Kinh doanh đi lùi, FECON thay Tổng Giám đốc
FECON bị phạt và truy thu thuế hơn 1 tỷ đồng Công ty Khoáng sản FECON vi phạm về thuế, hóa đơn Xử phạt Tổng giám đốc FECON |
Công ty Cổ phần FECON (mã: FCN) vừa có văn bản công bố thông tin thay đổi nhân sự cấp cao.
Theo đó, FECON vừa miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Thanh kể từ ngày 5/7. Mặc dù không còn là người đứng đầu Ban điều hành nhưng ông Thanh vẫn là thành viên Hội đồng quản trị của FECON.
Ngược lại, Hội đồng quản trị FECON bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc giữ chức danh Tổng Giám đốc điều hành kể từ ngày 5/7.
Cùng đó, Hội đồng quản trị FECON cũng bổ nhiệm ông Trần Trung Hiếu - Giám đốc dự án giữ chức danh Phó Tổng Giám đốc từ ngày 5/7.
Được biết, diễn biến nhân sự của FECON diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh kém khả quan trong thời gian gần đây.
Cụ thể, quý I/2024, FECON ghi nhận doanh thu 611 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán chiếm hơn 514,8 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Nguyễn Thanh Tùng (phải) và ông Trần Trung Hiếu. Ảnh: FECON. |
Do đó, lợi nhuận gộp của FECON chỉ ở mức 96,8 tỷ đồng, giảm 21,3 %. Trong khi đó, trong kỳ này, chi phí bán hàng và chi phí quản lý của doanh nghiệp đều tăng lần lượt là 588,26 triệu đồng và 3,56 tỷ đồng tương ứng mức tăng 12,72% và 7,7% so với cùng kỳ.
Kết thúc 3 tháng đầu năm, FECON ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 635 tỷ đồng, giảm tới 77,4 so với quý I/2023.
Năm nay, FECON đặt kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 39% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng, năm 2023 lỗ 42 tỷ đồng. Như vậy, công ty còn cách rất xa mục tiêu năm đặt ra.
Nói về nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh, bên cạnh yếu tố chi phí tăng cao, lãnh đạo FECON cho biết còn do tình hình cạnh tranh của thị trường. Trên cơ sở đó, công ty đã ưu tiên lựa chọn các dự án có nguồn dòng tiền đảm bảo, giá thấp hơn và điều này cũng khiến tỷ suất lợi nhuận giảm.
Lợi nhuận bọt bèo vẫn "ẵm" nhiều dự án khủng
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của FECON đạt 8.472 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho ở mức 1.678 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty sụt giảm mạnh 44,5%, còn 390 tỷ đồng.
Chiếu theo báo cáo tài chính, đến cuối tháng 3/2024, nợ phải trả của FECON là 5.108 tỷ đồng (gấp hơn 1,5 lần vốn chủ sở hữu), chiếm phần lớn là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (1.916 tỷ đồng).
Mặt khác, đến cuối tháng 3 năm nay, dòng tiền thuần của FECON âm tới hơn 312 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ âm 13 tỷ đồng.
Năm 2023 là đánh dấu một năm đầy thất vọng đối với FECON khi ghi nhận năm thua lỗ đầu tiên (lỗ khoảng 42 tỷ đồng) kể từ khi niêm yết.
Mặc dù kinh doanh đi lùi, thậm chí là thua lỗ nhưng từ đầu năm đến nay, FECON đã trúng thêm nhiều gói thầu mới, với tổng giá trị sau thuế đạt hơn 1.300 tỷ đồng. Qua đó nâng tổng giá trị các hợp đồng đang triển khai trong năm 2024 lên khoảng 6.000 tỷ đồng.
Các gói thầu mới tiêu biểu của FECON bao gồm: Thiết kế và thi công đường bãi, kết cấu hạ tầng thuộc Dự án Bến cảng số 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện với HATECO (781 tỷ đồng); Thi công hạng mục nhà ga Hà Nội tại Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình của Tập đoàn Thái Bình Dương (200 tỷ đồng); Thi công hạ tầng thuộc dự án khu phức hợp căn hộ cao cấp kết hợp thương mại tại Bình Dương (180 tỷ đồng); Thi công cầu cảng Dự án Mở rộng bến cảng Baria Serece tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất Nhập khẩu Nông Lâm Sản và Phân Bón Bà Rịa (100 tỷ đồng)…
Hiện, FECON đang triển khai đầu tư Khu đô thị Square City tại Thái Nguyên với quy mô vốn 3.600 tỷ đồng, thuộc 100% sở hữu của công ty.
Ngoài ra, FECON cũng dự kiến triển khai dự án cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái tại Bắc Giang, có tổng đầu tư 954 tỷ đồng. Hiện dự án này đã được chấp thuận nhà đầu tư và chủ trương, đang chờ phê duyệt quy hoạch 1/500 và chờ giải phóng mặt bằng từ quý IV/2024, dự kiến bắt đầu cho thuê từ cuối năm 2025.
Với việc kinh doanh đi lùi, dòng tiền kinh doanh âm, giới đầu tư đang đặt ra vấn đề về sự hiệu quả tại các dự án mà FECON trúng thầu và đang triển khai.