Giáo dục lịch sử dân tộc: Nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn

Tự hào truyền thống, trân trọng hiện tại, nỗ lực vươn tới tương lai tốt đẹp hơn - đó là những giá trị mà công tác giáo dục lịch sử đem lại cho học sinh. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, thời gian qua, công tác giáo dục lịch sử cho học sinh đã được các nhà trường triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động…
Tuổi trẻ Thanh Lãng (Bình Xuyên): Tích cực số hóa di tích lịch sử Huyện Mê Linh: Sôi nổi các hoạt động chào mừng 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ Giải pháp gìn giữ giá trị lịch sử từ bức phù điêu "Bắt sống phi công Mỹ"

Lịch sử không phải là bài học khô cứng

Tại trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, giáo dục lịch sử địa phương được quan tâm và có rất nhiều phương pháp để truyền đạt cho các em học sinh được tiếp cận.

Không chỉ gói gọn qua các bài học lịch sử, địa lý… giáo dục truyền thống còn trở nên hấp dẫn thông qua rất nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa.

Giáo dục lịch sử dân tộc: Nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn
Học sinh trường Tiểu học Thăng Long say mê tìm hiểu về lịch sử dân tộc qua cuốn sách viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Không khô cứng như những bài học trên lớp, không khó tưởng tượng về một nhân vật lịch sử, một sự kiện hay một thời kỳ đã xa… những câu chuyện về đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị đại tướng huyền thoại của thế kỷ XX - trở nên thật gần gũi, dễ nhớ và đầy xúc động đối với học sinh trường Tiểu học Thăng Long.

Em Phạm Bình Minh, lớp 4E chia sẻ: "Thông qua các hoạt động thảo luận nhóm trong tiết học giáo dục lịch sử địa phương, chúng em được biết thêm về đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị anh hùng của dân tộc.

Em rất tự hào khi được sinh ra ở Hà Nội, đặc biệt được học dưới mái trường Thăng Long này, em hứa sẽ trở thành con ngoan trò giỏi, học tốt và trở thành người có ích cho đất nước".

Cô Nguyễn Thu Hà, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thăng Long cho biết: "Giáo dục lịch sử địa phương đã được nhà trường lên kế hoạch cụ thể trong kế hoạch giáo dục.

Bằng những hoạt động cụ thể, nhà trường mong muốn các em thấy được truyền thống lịch sử của dân tộc, tự hào và thêm yêu đất nước, quê hương mình”.

Giáo dục lịch sử dân tộc: Nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn
Các em học sinh đi thăm quan khu di tích, trưng bày hiện vật lịch sử để thêm hiểu và yêu lịch sử dân tộc

Để các em nắm bắt lịch sử truyền thống một cách trực quan sinh động, nhà trường đã tổ chức các tiết học lịch sử bên ngoài lớp học.

Các em có thể học ở thư viện, sân trường, bảo tàng. Em Lê Phương Thảo Nguyên - học sinh lớp 4E chia sẻ: "Trên ghế nhà trường, em cũng đã học về đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tuy nhiên, em cảm thấy tiết học thú vị hơn khi được học dưới sân trường - nơi có tượng đài của bác. Em rất tự hào khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng dạy học và làm việc tại đây. Em sẽ cố gắng học thật tốt để xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp hơn”.

Không chỉ vậy, trường Tiểu học Thăng Long còn rất tự hào là “địa chỉ đỏ” của thành phố Hà Nội khi được UBND thành phố gắn biển là di tích cách mạng - kháng chiến.

Lịch sử thành lập hơn 70 năm của ngôi trường gắn liền với những sự kiện lịch sử của dân tộc đầu thế kỷ XX, với các phong trào đấu tranh yêu nước của một số nhà tri thức tiến bộ. Có địa chỉ tại số 20 Ngõ Trạm, quận Hoàn Kiếm, lịch sử ngôi trường được tích hợp thuyết minh bằng ngôn ngữ tiếng Anh - Việt.

Đây trở thành một “lợi thế” để những hoạt động giáo dục lịch sử của nhà trường càng trở nên gần gũi, thiết thực hơn bao giờ hết.

Để học sinh say mê lịch sử dân tộc...

Không chỉ tại trường Tiểu học Thăng Long, nhiều trường học của quận Đống Đa, Hà Nội, đã triển khai có hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cho học sinh.

Các giáo viên lồng ghép vào nội dung bài giảng ở các môn học như: Đạo đức, Giáo dục công dân, sân khấu hóa, hội thi, hội diễn, tọa đàm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, tham quan, trải nghiệm tại các khu di tích...

Giáo dục lịch sử dân tộc: Nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn

Quận Đống Đa là vùng đất có lợi thế tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với lễ hội, phong tục tập quán mang đậm giá trị văn hóa. Các trường học trong quận tổ chức cho học sinh tham dự lễ dâng hương và tham quan, học tập tại các di tích nhân dịp lễ hội, viết bài giới thiệu lịch sử - văn hóa các di tích trên, phát biểu cảm nhận về lễ hội quê hương, đưa ra biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích.

Các hoạt động tham quan, học tập, trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gò Đống Đa, tượng đài Quang Trung, đài tưởng niệm Khâm Thiên… đã góp phần bồi dưỡng niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước.

Nhân dịp các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, nhiều hoạt động giáo dục truyền thống được diễn ra sôi nổi thu hút đông đảo học sinh quận Đống Đa tham gia như: Tổ chức sinh hoạt đầu tuần, mít tinh kỷ niệm, gặp mặt truyền thống, các cuộc thi tìm hiểu, tổ chức các cuộc du khảo “Về nguồn”, hội diễn văn nghệ... đã diễn ra sôi nổi ở các trường Tiểu học Bế Văn Đàn, THCS Bế Văn Đàn, THCS Thái Thịnh, THCS Cát Linh, THCS Huy Văn, Tiểu học Văn Chương, Tiểu học Thái Thịnh…

Tận dụng thế mạnh có nhiều di tích lịch sử của địa phương, trường Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã có nhiều hình thức giáo dục lịch sử cho học sinh gần gũi và hấp dẫn.

Học sinh trường Tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa tự tin thể hiện sự am hiểu về lịch sử của quận qua kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh
Học sinh trường Tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa tự tin thể hiện sự am hiểu về lịch sử của quận qua kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh

Một trong những hình thức ấy là việc tổ chức cuộc thi Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ và truyền thống quận Đống Đa. Vòng chung khảo cuộc thi diễn ra sáng 5/4 đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng các em học sinh, thầy cô giáo.

Cô Đỗ Ngọc Huệ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thái Thịnh cho biết: Nhà trường phát động cuộc thi với mong muốn giúp các em hiểu sâu thêm về di tích lịch sử quận Đống Đa.

Từ đó, các em có thêm điều kiện giao lưu học hỏi, nâng cao kiến thức, hiểu biết, say mê lịch sử nước nhà. Những năm qua việc giáo dục lịch sử địa phương đã được trường Tiểu học Thái Thịnh đặc biệt chú trọng.

Các nội dung giáo dục được lồng ghép vào bài học chính khóa, ngoại khóa theo hình thức “Học vui - Vui học”, thu hút sự tham gia hào hứng của các em học sinh.

Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh tại di tích lịch sử trên địa bàn như lễ kết nạp đội viên vào ngày 26/3 mới đây tại di tích lịch sử gò Đống Đa, tổ chức cho học sinh giỏi đi thăm quan khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

Đối với học sinh trường Tiểu học Thái Thịnh, dù tuổi còn nhỏ nhưng các con đã tìm hiểu lịch sử địa phương qua sách báo, internet và tự làm các sản phẩm, bài thuyết trình qua Power Point.

Thành quả của công tác giáo dục toàn diện ấy là sự hiểu biết của các em về di tích lịch sử trong cuộc thi hùng biện. 6 học sinh xuất sắc đã đưa các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi thể hiện kiến thức, sự am hiểu của mình về các di tích lịch sử của quận như di tích lịch sử gò Đống Đa, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

Để công tác giáo dục truyền thống trong các nhà trường phát huy hiệu quả trong việc giáo dục, rèn luyện, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, Phòng GD&ĐT quận Đống Đa đã tham gia biên soạn và phối hợp Ban Tuyên giáo Quận ủy tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy bộ môn Lịch sử bộ tài liệu tập bài giảng Lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống địa phương quận Đống Đa, hướng dẫn triển khai dạy tích hợp các nội dung phù hợp vào bộ môn Lịch sử - Địa lý…

Hiện ngành Giáo dục quận Đống Đa phối hợp chặt chẽ với các phòng ban và chính quyền địa phương, đặc biệt là phát huy tối đa vai trò công tác Đoàn, Đội đưa công nghệ thông tin và internet vào phục vụ các hoạt động giáo dục truyền thống; xây dựng, bổ sung kho dữ liệu về giáo dục truyền thống của trường và của địa phương.

Ngọc Minh
tuoitrethudo.vn
Phiên bản di động