Hiệu quả từ công tác phối hợp chống buôn lậu, hàng giả tại biên giới Tây Nam
'Nở rộ' buôn lậu qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh Thiếu tướng Đàm Thanh Thế: Có cán bộ, chiến sỹ tiếp tay cho buôn lậu |
Đây là đánh giá của các lực lượng chức năng tại Hội nghị tổng kết Kế hoạch 27/KH-VPTT được Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã tổ chức ngày 23/10.
Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia có chiều dài 1.137 km, đi qua 10 tỉnh biên giới Tây Nam, tiếp giáp 9 tỉnh biên giới của Campuchia với 10 cửa khẩu quốc tế, 11 cửa khẩu chính, 29 cửa khẩu phụ, 16 lối mở biên giới. Là địa bàn trọng điểm, phức tạp về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang.
Kế hoạch số 27/KH-VPTT ngày 14/6/2019 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, để nhằm tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới Tây nam.
Từ kế hoạch này, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh có đường biên giới với Camphuchia đã xây dựng và thực hiện nhiều phương án, kế hoạch, chuyên đề để phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đến người dân, đặc biệt là quần chúng nhân dân vùng biên giới các địa bàn trọng điểm.
Vì vậy, để có cơ sở tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã triển khai và thực hiện đánh giá kế hoạch để ghi nhận những sáng kiến, kinh nghiệm hay, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất trong công tác phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia |
Trong khi đó, theo phân tích của Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Vũ Hùng Sơn, tại các vùng tiếp giáp biên giới Camphuchia, các đối tượng đầu nậu thường xây dựng kho tàng, bến bãi để tập kết hàng hóa sát hai bên biên giới nhằm thuận lợi cho quá trình vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; phương tiện các đối tượng thường sử dụng như xe gắn máy hoặc xuồng máy có công suất lớn chạy với tốc độ cao nên việc bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn. Hàng hóa nhập lậu thường được vận chuyển vào các giờ như chập tối, nửa đêm, gần sáng bằng cách chia nhỏ, xé lẻ, thuê người canh dò đường, theo dõi di chuyển của các lực lượng chức năng 24/24h.
Các đối tượng có sự cấu kết, thỏa thuận, tổ chức chặt chẽ, từ đối tượng đầu nậu, người canh đường, người theo dõi, người tham gia vận chuyển, tạo thành đường dây xuyên suốt, có tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể để đối phó với lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngày càng liều lĩnh và manh động, sẵn sàng chống trả khi bị bắt giữ và thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động; phần lớn đối tượng trực tiếp vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới là những người dân ở khu vực biên giới với nhận thức về pháp luật còn hạn chế, không có việc làm ổn định dẫn đến dễ bị các đối tượng đầu nậu lợi dụng để tham gia đai vác mướn, tiếp tay vận chuyển hàng lậu qua biên giới, sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ.
Mặt hàng trọng điểm mà các đối tượng thường xuyên buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới gồm có: Thuốc lá ngoại, hàng điện tử điện lạnh đã qua sử dụng, đường cát, ma túy, xăng, dầu, rượu, bia, nước ngọt, phân bón, mỹ phầm, thực phẩm chức năng...
Đặc biệt, các mặt hàng về trang thiết bị y tế trong thời gian đầu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ và mặt hàng lợn thịt, lợn giống thời gian qua diễn ra phức tạp, với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, khó kiểm soát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, ảnh hưởng đến tình hình anh ninh trật tự địa bàn, thị trường hàng hóa trong nước.
Ông Vũ Hùng Sơn cho biết, thực hiện Kế hoạch số 27/KH-VPTT ngày 14/6/2019 của Văn phòng Thường trực, Ban chỉ đạo 389 các địa phương, lực lượng chức năng đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt và triển khai đến cán bộ, chiến sĩ, công chức trực tiếp làm công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xây dựng và thực hiện nhiều phương án, kế hoạch, chuyên đề để phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đến người dân, đặc biệt là quần chúng nhân dân vùng biên giới các địa bàn trọng điểm.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, lực lượng chức năng đã tăng cường và đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng, qua đó đã phối hợp thực hiện được nhiều cuộc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ được nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần ổn định thị trường, không để tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gia tăng và phức tạp, không phát sinh những điểm nóng, tụ điểm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Lực lượng tham gia phối hợp bảo đảm tính bí mật, kịp thời, theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Lực lượng chức năng từ trung ương tới địa phương đã tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp xây dựng các kế hoạch, chuyên án nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các đường dây, tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên các tuyến, địa bàn trọng điểm nên hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới đã giảm mạnh, không còn rầm rộ, công khai như trước, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng được trú trọng, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, lực lượng chức năng đã xây dựng và ban hành nhiều chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, điển hình như: Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến giáo dục pháp luật về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho cán bộ, chiến sỹ, công chức của các đơn vị nhằm nâng cao về mặt nhận thức và hiệu quả trong công tác; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương khu vực biên giới tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân để người dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, hiểu rõ về tác hại của buôn lậu ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa bàn và sự phát triển kinh tế của đất nước.
Cũng tại Hội nghị, đánh giá cao việc thực hiện kế hoạch 27 của các lực lượng chức năng và địa phương tại khu vực biên giới Tây Nam, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn Phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, việc thực hiện tốt công tác phối hợp lực lượng trong thực hiện Kế hoạch 27 đã giúp cho các tỉnh biên giới Tây Nam không còn vùng cấm trong công tác chống buôn lậu dù có đường biên giới với Campuchia dài.
Thời gian tới, theo ông Đàm Thanh Thế, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới còn lớn, hàng hoá nhập khẩu vào TP HCM để tái xuất, trung chuyển qua Campuchia rất lớn tiềm ẩn nguy cơ quay đầu.
Do vậy, công tác kiểm soát ở thị trường nội địa rất quan trọng đặc biệt ở các địa bàn có nhiều khó khăn về địa hình biên giới. Qua Hội nghị này, các lực lượng cùng nhau thống nhất quan điểm: đẩy mạnh công tác chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại đảm bảo yêu cầu thông suốt từ trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó phải tập trung ngăn chặn tình trạng buôn lậu, trong đó làm quyết liệt chống buôn lậu, vận chyển trai phép vật tư y tế phòng dịch Covid -19. Việc phối hợp lực lượng đã có cơ chế phải tiếp tục phối hợp tốt.
Theo ông Thế, các lực lượng cần tập trung xử lý các mặt hàng, địa bàn trọng điểm phải tăng cường kiểm tra thực hiện kế hoạch, kiểm tra thực thi để làm tốt hơn nữa công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Đối với nhiệm vụ này trong thời gian tới, lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các địa phương và lực lượng chức năng tiếp tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của cán bộ công chức và nhân dân về công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm.