Hà Nội đề nghị nâng chế tài xử phạt với các hành vi xâm hại trẻ em

Thành phố Hà Nội kiến nghị với Quốc hội nghiên cứu xem xét, điều chỉnh chế tài xử phạt với một số tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 nhằm đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.
Hà Nội luôn khắc ghi và thực hiện nghiêm túc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
ha noi de nghi nang che tai xu phat voi cac hanh vi xam hai tre em
Toàn cảnh buổi làm việc

Sáng 27/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố.

Dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết: Tính đến ngày 30/6/2019, TP Hà Nội có 1.852.454 trẻ em, chiếm 24,9% dân số, với 54.545 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trong đó số trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội (cha mẹ ly hôn, bạo lực gia đình, có người nhiễm HIV/AIDS) là 2.154 trẻ em.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, không có trẻ em đang trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường, phải tham gia lao động trái pháp luật; không có trẻ em bỏ nhà đi lang thang, không có nơi cư trú ổn định.

Tính từ ngày 1/1/2015 đến tháng 6/2019, trên địa bàn thành phố có 322 trẻ em bị xâm hại, trong đó: Bạo lực: 51 trẻ (49 vụ); Xâm hại tình dục: 29 trẻ (23 vụ); Mua bán: 7 trẻ (02 vụ), trong đó 3 trẻ em là người ngoại tỉnh, 3 trẻ là người có quốc tịch nước ngoài bị mua bán tại Hà Nội, 1 trẻ em là người Hà Nội…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, địa bàn xảy ra các hành vi xâm hại thường là tại cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ. Các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để đạt được mục đích của mình. Đa phần đối tượng xâm hại trẻ em là người có mối quan hệ thân quen với trẻ em. Trong các hình thức xâm hại trẻ em thì nghiêm trọng nhất là xâm hại tình dục trẻ em.

Thủ đoạn của đối tượng là lợi dụng lòng tin của trẻ em, lợi dụng sự hồn nhiên, trong sáng, không cảnh giác của trẻ/cha mẹ trẻ để thực hiện các hành vi xâm hại. Trẻ em trong các gia đình thiếu vắng sự quan tâm chu đáo của cha mẹ (có thể cha mẹ ly hôn, cha mẹ làm ăn xa nên sống với ông bà, người thân; có thể trẻ sống trong các gia đình có vấn đề về xã hội...), trẻ em thiếu kỹ năng sống nói chung và kỹ năng tự bảo vệ nói riêng là các trẻ em mà đối tượng xâm hại trẻ hướng đến.

Nguyên nhân của tình hình xâm hại trẻ em còn phức tạp được lý giải là do Hà Nội là đô thị lớn, dân cư đông đúc, tỷ lệ dân nhập cư tăng nhanh, trong đó có nhiều đối tượng hình sự và thành phần dân cư phức tạp. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của cơ chế thị trường cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các trường hợp trẻ em bị xâm hại (do ảnh hưởng của văn hóa phẩm kích động, bạo lực; phim, ảnh khiêu dâm, kích dục trên Internet...)

Đáng chú ý, việc nhận thức vấn đề bảo vệ trẻ em của một bộ phận người dân, cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn hạn chế; công tác quản lý trẻ em trong gia đình, nhà trường còn chưa chặt chẽ. Nhiều gia đình tập trung làm ăn kinh tế, sao nhãng, bỏ mặc trẻ em hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ly hôn, ly thân, mắc các tệ nạn xã hội... dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hạ

Hàng năm, ngoài việc tổ chức sâu rộng mạng lưới cán bộ làm công tác trẻ em, Hà Nội đã tổ chức diễn đàn trẻ em cấp thành phố. Đây cũng là một kênh quan trọng để lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em về các vấn đề mà trẻ em quan tâm, trong đó có phòng chống xâm hại trẻ em.

Tại diễn đàn, các em được bày tỏ những suy nghĩ, băn khoăn, vướng mắc và được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Trung ương, các sở, ban, ngành thành phố. Từ đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của trẻ em theo các nhóm vấn đề và gửi cho các sở, ban, ngành có liên quan để xem xét, giải quyết....

Thành phố Hà Nội đề nghị Quốc hội nghiên cứu xem xét, điều chỉnh chế tài xử phạt với một số tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 bao gồm các Điều 124, 134, từ Điều 138 đến Điều 147; 149, 152, 153 nhằm đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

TP cũng kiến nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cần cụ thể hóa các quy định trong Luật bằng việc xây dựng các văn bản hướng dẫn và quan tâm chỉ đạo, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ của ngành; không chỉ về nghiệp vụ mà các vấn đề có liên quan đến kỹ năng, phương pháp tiếp cận, điều tra, xét xử thân thiện với trẻ em để đảm bảo quyền của trẻ em theo luật định.

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động