Khách sạn Panorama ở Mã Pì Lèng được Bộ VHTTDL cho phép cải tạo sau khi xử lý sai phạm
Đại diện UNESCO: Khách sạn Mã Pì Lèng là ‘bất ngờ đáng buồn’ Bên trong khách sạn Panorama trên đèo Mã Pì Lèng |
Công văn số 4141/BVHTTDL-DSVH về việc Công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy ký nêu rõ: Bộ VHTTDL nhận được báo cáo số 412/BC-UBND ngày 10/10/2019 của UBND tỉnh Hà Giang về công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng tại khu vực Mã Pì Lèng huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và báo cáo số 344/BC-SVHTTDL ngày 11/10/2019 của Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang về quá trình kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng.
Khách sạn Panorama được Bộ VHTTDL cho phép cải tạo sau khi xử lý sai phạm. |
Về vấn đề này Bộ VHTTDL có ý kiến như sau: Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng đã được Bộ VHTTDL xếp hạng tại quyết định số 4194/QĐ-BVHTTDL ngày 16/11/2009 nằm trong quần thể công viên đá địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn - di sản được UNESCO ghi danh trong danh mục công viên địa chất toàn cầu năm 2010. Do đó danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng cần được bảo vệ và phát huy giá trị theo đúng quy định của pháp luật và khuyến nghị của Hội đồng công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Trên cở sở kiểm tra tình hình thực tế, đối chiếu với biên bản, bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng và kèm theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang, UBND huyện Mèo Vạc cho thấy: Mặc dù công trình Panorama được xây dựng ngoài khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng nhưng lại nằm trong công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn – di sản được UNESCO ghi danh (công viên cao nguyên đá Đồng Văn) với 3 quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt (Quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 7/2/2018 phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên đá địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030; Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 7/4/2017 phê duyệt Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030 và Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 21/12/2017 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn 2030).
Theo quy định tại điều 36 Luật Di sản văn hóa: "Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch".
Như vậy, việc xây dựng công trình Panorama không đảm bảo đúng các nội dung yêu cầu tại quy định nêu trên, không thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh công viên cao nguyên đá Đồng Văn theo quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng văn đã được Thủ tướng phê duyệt.
Xét về tổng thể thẩm mỹ, hình thức công trình Panorama không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của du khách tham quan; ảnh hưởng đến môi trường khi công trình đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là sai phạm cần xử lý nghiêm để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở địa phương và trên cả nước.
Bộ VHTDL thống nhất quan điểm và phương hướng giải quyết của UBND tỉnh Hà Giang liên quan đến công trình Panorama, đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật; tham vấn ý kiến chuyên gia để có giải pháp khắc phục phù hợp theo hướng: Cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn toàn cảnh, đảm bảo an toàn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc ở hà Giang; đồng thời phải thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng quy định của pháp luật trước khi triển khai thực hiện.
Nhằm phát huy giá trị cảnh quan của danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đề nghị tỉnh Hà Giang xây dựng quy hoạch tổng thể mặt bằng khu vực danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng và vùng cảnh quan xung quanh phù hợp với nội dung 3 quy hoạch công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá đồng văn đã được thủ tướng phê duyệt. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, phố biển các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh.