Hải Dương: Sắp diễn ra Lễ hội thu hoạch lúa hữu cơ bãi rươi vụ Xuân 2024
Hải Dương: Công an khám xét nhà Hải "Idol" Chí Linh (Hải Dương): Hàng loạt công trình trái phép “mọc” trên đất rừng Hải Dương: Doanh nghiệp 1 tuổi đăng ký dự án trăm tỷ ở TP Chí Linh |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương và huyện Tứ Kỳ đã thống nhất sẽ tổ chức Lễ hội thu hoạch lúa hữu cơ bãi rươi vụ Xuân 2024 vào ngày 10/6 tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ.
Theo đó, dự kiến lễ hội sẽ có 5 nội dung chính: Khai mạc; thi gặt lúa hữu cơ bãi rươi; thi nấu cơm ngon từ gạo hữu cơ bãi rươi; ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm; cắt băng xuất bán lúa hữu cơ bãi rươi...
Dự kiến thời gian tổ chức Lễ hội thu hoạch lúa hữu cơ bãi rươi vụ Xuân 2024 vào 10/6/2024 |
Với mục đích giới thiệu tiềm năng, lợi thế và chính sách khuyến khích, ưu đãi của huyện Tứ Kỳ trong thu hút đầu tư, phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm và tiến tới xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản chủ lực và sản phẩm hữu cơ trên địa bàn huyện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị huyện Tứ Kỳ chuẩn bị chu đáo, tạo điểm nhấn trong lễ hội, qua đó, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Huyện Tứ Kỳ có vị trí địa lý đặc biệt giáp với cửa biển Thái Bình và sông Văn Úc của TP Hải Phòng, tạo môi trường nước lợ độ mặn 0,3 - 0,5%, thích hợp cho đặc sản rươi, cáy, cà ra phát triển đã tạo ra vùng đất bãi ngoài đê sông Thái Bình, Sông Luộc màu mỡ sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy đặc sản.
Để khai thác rươi, cáy, trong suốt mấy chục năm qua vùng đất này đã được người nông dân giữ sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và cả phân bón hóa học; bởi rươi là loài sinh vật đặc biệt, vô cùng nhạy cảm với hóa chất; chúng chỉ có thể sinh trưởng và phát triển tại những vùng tự nhiên, sạch, không có hóa chất.
Toàn huyện Tứ Kỳ hiện có 257ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác, bảo tồn thủy đặc sản rươi cáy tự nhiên. Tại các vùng sản xuất hữu cơ này hiện đã hình thành công thức luân canh hiệu quả, bền vững với 5 tầng khai thác (dưới đất là rươi, bờ ruộng là cáy, tiếp đến là lúa xuân trên ruộng, trên bờ rau ăn lá, rau gia vị và trên cùng là cây ăn quả), tạo ra một hệ sinh thái trong lành và bền vững.
Tổng sản lượng nông sản hữu cơ hàng năm khoảng 2.300 tấn/năm (lúa 1.230 tấn, rươi 200 tấn, cáy 90 tấn, chuối 780 tấn), cho thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm.
Năm 2019, 3 sản phẩm nông nghiệp Gạo bãi rươi, Rươi cấp đông, Cáy cấp đông được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, được Hội đồng thẩm định tỉnh Hải Dương công nhận đạt sản phẩm OCOP, đánh giá xếp hạng 4 sao. Năm 2021, tỉnh tiếp tục có thêm 2 sản phẩm là Chả rươi và Rươi niêu được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Khai thác, bảo tồn thủy đặc sản rươi cáy kết hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, sinh vật thủy sinh phát triển bền vững.