Hai nữ sinh chinh phục ngành kỹ thuật

“Ngày đầu tiên bước vào lớp học, em sốc muốn xỉu. Cả lớp toàn con trai, các bạn cứ nhìn em chằm chằm đầy ngạc nhiên như thể em là kẻ đi lạc. Sau đó, em biết thêm tin sốc hơn, cả khóa có 170 sinh viên, duy nhất em là nữ”, Ðỗ Thị Thu Hiền kể.
Nữ sinh Việt ở trời Tây chia sẻ kinh nghiệm “rinh” học bổng du học Nữ sinh trường Luật cùng gia đình may 3000 khẩu trang ủng hộ chống dịch Nữ sinh lập fanpage tiếng Anh giúp người nước ngoài phòng, chống Covid-19 Nữ sinh cấp 3 đạt giải Nhì với cuốn sách ‘Quẳng gánh lo đi để vui sống’

Bằng đam mê và nỗ lực không ngừng, Đỗ Thị Thu Hiền, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và Lê Thị Thu Ngà, sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội đã chinh phục được những ngành học vốn là thế mạnh của con trai.

Chai tay, lấm lem dầu mỡ

Hiền là con một nên được bố mẹ yêu chiều hết mực. Hồi nhỏ, Hiền ước mơ theo ngành quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, lên lớp 12, mọi dự định của Hiền đột ngột thay đổi. Trong lúc làm hồ sơ thi đại học, Hiền nhờ anh họ đang là sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tư vấn. Anh họ giới thiệu về các chuyên ngành kỹ thuật… “Xem những chú robot thiết kế, em mê và thích luôn cả học kỹ thuật, mặc dù trước đó, em không biết gì về khối ngành này. Thay vì đi theo ước mơ đã chọn trước đó, em quyết định làm hồ sơ thi vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Khoa Cơ khí chế tạo máy”, Hiền kể.

Khi biết Hiền chọn ngành kỹ thuật, lại là khối ngành Cơ khí chế tạo máy, bố mẹ Hiền phản đối, vì sợ con gái vất vả. Hiền mất một thời gian mới thuyết phục được bố mẹ. Hơn một năm học đầu trôi qua với Hiền khá nhẹ nhàng, vì chủ yếu học các môn đại cương. Bước sang cuối năm thứ 2 bắt đầu học môn chuyên ngành, thực hành hàn, tiện, phay… Hiền kể, môn học thực tập nguội, Hiền được giao bài tập giũa cục sắt hình vuông thành cái búa. “Đó là một thử thách lớn với em, bởi từ nhỏ em chưa làm việc nặng bao giờ. Nhưng đã chọn ngành học rồi, mình phải nỗ lực, quyết tâm. Và em đã dành 15 tuần liên tục ngồi giũa cục sắt đó thành cái búa chính xác từng milimet. Sau 15 tuần, bàn tay em bị chai, tay nổi cơ luôn”, Hiền vui vẻ nhắc lại kỷ niệm.

Môn học nào càng khó, Hiền càng nỗ lực, quyết tâm gấp bội. Học môn tiện rất vất vả. Trong nửa tháng trời, Hiền bám xưởng từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối để hoàn thành bằng được các đề bài thầy giáo giao. “Ngày nào dầu, nhớt cũng dính khắp từ đầu đến chân. Nhiều hôm học xong mệt quá, em mặc luôn bộ áo xưởng lên xe bus còn hôi rình dầu, nhớt, mọi người trên xe đều tránh em”, Hiền kể.

Hiền không biết đến son, phấn, hiếm khi mặc váy. Hiền kể, nhiều khi về quê, mẹ cầm bàn tay chai sạn của Hiền xót xa: “Con gái gì không biết điệu đà, làm đẹp thì biết khi nào có người yêu hả con?”. Hiền có thành tích học tập khiến các bạn nam ngưỡng mộ. Hiền từng giành giải nhất cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS) với sản phẩm gậy thông minh hỗ trợ người già di chuyển, qua đường an toàn. Đến nơi vắng vẻ, người già không may bị ngã, gậy sẽ phát tín hiệu báo động và định vị địa điểm cho người đến hỗ trợ.

Vừa tốt nghiệp đại học trước thời hạn (chỉ mất 3,5 năm học) với tấm bằng loại giỏi, Hiền quyết định học tiếp lấy bằng thạc sĩ. Hiền cho rằng, thời đại này không nên có sự phân biệt, ngành này, ngành kia chỉ phù hợp con trai, không dành cho con gái. “Điều quan trọng là chúng ta có đam mê, sự yêu thích thực sự với môn học thì sẽ có đủ quyết tâm để vượt qua khó khăn, gặt hái thành công”, Hiền nói. Với suy nghĩ đó, Hiền nhiều lần về các trường cấp 3 tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. “Từ sự tư vấn của em, một số bạn nữ đã làm hồ sơ, và thi đỗ vào các chuyên ngành kỹ thuật như điện, điện tử… sau đó còn viết thư cám ơn em”, Hiền kể.

Bỏ Kinh tế theo Xây dựng

hai nu sinh chinh phuc nganh ky thuat

Lê Thị Thu Ngà

Lê Thị Thu Ngà (SN 1996) học Khoa Công nghệ thông tin - ĐH Xây dựng Hà Nội sau khi bỏ dở việc học tại Khoa Quản trị kinh doanh - ĐH Kinh tế quốc dân. “Em học Quản trị kinh doanh theo sự định hướng của bố mẹ. Tuy nhiên, càng học em càng thấy mình không phù hợp với ngành học. Mỗi lần lên giảng đường, em thấy không vui, khá nặng nề, trong khi đó, em nhận thấy mình có sở thích đặc biệt với ngành công nghệ thông tin”, Ngà chia sẻ. Vì thế, kết thúc năm thứ nhất ĐH Kinh tế quốc dân, Ngà quyết định bỏ học, làm hồ sơ thi đại học lần nữa, đỗ vào Khoa Công nghệ thông tin - ĐH Xây dựng Hà Nội.

Lớp học của Ngà chỉ có 3 nữ trong tổng số 50 sinh viên. “Từ khi học Công nghệ thông tin theo sở thích, em thấy học rất nhẹ nhàng. Nhiều môn học, các bạn trong lớp kêu khó, nhưng em thực sự thấy bình thường và hứng thú. Các bài học em gần như hiểu, thuộc từ trên lớp, về nhà không phải học lại nhiều. Vì thế, em có nhiều thời gian cho nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, tình nguyện”, Ngà nói.

Ngà là trưởng nhóm nghiên cứu giành giải Nhất “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2017-2018” cấp trường với đề tài “Nghiên cứu sự dao động riêng của dầm”, giải Nhất “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2018-2019” cấp trường với đề tài “Ứng dụng công nghệ BIM vào kết cấu thép”. Ngà kể, với đề tài “Ứng dụng công nghệ BIM vào kết cấu thép”, nhóm của Ngà mất cả năm trời nghiên cứu. Nhiều nội dung trong đề tài chưa từng được học như ứng dụng thực tế ảo, dựng hình 3D… Nhóm phải tự mày mò học hỏi. Trong vai trò trưởng nhóm nghiên cứu, Ngà phải làm việc với cường độ gấp đôi, gấp ba các thành viên khác. Nhiều đêm thức trắng đến 6 rưỡi sáng Ngà cắp sách lên giảng đường luôn. Ngà là lớp phó học tập; mỗi lần gặp bài khó, đặc biệt là khi làm đồ án, nhiều bạn trong lớp gọi điện cho Ngà nhờ hướng dẫn, tư vấn, có những cuộc gọi kéo dài 1-2 giờ. Vất vả là vậy nhưng Ngà luôn cảm thấy vui và tràn đầy năng lượng vì có cơ hội được thể hiện, phát huy đam mê, sở thích của mình.

Ngà luôn dẫn đầu thành tích học tập của lớp trong suốt 5 năm liền. Ngà vừa tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi duy nhất của lớp và được nhận vào làm việc chính thức tại một công ty thiết kế nhà. Dù là nữ duy nhất làm ở mảng thiết kế kết cấu ở công ty, lại là “lính mới”, nhưng Ngà nhanh chóng chứng minh được năng lực của mình và được lãnh đạo công ty giao nhiệm vụ thiết kế kết cấu nhà.

Nguồn: Tienphong
www.tienphong.vn
Phiên bản di động