Đầu tư công – điểm nghẽn trong xây dựng thiết chế văn hóa ở Thủ đô

Trong những năm gần đây, TP Hà Nội luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng và bố trí nguồn lực cho hoàn thiện, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa. Tuy vậy, việc xây dựng, đầu tư, khai thác các thiết chế văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do vướng mắc về đầu tư công.
Tháo gỡ vướng mắc về chính sách để phát triển thiết chế văn hóa Sắp tổ chức hội thảo về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao Quận Nam Từ Liêm: Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa

Quan tâm công tác xây dựng, quy hoạch

Ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2164/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, trong đó giao UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành xây dựng quy hoạch hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở của địa phương phù hợp với quy hoạch tổng thể Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội, việc quy hoạch hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao của Thành phố Hà Nội đã cơ bản bám sát quy định tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg, gắn với phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương và phù hợp với quy hoạch chung của TP Hà Nội.

Đầu tư công – điểm nghẽn trong xây dựng thiết chế văn hóa ở Thủ đô
Người dân tập luyện trống ở nhà văn hóa tại huyện Thanh Trì

Thông qua việc thực hiện quy hoạch, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở các cấp được quan tâm và triển khai. 100% các địa phương đã dành quỹ đất cho việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đồng thời, đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các thiết chế hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và học tập của Nhân dân.

Hiện nay, trên địa bàn TP có 5.249 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao. Đáng chú ý, các Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã được bố trí trang thiết bị cơ bản đầy đủ, bao gồm: bàn ghế, quạt điện, đèn chiếu sáng, ti vi, loa đài, micro tăng âm; có sân thể thao đơn giản...; một số được trang bị các thiết bị luyện tập thể dục, thể thao ngoài trời…

Đầu tư công – điểm nghẽn trong xây dựng thiết chế văn hóa ở Thủ đô
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cùng đoàn công tác thăm một số thiết chế văn hóa tại huyện Thanh Trì

Các thiết chế văn hóa đã từng bước đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số công trình quy mô lớn, khang trang, kiến trúc đẹp được xây dựng thêm, phần nào đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho các tầng lớp Nhân dân Thủ đô.

Ở nông thôn, các nhà văn hóa nói chung đã bước đầu phát huy hiệu quả khai thác qua việc các địa phương lồng ghép cuộc thi, liên hoan, hội diễn,…, giúp đời sống văn hóa tại khu vực nông thôn Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực.

Kỳ vọng Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tháo gỡ vướng mắc

Tuy vậy, cũng theo đánh giá của Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội, nguồn kinh phí chi cho tổ chức các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đang đặt ra; kinh phí chi cho tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao nhất là thiết chế cấp xã, nhà văn hóa- khu thể thao thôn, tổ dân phố còn rất thấp.

Công tác quản lý, tổ chức hoạt động còn nhiều bất cập, thiếu chủ động, sáng tạo. Nội dung và hình thức hoạt động chưa phong phú, hấp dẫn, hiệu quả hoạt động chưa đồng đều, một số nơi chưa phát huy tốt, thậm chí còn có một số địa phương sử dụng chưa đúng mục đích cơ sở vật chất của thiết chế văn hóa, thể dục thể thao cơ sở. Một số thiết chế văn hóa ở địa phương xây dựng có quy mô lớn, nhưng việc khai thác hiệu quả thấp.

Đáng nói là, việc xã hội hóa trong công tác đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống thiết chế văn hoá, nhất là đối với các nhà văn hoá thôn, tổ dân phố còn hạn chế. Một số quận, huyện còn thiếu sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng để khuyến khích kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Khả năng thu hút xã hội hóa ở một số huyện ngoại thành còn khó khăn.

Một trong những nguyên do là cơ chế chính sách còn thiếu, chưa thống nhất và chưa đồng bộ giữa các cấp dẫn đến lúng túng khi triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong đầu tư xây dựng công trình văn hóa.

Theo TS. Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, một trong những điểm nghẽn trong thực hiện đầu tư cho thiết chế văn hóa là vướng mắc ở đầu tư công (PPP).

Cụ thể, theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH 14, hoạt động thể thao, văn hóa không thuộc lĩnh vực được áp dụng PPP. Hiện chỉ có TP Hồ Chí Minh được cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, và có cơ sở pháp lý để áp dụng đầu tư công trong xây dựng, đầu tư cho thiết chế văn hóa.

Còn đối với Hà Nội, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội khoá XV (kỳ họp thứ Sáu), đề xuất cho phép áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa thể thao để huy động nguồn lực xã hội hoá theo PPP cho lĩnh vực này, đồng thời để xuất quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án PPP thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công từ như trong lĩnh vực y tế, giáo dục (Điều 38 Dự thảo Luật).

TS. Lê Minh Nam cho rằng, nếu nội dung đề xuất này tại Dự thảo Luật Thủ đô được thông qua tới đây thì sẽ có thêm cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng đầu tư PPP đối với các dự án đầu tư lĩnh vực thể thao tại các đơn vị sự nghiệp thể thao trong phạm vi điều chỉnh của Luật, tiến tới có thể nghiên cứu mở rộng phạm vi để khai thác tối ưu các nguồn lực cho lĩnh vực này tại Thủ đô.

Bài & ảnh: Thái Sơn
Phiên bản di động