Hiểm họa cháy nổ và sự cần thiết nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy
Những vụ cháy thương tâm
Đêm 24/5, UBND phường và Công an phường Trung Hòa nhận được thông tin báo cháy từ người dân. Vụ cháy xảy ra tại địa chỉ số 1, ngõ 43/98/31, phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tính đến thời điểm hiện tại, vụ cháy thảm khốc này đã khiến 14 người thiệt mạng và 3 người bị thương. Các nạn nhân bị thương hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Giao thông Vận tải và sức khỏe của họ đã cơ bản ổn định.
Ngay sau khi nhận thông tin, cơ quan chức năng, lãnh đạo Trung ương, Bộ, ngành, TP Hà Nội đã lập tức xuống hiện trường và điều hành, chỉ đạo công tác tìm kiếm, cấp cứu nạn nhân.
Các chiến sĩ PCCC khẩn cấp triển khai cứu hộ, cứu nạn tại Trung Kính trong đêm 24/5 |
Hiện trường vụ cháy tại Trung Kính chỉ còn lại một đống hoang tàn |
Vụ cháy này khiến nhiều người nhớ lại thảm họa cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân không lâu trước đây. Công an TP Hà Nội xác định, công trình xây dựng vượt quá 4 tầng so với giấy phép, công tác quản lý thiếu triệt để nên dẫn đển thảm họa nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 209 vụ cháy, khiến 5 người chết và 1 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 920 triệu đồng. Trước đó, năm 2023, toàn quốc đã ghi nhận hơn 3440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương hơn 109 người, gây thiệt hại tài sản khoảng 371 tỷ đồng và 236 ha rừng. Phần lớn các vụ cháy xảy ra tại nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh, và nguyên nhân chủ yếu do sự cố hệ thống và thiết bị.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kịp thời có mặt, kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường vụ cháy tại phố Trung Kính |
Cần nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy
Những vụ cháy liên tiếp xảy ra, các phương tiện truyền thông và báo chí cũng truyền tải rộng rãi đến từng người dân, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chính quyền cơ sở. Song, người dân vẫn cần nâng cao ý thức hơn nữa trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Quận Cầu Giấy, Hà Nội - địa bàn tập trung nhiều trường đại học lớn, cũng là nơi có nhiều nhà trọ cho thuê nhất hiện nay. Từ những dãy nhà cho thuê dạng cấp 4 nay đã biến thành những tòa nhà được xây dựng theo mô hình chung cư mini khép kín, hoặc những căn nhà nhiều tầng cũng thành phòng trọ cho thuê.
Những khu nhà trọ này được trang bị đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ nên được người thuê trọ, đặc biệt là sinh viên và các hộ gia đình, lựa chọn. Đa phần những tòa nhà này xây dựng khép kín, chỉ có một lối thoát nạn duy nhất là tầng 1 - cũng là nơi để xe của người thuê nhà.
Nhiều sinh viên trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội tỏ ra lo lắng khi ở những nhà trọ "kín như bưng", không có lối thoát nạn thứ hai.
Một đêm không ngủ của các chiến sĩ PCCC |
Lê Hoàng Minh Trang, một sinh viên thuê trọ, chia sẻ: "Em với 2 bạn nữa thuê chung một phòng trọ kiểu chung cư mini. Phòng trọ của em không có lối thoát nạn thứ hai. Bên ngoài ban công người ta dựng "chuồng cọp" đề phòng trộm cắp và để bọn em phơi quần áo. Nhưng nếu xảy cháy ở tầng 1 thì đúng là… chết chắc."
Trần Anh Khang, một sinh viên khác, cho biết: "Thiên tai còn được dự báo trước chứ cháy nổ làm sao biết được. Bọn em ở quê ra đi học cũng chỉ còn cách duy nhất là thuê nhà ở. Như hôm trước cháy nhà trọ ở quận Cầu Giấy cũng sợ! Lo thì lo thật, nhưng cũng chỉ biết cầu cho số mình may mắn."
Hình ảnh ám ảnh tại vụ cháy |
Trung tá Nguyễn Thế Vinh, Phó trưởng Công an phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy thông tin, trên địa bàn phường có trên 800 nhà cho thuê, đa số người thuê đều là sinh viên. Qua kiểm tra, các hộ cho thuê đã trang bị cơ bản các thiết bị PCCC, tuy nhiên vẫn chưa đủ và chưa thể đảm bảo theo quy định.
Thời gian qua, bên cạnh công tác điều tra cơ bản, rà soát, lập danh sách nhà cho thuê để kiểm tra, phát hiện các vi phạm về PCCC và khắc phục tồn tại, đảm bảo an toàn cho người thuê, Công an phường Mai Dịch đã phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Cầu Giấy tổ chức tuyên truyền và cắt "chuồng cọp", tạo lối thoát nạn thứ hai cho người dân.
Trung tá Nguyễn Thế Vinh cho biết: "Hiện chúng tôi đã vận động cắt được 'chuồng cọp' cho khoảng 100 hộ kinh doanh cho thuê nhà trọ, một mặt tạo lối thoát nạn thứ hai cho người thuê trọ, mặt khác cũng để họ thấy được tính cấp thiết phải trang bị kỹ năng PCCC, cũng như việc chấp hành các yêu cầu trong công tác PCCC."
Trung úy Trần Văn Mạnh, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Cầu Giấy nói: "Khi biết chúng tôi xuống địa bàn cắt 'chuồng cọp', người dân rất phấn khởi và ủng hộ. Chắc chắn họ cũng nhận thấy được tầm quan trọng của việc mở lối thoát nạn thứ hai."
Những nỗ lực này, cùng với việc nâng cao nhận thức và siết chặt quản lý, là yếu tố quan trọng để hạn chế những thảm họa tương tự. Việc phòng ngừa cháy nổ không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là ý thức và hành động của từng cá nhân và tổ chức trong xã hội.