Không phải giới trẻ lãng quên lịch sử

Sự quan tâm của hàng triệu bạn trẻ đối với sự kiện mít tinh, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã cho thấy, không phải giới trẻ lãng quên lịch sử, chỉ là do cách truyền tải thông tin đến họ mà thôi.
Triệu con tim hướng về Điện Biên Phủ Giáo dục lịch sử dân tộc: Nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn

Vì sao điểm thi môn Lịch sử vẫn thấp?

Những năm gần đây, điểm thi môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn thấp. Trong năm 2023, có 683,447 thí sinh tham gia thi bài thi lịch sử, trong đó điểm trung bình là 6.03 điểm, điểm trung vị là 6.0 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 5.75 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 38 (chiếm tỷ lệ 0.006%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 170,237 (chiếm tỷ lệ 24.91%).

Không phải giới trẻ lãng quên lịch sử
Nhiều trường học vẫn đang dạy và học lịch sử theo "lối mòn" khô khan

Số liệu trên cho thấy, ở thời điểm gần đây nhất, các học sinh tham dự bài thi môn Lịch sử chỉ có mức điểm trung bình “đủ” để qua môn, hiếm thấy các trường hợp đạt điểm cao hàng loạt như các môn khác như Văn, Toán, Tiếng Anh...

Nhiều giáo viên Lịch sử cho rằng đối, sở dĩ dẫn đến tình trạng trên là do phương pháp truyền tải kiến thức chưa thực sự hấp dẫn và phù hợp với học sinh hieejmn nay.

Nhiều Gen Z, Alphas,... bày tỏ sự chán chường mỗi khi nhắc đến môn Lịch sử. Các bạn vẫn ngại với “mớ” kiến thức lê thê, dài dòng cùng nhiều sự kiện, mốc thời gian khô khan phải ghi nhớ. Bạn Trịnh Nguyễn Huyền Trang (sinh viên năm 2 - Đại học KHXH&NV ) nói: “Em cho rằng, để người trẻ thật sự yêu thích môn học này, chúng em cần được khơi gợi cảm xúc và sự đồng cảm, lòng tự hào dân tộc to lớn. Qua đó, chúng em sẽ học Lịch sử bằng tình yêu Tổ quốc, tiếp thêm động lực để nghiền ngẫm những câu chuyện lịch sử”.

Không phải giới trẻ lãng quên lịch sử
Bạn Minh Anh - cựu học sinh THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) - từng khiến cả cộng đồng giới trẻ "dậy sóng" đồng tình với màn tranh biện về việc dạy và học lịch sử trong trường học.

Yêu lịch sử hơn qua những dịp kỷ niệm ngày lễ

Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua đã đọng lại trong tâm trí nhiều bạn trẻ. Dù lễ kỷ niệm đã kết thúc, nhưng trên các kênh mạng xã hội, các dòng trạng thái bàn tán và vẫn xoay quanh chủ đề này.

Không phải giới trẻ lãng quên lịch sử
Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5 vừa qua đã thu hút hàng triệu du khách tìm về với Điện Biên. Đồng thời, lượt theo dõi trên các nền tảng MXH, trang thông tin luôn đạt top đầu tìm kiếm tại Việt Nam.

Thông qua các nền tảng mạng xã hội, sức hút của Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lan tỏa mạnh mẽ trên mọi miền Tổ quốc. Hàng triệu người dân, bạn trẻ đã một lòng hướng về Điện Biên, theo dõi sát sao các sự kiện được phát trực tiếp trên các trang thông tin. Tất cả đều bày tỏ lòng kính trọng, tự hào dành cho những Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống tại Điện Biên. Dù ở nơi đâu, triệu trái tim Việt Nam đã cùng chung nhịp đập hào hùng khi chứng kiến sự kiện đầy ý nghĩa này.

Tại các trường học, giáo viên đã sử dụng các câu chuyện và tài liệu về Chiến thắng Điện Biên Phủ để giúp học sinh hiểu rõ hơn về đất nước và lòng yêu nước của mình.

Không phải giới trẻ lãng quên lịch sử, chỉ là do cách truyền tải mà thôi
Ca sĩ Hòa Minzy đã đồng hành cùng ông nội trở về Điện Biên trong những ngày trọng đại vừa qua. Cô rất năng nổ tham gia các hoạt động hướng về Tổ quốc, là một idol yêu nước có tiếng trong lòng người hâm mộ

Điều đặc biệt là sự tương tác tích cực từ phía giới trẻ. Họ không chỉ là người đọc, người xem các sự kiện tôn vinh lịch sử, mà còn tham gia tích cực vào các diễn đàn, thảo luận, và chia sẻ kiến thức của mình. Từ việc "lang thang" trên những trang fanpage cho đến việc tạo ra những cộng đồng trên các nền tảng mạng xã hội, họ đang làm cho lịch sử trở nên sống động và gần gũi hơn bao giờ hết.

Có thể thấy, việc “lôi kéo” giới trẻ quan tâm đến lịch sử không hề khó. Điều tối quan trọng đó là tạo ra “sợi dây” liên kết giữa thực tại và quá khứ, để các bạn trẻ cảm thấy lịch sử trở nên gần gũi hơn, không còn là những trang sách lê thê và những giờ học “ngáp ngủ”.

Cộng đồng mạng tạo ra "cơn sóng” #huongvedienbien trên các trang mạng xã hội, rồi hòa mình vào không khí ngày hội toàn dân, theo chân những đoàn cựu chiến binh tìm về chiến trường xưa đến những “địa chỉ đỏ”. Những bài học lịch sử sống động, cảm xúc ngay chính tại nơi khi xưa là chiến trường ác liệt đã đem tới trải nghiệm khó quên cho rất nhiều bạn trẻ.

Không phải giới trẻ lãng quên lịch sử, chỉ là do cách truyền tải mà thôi
Người dân sẵn sàng đội mưa để tham dự trọn vẹn Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (ảnh:VNN)

Cần nâng cao chất lượng giảng dạy

Cô giáo Trần Thị Thu Huyền, giáo viên Lịch sử trường THPT Chuyên Thái Bình, chia sẻ, lịch sử rất cần những giáo viên kiên trì, tâm huyết và biết “yêu” chính môn học mình đang giảng dạy. Việc dạy sử ngày nay có thể thông qua rất nhiều phương pháp. Những ví dụ có thể kể đến như thiết kế Powerpoint, Canva,... cho các bài giảng điện tử, những chuyến đi thực tế có đầu tư đến các “địa chỉ đỏ” về lịch sử... sẽ giúp học sinh tương tác và tìm hiểu về lịch sử sinh động hơn. Hoặc các giáo viên có thể mời các nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh,... tới trò chuyện và trao đổi với học sinh về hiện thực lịch sử mà họ đã trải qua.

"Các bạn trẻ ngày nay rất thích sự mới lạ, biến chuyển không ngừng. Tôi cho rằng chính chúng tôi cũng cần “nâng cấp” phương pháp dạy và học, làm sao để các bạn trẻ cảm thấy tò mò, khơi dậy sự tìm tòi, học hỏi bản năng của các em về Lịch sử. Qua đó, lượng kiến thức được tiếp nhận sẽ “dày dặn” và bền vững hơn nhiều so với việc “dạy chay – học chay” truyền thống”.

Không phải giới trẻ lãng quên lịch sử
Cô giáo Trần Thị Thu Huyền trong chuyến tham quan và học tập thực tế tại các "địa chỉ đỏ" về lịch sử

Cũng theo giáo viên này, những sự kiện lớn như kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Giải phóng Thủ đô 10/10... chính là “chìa khóa vàng” mở ra cánh cửa cho học sinh, giới trẻ tiếp cận với dòng chảy lịch sử tốt hơn. Giáo viên nên tận dụng tốt những dịp kỷ niệm lớn, tạo ra những cuộc thi, ngày hội thúc đẩy các bạn trẻ tìm hiểu về lịch sử.

Không phải giới trẻ lãng quên lịch sử
Nhiều bạn trẻ được "truyền lửa" ngay từ trong gia đình của mình. Các ông, bà cựu chiến binh, Lão thành Cách mạng là những cuốn sách lịch sử "sống", sẵn sàng kể lại những câu chuyện thời chiến bình dị, chân thực nhưng cũng rất bi thương, hùng tráng

Đối với mỗi người, tình yêu đất nước được hình thành từ giáo dục gia đình, trường học, và sự hiểu biết về cuộc sống xã hội. Tuy nhiên, nhận thức về tình yêu đất nước không nên bị hạn chế trong những khung mẫu sẵn có. Thay vào đó, cảm xúc này được nuôi dưỡng bằng những trải nghiệm thực tế, những bài học về lịch sử,văn hóa và sự định hướng tích cực từ cộng đồng xã hội.

Tùng Linh
Phiên bản di động