GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ PHÒNG TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ?

Bài 2. Thấy gì từ các phòng tư vấn tâm lý trong trường học hiện nay?

Sau 5 năm triển khai Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, đa số tại các trường, phòng tư vấn học đường được thành lập. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động còn vô cùng… mờ nhạt.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tờ rơi truyền thông về tư vấn tâm lý học đường Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả tư vấn tâm lý học đường Kỳ thi THPT 2020: Sĩ tử có thể được tư vấn tâm lý trực tuyến

“Phòng tư vấn học đường ở đâu ạ?”

Vấn đề tham vấn học đường, tư vấn tâm lý học đường hay tâm lý học trường học đang là vấn đề được quan tâm trên toàn thế giới và đặc biệt được quan tâm ở Việt Nam từ sau đại dịch COVID-19 xảy ra. Có thể khẳng định, Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT về việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông là chủ trương thiết thực và đúng đắn. Tuy vậy, từ chính sách đến thực tiễn vẫn là con đường đầy thử thách.

Trong quá trình thực hiện bài viết, khi đặt câu hỏi với học sinh về các phòng tư vấn học đường, PV thường nhận được câu hỏi ngược lại của các em: “Phòng tư vấn học đường ở đâu ạ?”. Đáng nói hơn, khi khảo sát một số trường, thì phòng tư vấn này luôn "cửa đóng then cài".

Không dám vào phòng tư vấn tâm lý do căn phòng này nằm ngay trong dãy nhà hiệu bộ, Lê Thị H.Tr (học sinh lớp 8 tại Đông Sơn, Thanh Hóa) đã từng gặp trực tiếp giáo viên chủ nhiệm để tâm sự vì cô là người tâm lý và hiểu học trò. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện giữa hai cô trò đã bị nhiều học sinh, giáo viên khác biết.

"Lúc đó, em thật sự rất buồn. Em đã đặt niềm tin sai chỗ vì câu chuyện giữa em và cô lại bị nhiều người biết. Vì vậy, sau đó, em không bao giờ nói chuyện hay tâm sự với ai trong trường. Thật sự, nếu phòng tư vấn tâm lý chuyển sang một nơi khác, ở đó có các chuyên gia tâm lý, các thầy cô em không quen biết, em sẽ sẵn sàng chia sẻ và nhận lời khuyên hơn" - Trang mong mỏi.

Bài 2. Thấy gì từ các phòng tư vấn tâm lý trong trường học hiện nay?
Những phòng tư vấn tâm lý "cửa đóng then cài" tại rất nhiều trường học hiện nay

PGS.TS Trần Thành Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá: “Ở nhiều trường học, phòng tư vấn được thành lập nhưng với không gian không đảm bảo, “quá mở”, không đủ tính bảo mật để các con có thể chia sẻ cảm xúc, khúc mắc. Hơn nữa, nhiều cha mẹ học sinh, hay chính học sinh còn “kỳ thị”, cho rằng, ai phải lên phòng đó có nghĩa là bị kỷ luật hoặc là đầu óc có vấn đề… Điều này cho thấy, công tác truyền thông về phòng tư vấn vẫn còn vô cùng hạn chế ở các trường hiện nay”.

Một bất cập khác mà PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra, đó là: “Nguyên tắc trong tư vấn tâm lý không được có quan hệ đa chiều hoặc song chiều ở vị trí người tư vấn. Nếu cô giáo trong một số giờ lên lớp dạy có thể phạt các em, song chính cô giáo đó ở phòng tâm lý lại yêu cầu các em chia sẻ những vấn đề của mình thì thật sự rất khó để học sinh mở lòng”, PGS, TS Trần Thành Nam cho hay.

Khẳng định công tác tư vấn tâm lý trong cơ sở giáo dục là điều rất quan trọng, giúp học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống tìm hướng giải quyết phù hợp, cô Nguyễn Thị Nga - giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa) cho rằng, các nhà trường nên đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu hoạt động của phòng tư vấn tâm lý đến học sinh để các em có thể đến giãi bày.

Khi phòng tư vấn tâm lý thành phòng “đa chức năng”

Trường PTDT bán trú Tiểu học Tùng Vài (huyện Quản Bạ, Hà Giang) có hơn 600 học sinh. Cô Nguyễn Thị Tuyến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, phòng tư vấn học đường của trường cũng đồng thời có chức năng là phòng y tế và giáo dục học sinh khuyết tật, hòa nhập. Tổ tư vấn học đường gồm các thày cô chủ nhiệm, Ban giám hiệu và 1 cán bộ y tế. Người vận hành chính và chịu trách nhiệm chính là anh Nông Tiến Tùng – cán bộ y tế.

Tuy vậy, vừa làm công tác chuyên môn, vừa tư vấn tâm lý khiến anh Nông Tiến Tùng không thể sát sao hết các em. “Đặc thù học sinh dân tộc nội trú phải sống xa nhà, có nhiều tâm sự và khúc mắc tâm lý cần được hỗ trợ. Chúng tôi làm công tác kiêm nhiệm, thi thoảng một năm được 1-2 lần tham gia tập huấn ngắn hạn, song, vẫn không thể bằng được đào tạo bài bản. Có những vấn đề, tôi phải tự tìm hiểu thông qua các nguồn tài liệu khác nhau nên gặp những khó khăn nhất định trong quá trình tư vấn cho học sinh” – anh nói.

Bài 2. Thấy gì từ các phòng tư vấn tâm lý trong trường học hiện nay?
Anh Nông Tiến Tùng, cán bộ y tế đồng thời kiêm nhiệm tư vấn viên tâm lý cho các học sinh tại trường rường PTDT bán trú Tiểu học Tùng Vài (huyện Quản Bạ, Hà Giang).

Hơn 10 năm công tác tại trường PTDT bán trú THCS Lũng Cú (Hà Giang), thầy giáo Lê Tiến Dũng, Tổng phụ trách Đội kiêm luôn vị trí Tổ trưởng Tổ tư vấn học đường. Chia sẻ với PV, thầy Dũng cho hay, những năm đầu, các ca tư vấn tập trung chủ yếu vào những em học sinh có ý định bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên, vài năm nay, vấn đề chính lại là các ca học sinh lớp 7, lớp 8, lớp 9 có biểu hiện thay đổi tâm sinh lý, nảy sinh tình cảm với bạn khác giới, “yêu sớm” hoặc xích mích, mâu thuẫn với nhau, bạo lực học đường. “Dù trường có bố trí phòng tư vấn ở một không gian kín đáo, riêng biệt, để các em không ngại ngần tìm đến, song đa số vẫn là giáo viên chủ nhiệm quan sát, nhận biết và trao đổi với các em, sau đó tôi trực tiếp tư vấn chứ rất ít các em chủ động tìm đến. Phải thừa nhận, có những trường hợp rất khó bởi lẽ chúng tôi cảm thấy không đủ chuyên môn để giải quyết những vấn đề tâm lý phức tạp ở lứa tuổi này” – thầy Dũng nói.

“Khoảng trống” về biên chế

Theo các chuyên gia tâm lý, chức năng của phòng tham vấn học đường đó là nơi giải bày tâm tư, cảm xúc của các bạn học sinh, để tháo gỡ những khúc mắc, mâu thuẫn và làm giàu thêm về đời sống tâm lý, tình cảm. Thế nhưng, việc đầu tư cho mô hình phòng tư vấn học đường ở Việt Nam còn mang tính tự phát. Tính trên toàn quốc, chỉ có thể thấy “trên đầu ngón tay” một số tỉnh thành có đầu tư cho vấn đề này một cách chuyên nghiệp, xét theo bình diện quy chế, chất lượng hoạt động… Thành phố Hồ Chí Minh có thể nói là địa phương đi đầu về tham vấn học đường nhưng đến nay, theo số lượng cập nhật, chỉ chừng hơn 100 chuyên viên tâm lý làm việc chính thức tại các trường học như là một giáo viên có biên chế.

Bài 2. Thấy gì từ các phòng tư vấn tâm lý trong trường học hiện nay?
Phòng tư vấn học đường của Trường PTDT bán trú Tiểu học Tùng Vài (huyện Quản Bạ, Hà Giang) cũng đồng thời có chức năng là phòng y tế và giáo dục học sinh khuyết tật, hòa nhập.

Không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Huế cũng có những chiến lược phát triển tham vấn học đường. Thế nhưng, hiện, công tác này đi theo hướng về dự án ngắn hạn là chủ yếu.

TS. Nguyễn Thị Hằng Phương, Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết: Trong hơn 4 năm, đã có gần 20 chuyên viên tư vấn được tuyển dụng để làm việc ở trường THPT. Cũng có hơn 50 cán bộ vốn là giáo viên một số bộ môn, cán bộ Đoàn đội, được tập huấn tham vấn học đường thông qua dự án “Hành trình yêu thương”… Thế nhưng, liệu rằng với số lượng trường THPT và THCS khá nhiều thì nguồn nhân lực trên và cả nguồn nhân lực sẵn có hay tự phát liệu có đáp ứng được nhu cầu trong thực tiễn của Đà Nẵng?

Tại Hà Nội, theo ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị, Tư tưởng - Khoa học công nghệ thừa nhận, 100% trường học đều thành lập các phòng tham vấn học đường. Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Hà Nội đã có các chương trình tập huấn kỹ năng tham vấn cho giáo viên nòng cốt của các đơn vị. Tuy nhiên, theo báo cáo hàng năm, số lượng học sinh đến các phòng tham vấn học đường vẫn còn rất ít. Một số đơn vị hoàn toàn không có học sinh đến phòng tham vấn.

Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy, trong số các trường ở Hà Nội có phòng tư vấn học đường, chỉ có hơn 20 trường tổ chức bài bản trong vài năm qua, phần lớn đó là trường dân lập và các trường hệ quốc tế, như: Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường liên cấp Đoàn Thị Điểm, Trường THPT Lương Thế Vinh, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành...

(Còn nữa)

T.Sơn -T.Thắng -T.Hòa
Phiên bản di động