Khơi thông các nguồn lực từ đầu tư công
Đầu tư công – điểm nghẽn trong xây dựng thiết chế văn hóa ở Thủ đô Bộ Tài chính kiểm tra 6 địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công |
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2024 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/4/2024 đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn 1,81% cùng kỳ năm 2023, đã đẩy lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có 60 cuộc làm việc với các địa phương và trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia. Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn quan trọng như: quy hoạch vùng, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nguồn nhân lực chíp bán dẫn...
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là điểm sáng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 4 tháng đầu năm 2024. Đây là thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Theo đó, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) đánh giá cao vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong quyết tâm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, với tinh thần “ba ca, bốn kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”...
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu). |
Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đại biểu cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công, vì đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa Vũng Tàu), dù có khởi sắc nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, vì vậy nhiệm vụ giải ngân đầu tư công những tháng tới rất nặng nề, cần tháo gỡ một số vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài liên quan đến cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên vật liệu...
Đại biểu đề xuất Chính phủ quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, để đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95%. Trong đó, giải pháp căn cơ vẫn là sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương để vừa kích cầu trong ngắn hạn, tạo tiền đề cho cung cho dài hạn.
Cùng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đề nghị nên có cơ chế, chính sách tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công.
“Công trình dự án nào hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng cao nên khen thưởng kịp thời và cũng kết thúc để giải ngân. Đối với công trình hoàn thành chậm, tiến độ kéo dài, đội vốn lên, chúng ta cũng phải có chính sách xử phạt và không cho tham gia đấu thầu các dự án tiếp theo", đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị.
Trong khi đó, để đạt kế hoạch giải ngân đầu tư công cả năm, đại biểu Trương Quốc Huy (đoàn Hà Nam) cho rằng cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành; xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu và cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Theo đại biểu, nên tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia, đường cao tốc, các dự án liên vùng…
Bên cạnh đó, đẩy nhanh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bởi thực tế cho thấy, nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương phân bổ chậm; việc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia khó thực hiện; tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương còn chậm...
Một số đại biểu cũng đồng tình với giải pháp Chính phủ đề ra để đạt được mục tiêu đề ra từ nay đến cuối năm, phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao. Trong đó, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư.
Cùng với đó là khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan, địa phương chưa phân bổ hoặc chậm giải ngân sang các bộ, cơ quan, địa phương khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia và các Chương trình mục tiêu quốc gia.