Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Hà Nội về bất động sản
Hà Nội có nữ Bí thư Thành ủy đầu tiên Quốc hội giám sát thị trường bất động sản tại Hà Nội |
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, thành phố đã chủ động tổ chức lập, phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2012-2020 và giai đoạn 2021-2030, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2015-2020, các kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 về phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư và các kế hoạch hàng năm.
Với sự quan tâm chỉ đạo, quản lý sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP, trong giai đoạn 2015-2023, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản bình quân đạt khoảng 3,16%; trên địa bàn Hà Nội có khoảng 466 dự án đã hoàn thành, tương đương khoảng 29,3 triệu m2 sàn; 598 dự án đang triển khai, tương đương khoảng 106,6 triệu m2 sàn.
Lượng giao dịch trên thị trường chủ yếu vẫn từ các dự án nhà ở trung và cao cấp, giao dịch thành công chủ yếu vẫn là những căn hộ nằm tại khu vực gần trung tâm. Diện tích bình quân đầu người đến hết năm 2020 đạt khoảng 27,25m2/người, vượt mục tiêu Chương trình phát triển nhà ở TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 996/QĐ-TTg (khoảng 26,3 m2/người); đến hết năm 2023 đạt khoảng 28,6 m2/người, vượt chỉ tiêu theo Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố năm 2023 (khoảng 28,2 m2/người).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc. |
Giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2023, công tác phát triển nhà ở xã hội được chú trọng, đã có 30 dự án đã hoàn thành, với khoảng 1,66 triệu m2 sàn hoàn thành; 58 dự án đang triển khai; 83 ô đất có tổng quy mô sử dụng đất khoảng 43,58ha tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20%, 25% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định; 4 khu nhà ở công nhân đã và đang tiến hành xây dựng với tổng công suất thiết kế 22.420 chỗ ở; đã hoàn thành 8.388 chỗ ở và bố trí cho công nhân thuê 8.082 chỗ…
Báo cáo tại biểu làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, để tăng cường việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm dự phòng bù đắp chỉ tiêu (căn hộ) còn thiếu nhằm đáp ứng chỉ tiêu đã được Chính phủ giao và gối đầu triển khai đầu tư nhà ở xã hội sau năm 2030, UBND TP tập trung chỉ đạo lập, phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) với khoảng 1 triệu m2 sàn, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư theo quy định, hiện nay, UBND Thành phố đang xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án tại Tiên Dương, Đông Anh, làm cơ sở để lựa chọn chủ đầu tư, phấn đấu khởi công dự án trong năm 2024.
Trên cơ sở nêu rõ một số tồn tại cần được tháo gỡ, chuyển tiếp thực hiện khi Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực, UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nguyên nhân do Luật Đất đai 2024 chỉ cho phép nhà đầu tư đang có quyền sử dụng “đất ở” hoặc “đất ở và đất khác” được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; không quy định cho phép đối với trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất khác, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 300 dự án loại này đang dừng thực hiện.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng đề nghị trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở năm 2023... có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chuyển tiếp đối với trường hợp các dự án đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở Quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5.000; một số đề nghị cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc cho dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội thực hiện từ trước khi sáp nhập địa giới hành chính, có thay đổi quy hoạch dẫn đến thay đổi chức năng khu đất thực hiện dự án này…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại cuộc họp. |
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, rà soát để sớm sửa đổi pháp luật về quản lý thuế, qua đó bổ sung thuế tài sản vào hệ thống thuế của nước ta, nhằm giúp ngăn chặn hiệu quả các hiện tượng đầu cơ, găm đất gây sốt ảo trên thị trường, đẩy giá đất tăng cao, đưa đất đai về đúng giá trị thực tế…
Đồng thời, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan chủ động nghiên cứu để sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quản trị tại nhà ở xã hội để đưa công tác này vào nề nếp, bảo đảm chất lượng, tạo môi trường sống văn minh cho người dân ở loại hình nhà ở này.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
Cùng với nỗ lực của thành phố, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, Nghị quyết để phát triển Thủ đô có “tầm nhìn mới – tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới” trong phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” cả trước mắt và lâu dài.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền, về ngân sách, quản lý đầu tư; nhiều quy định mang tính đột phá, phân cấp, phân quyền cho Hà Nội để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Đồng thời, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi một số điều Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 để các Luật này có hiệu lực sớm hơn, thi hành từ ngày 1/8 tới, nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc hiện nay trong đó có tháo gỡ cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Với bối cảnh nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành được giao trong các luật; tập trung thời gian, nhân lực, trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Luật Thủ đô (sửa đổi); hoàn thiện 2 nhiệm vụ quy hoạch của Thủ đô đã được Quốc hội cho ý kiến; tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc này…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, trên cơ sở ý kiến của Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, các ý kiến của Đoàn giám sát, thành phố Hà Nội bổ sung đầy đủ các nội dung còn thiếu trong báo cáo gửi Đoàn Giám sát trước ngày 21/7 để Đoàn giám sát có cơ sở, căn cứ trước khi làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành.
Đồng thời, ông Vũ Hồng Thanh khẳng định Đoàn giám sát sẽ ghi nhận, sẽ tổng hợp chung các kiến nghị của doanh nghiệp Thành phố Hà Nội cùng với phản ánh của các doanh nghiệp, địa phương khác và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là những khó khăn xuất phát từ thực tiễn khách quan, do các quy định của pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ đặc thù của cuộc giám sát là khi kết thúc giám sát nhiều luật đã sửa đổi, ban hành, có hiệu lực, đặc biệt là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở nên nhiều khó khăn vướng mắc của thị trường đã được tháo gỡ.
Ông Thanh cũng đề nghị UBND TP Hà Nội tách riêng những khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, những khó khăn vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để có đề xuất, kiến nghị phù hợp; tiếp tục rà soát, tổng hợp những vướng mắc của các dự án tồn đọng giai đoạn trước cần có ý kiến của cấp có thẩm quyền và cơ chế đặc biệt để tháo gỡ; xem xét bố trí vốn từ ngân sách địa phương làm “vốn mồi” thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội; nghiên cứu áp dụng những chính sách ưu đãi phù hợp cho doanh nghiệp xây dựng loại hình nhà ở xã hội…