Khởi động chương trình "Vải thiều Thanh Hà gắn với các tour du lịch"
Hải Dương: Xử phạt gần 1 tỷ đồng với 3 công ty vi phạm phòng cháy, chữa cháy Hải Dương: Sắp diễn ra Lễ hội thu hoạch lúa hữu cơ bãi rươi vụ Xuân 2024 Hải Dương: Công an khám xét nhà Hải "Idol" |
Các đại biểu cắt băng khởi động chương trình "Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương - Hành trình cùng các tour du lịch". |
Ngày 27/5, Sở Công thương tỉnh Hải Dương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương và UBND huyện Thanh Hà phối hợp tổ chức khởi động chương trình "Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương - Hành trình cùng các tour du lịch".
Khẳng định ưu thế về chất lượng
Bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương cho biết, vải thiều Thanh Hà được trồng cách đây khoảng 200 năm, tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà và trở thành đặc sản nổi tiếng của Hải Dương và mảnh đất xứ Đông văn hiến.
Bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương phát biểu tại sự kiện. |
Đặc biệt, vải thiều Thanh Hà được trồng ở ven bờ sông Hương, là vùng đất có nhiều phù sa màu mỡ, cùng với kinh nghiệm canh tác, sản xuất dày dặn, lâu năm của bà con nông dân nơi đây, do vậy vải thiều Thanh Hà luôn có sự khác biệt và ưu thế về chất lượng mà vải trồng ở các địa phương khác không có được.
Năm 2007, vải thiều Thanh Hà được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Từ đó đến nay, vải thiều Thanh Hà được bảo hộ để bảo đảm quyền lợi của người sản xuất, người tiêu dùng; thuận lợi hơn trong việc quản lý, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Năm 2012, vải thiều Thanh Hà được Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn trong “Top 50 sản phẩm uy tín chất lượng”. Năm 2013 và 2014 lọt “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” và là đặc sản “Tinh hoa đặc sản 3 miền”. Năm 2015 được vinh danh “Thương hiệu vàng”. Năm 2016, vải thiều Thanh Hà được Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận “Thương hiệu Thực phẩm an toàn tin dùng”. Hiện nay, vải thiều là một trong 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hải Dương.
Ngoài ra, trước đó, liên tục trong 3 năm (2021 đến 2023) UBND tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hàng loạt sự kiện xúc tiến thương mại và du lịch quan trọng như Hội nghị Xúc tiến thương mại vải thiều; Lễ mở vườn thu hái vải; đưa vải thiều lên các chuyến bay nội địa và quốc tế; giới thiệu vải thiều tại các sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch tại Nhật Bản, Anh, Pháp, Bỉ, Hoa Kỳ, Australia và New Zealand; tổ chức đón các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm tại các vườn vải qua đó góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu vải thiều Thanh Hà trên thị trường trong nước và thế giới; thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch.
Các đại biểu thưởng thức quả vải ngay tại vườn. |
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương, hoạt động xúc tiến thương mại kết nối thị trường tiêu thụ trong nước với thị trường nước ngoài thông qua hoạt động du lịch, lữ hành có vai trò hết sức quan trọng. Trong đó các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành đóng vai trò là kênh quảng bá, giới thiệu trực tiếp sản phẩm vải thiều Thanh Hà tới người tiêu dùng trong và ngoài nước rất hiệu quả.
Thông qua các các hoạt động du lịch, lữ hành, du khách trong nước và quốc tế không chỉ biết đến quả vải thiều Thanh Hà nhiều hơn mà còn là cơ hội giúp vải thiều tiêu thụ các thị trường cao cấp trên thế giới.
Ngay sau phần cắt băng khởi động chương trình "Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương - Hành trình cùng các tour du lịch", các đại biểu, du khách xuống vườn vải thiều tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà để trực tiếp trải nghiệm.
“Đây là hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch có ý nghĩa thiết thực; thông qua đó đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong và ngoài nước; tăng cường trao đổi, hợp tác thúc đẩy xúc tiến thương mại, du lịch; nâng cao giá trị cho vải thiều không chỉ là một loại trái cây nổi tiếng của huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương mà còn là điểm nhấn trong những hành trình du lịch, khám phá vẻ đẹp giàu truyền thống văn hóa của đất và người xứ Đông,” bà Vũ Thị Kim Phượng nhấn mạnh.
Đổi mới cách làm, tăng sức hấp dẫn
Các đại biểu tham quan sản phẩm vải thiều Thanh Hà được trưng bày, bán trên đê (gần khu vực tổ chức sự kiện). |
Ông Phan Thanh Phán, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương cho biết, việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nhất là vải thiều đã được Hiệp hội thực hiện từ nhiều năm trước.
Hàng năm, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh thường xuyên xây dựng các tour hoặc tổ chức đón các đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan trải nghiệm vườn vải, thăm các mô hình trồng vải và cùng hái vải với bà con nông dân…
“Năm nay, sự kiện gắn kết giữa lữ hành du lịch với xúc tiến thương mại, với cách làm mới này của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương và UBND huyện Thanh Hà, chúng tôi tin rằng rằng sẽ tạo thêm động lực, sức hấp dẫn và lan tỏa mạnh mẽ hơn, qua đó góp phần quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng, nâng giá trị quả vải thông qua các hoạt động du lịch, lữ hành…,” Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương bày tỏ.
Ông Phan Thanh Phán khẳng định, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương sẽ tích cực phối hợp với các Hiệp hội Du lịch trong cả nước triển khai, lan tỏa Chương trình vải thiều Thanh Hà, Hải Dương - Hành trình cùng các tour du lịch đến các doanh nghiệp hội viên 63 tỉnh, thành phố. Đồng thời, tích cực phối hợp, đồng hành với Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Hải Dương và các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp vải trên địa bàn huyện Thanh Hà tổ chức, triển khai thực hiện tốt chương trình này.
Năm 2024, toàn huyện Thanh Hà có 48 vùng trồng vải thiều với 167 mã số đủ điều kiện xuất khẩu. |
Chia sẻ tại sự kiện, ông Lê Văn Khởi, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khởi Huệ cho biết, hiện doanh nghiệp có 6 điểm thu mua vải thiều ở Thanh Hà và đang xuất khẩu chủ yếu sản phẩm này sang thành phố Thành Đô và một số tỉnh, thành phố khác của Trung Quốc, bên cạnh đó tiêu thụ trong nước tại thành phố Thủ Đức (TP HCM).
“Đồng hành với Chương trình vải thiều Thanh Hà, Hải Dương - Hành trình cùng các tour du lịch, doanh nghiệp sẽ hợp tác và cung cấp sản phẩm vải thiều tốt nhất đến các đối tác, doanh nghiệp, du khách nhằm đưa vải thiều Thanh Hà đến tận tay người tiêu dùng trong và ngoài nước,” ông Lê Văn Khởi khẳng định.
Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà cho biết, năm 2024, diện tích vải thiều Thanh Hà đạt khoảng 3.282 ha, trong đó vải sớm khoảng 1.900 ha, còn lại là vải thiều chính vụ. Sản lượng vải thiều huyện Thanh Hà năm nay đạt khoảng 20.000 - 22.000 tấn, mặc dù sản lượng vải thiều giảm so với năm trước nhưng chất lượng được nâng cao.
Năm 2024, toàn huyện Thanh Hà có 48 vùng trồng vải thiều với 167 mã số đủ điều kiện xuất khẩu; trong đó có 48 mã xuất khẩu sang Trung Quốc, 39 mã xuất khẩu đi Australia, 38 mã xuất khẩu vào thị trường Mỹ, 34 mã xuất khẩu đi Nhật Bản, 8 mã xuất khẩu sang Thái Lan. Bên cạnh đó trên địa bàn huyện có 12 cơ sở đóng gói với 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp phép. Huyện cũng đang thực hiện đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…