù hợp. Tôi vẫn nhấn mạnh, nhà tâm lý học đường thì phải được đào tạo chuyên sâu và làm công việc tư vấn tâm lý học đường.

Cần “xốc” lại Phòng Tư vấn học đường trong trường học
Chuyên viên tâm lý tại Phòng TVHĐ trao đổi với học sinh tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng

- PV: Vị trí tư vấn tâm lý học đường trong trường học hiện chủ yếu do giáo viên kiêm nhiệm và họ hoàn toàn không được đào tạo về chuyên môn. Theo ông, để hoạt động hiệu quả, vị trí này cần được “chính thức hóa” như thế nào trong các trường học?

- PGS.TS Trần Thành Nam: Hiện tại, ở Việt Nam, nhà tâm lý học chưa có trong danh mục ngành nghề chính thức. Vừa rồi, Quốc hội thảo luận về Luật Khám chữa bệnh, nếu được thông qua thì sẽ có hẳn 1 chương về SKTT, gọi tên chính xác là Nhà tâm lý học và được biên chế. Đó là một bước tiến mới.

Hiện nay, 43 bệnh viện tâm thần trên cả nước đều có Khoa Tâm lý và nhận cử nhân Tâm lý học. Tuy vậy, có thực tế là bác sĩ khoa tâm thần thường không ghi nhận việc điều trị tâm lý nhiều lắm nên nhiều thạc sĩ ngành này làm việc tại bệnh viện đều chỉ được đảm nhận việc trắc nghiệm tâm lý. Họ thậm chí không được hỏi chuyện, quan sát người bệnh để chuẩn đoán. Mức lương của họ tương đương lương kỹ thuật viên, không xứng đáng với chi phí và thời gian được đào tạo.

Do đó, thời gian tới, với điểm mới của Luật Khám chữa bệnh, coi thăm khám về mặt tâm lý cũng được bảo hiểm chi trả như các nước khác thì lúc đó mới có một vị trí cho nhà tâm lý học và tạo áp lực cho các trường đại học phải đào tạo ra những người đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn để hành nghề.

Thêm nữa, khi có một vị trí việc làm, thì các trường cũng sẽ có “mã định danh” cho người làm công việc tư vấn tâm lý cho học sinh tại các Phòng TLHĐ. Trước những vấn đề về SKTT của học sinh, rất cần phải “xốc lại” các tổ tư vấn tâm lý trong trường học, tránh căn bệnh “hình thức”, làm và báo cáo chỉ để “cho có”.

- PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Còn nữa)

Thái Sơn
Phiên bản di động