Áp lực kép khiến người trẻ chọn độc thân

Trước các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội đối với người độc thân hay đề xuất giảm giờ làm để có thêm thời gian hẹn hò, nhiều người trẻ cảm thấy vẫn chưa sẵn sàng với hôn nhân. Họ cảm thấy áp lực đang được nhân đôi khi phải đối mặt với tiêu chuẩn kép “sự nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc”.
Người trẻ quay trở lại với xu hướng sống tối giản Kỳ nghỉ "không laptop" của người trẻ Những chuyến du lịch tốn kém của người trẻ

Gánh nặng hôn nhân và sự nghiệp

Cuối tháng 8 vừa qua, Nguyễn Hương Giang (27 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) quyết định tiến hành trữ đông trứng. Theo tư vấn của bác sĩ, cô quyết định chi hơn 100 triệu đồng để đông lạnh trứng trước tuổi 30.

“Mình chưa có ý định kết hôn, sinh con ở thời điểm hiện tại, cũng không muốn người thân dùng lý do "càng lớn tuổi sẽ càng khó đẻ" để giục cưới. Với phương pháp trên, mình vẫn có lượng trứng khỏe mạnh để sử dụng sau này”, Hương Giang nói.

Trưởng nhóm thiết kế 27 tuổi này mong muốn sở hữu một căn chung cư riêng khi kết hôn chứ không muốn phải nhờ cậy đến chồng tương lai. Như vậy, nếu đối phương chưa có đủ điều kiện tài chính để mua nhà, cô cũng không phải chịu cảnh “sống chung với mẹ chồng”.

Tuy nhiên, số tiền tiết kiệm của Hương Giang chưa đủ để tậu một căn chung cư như ý. Đó cũng là lý do cô chưa lập gia đình, hiện sống với 2 chú mèo trong một căn chung cư mini đi thuê.

Áp lực kép khiến người trẻ chọn độc thân
Áp lực kép đang khiến người trẻ không muốn kết hôn

Theo Hương Giang, phụ nữ thiệt thòi hơn khi kết hôn, sinh con. Việc có em bé không chỉ tốn của cô 6 tháng nghỉ sinh, mà còn khiến cô phân tâm trong thời gian mang bầu, ít nhiều ảnh hưởng đến lộ trình thăng tiến.

“Mình biết nhiều mẹ bầu phải nghỉ sinh sớm, không thể đi làm ngay sau 6 tháng do sức khoẻ kém. Trong thời gian đó, không chỉ vị trí mà mình "nhắm"đến trở nên xa vời, mà vị trí leader hiện tại cũng dễ dàng bị thay thế”, Hương Giang chia sẻ.

Tương tự, Duy Hưng (27 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chưa muốn kết hôn dù ở trong mối quan hệ yêu đương gần 5 năm nay. Hiểu rằng gia đình không thể hỗ trợ nhiều, anh xác định tự lo mọi chi phí cho đám cưới và cuộc sống hôn nhân.

“Chỉ riêng đám cưới ngốn hàng trăm triệu đồng, đó là khoản mình chưa đủ tự tin để gồng gánh những khoản chi lớn hơn như mua nhà, tậu xe”, Hưng nói.

Ngoài ra, Duy Hưng cũng đang thực hiện nhiều khoản đầu tư, không muốn thu hồi vốn để vun vén cho gia đình ở thời điểm hiện tại. Có nguồn tài chính ổn định vẫn là mục tiêu hàng đầu trong 5 năm tới của anh.

Trên mạng xã hội, Hưng thường xuyên nhìn thấy những bài đăng khoe nhà, khoe xe của bạn bè trên mạng xã hội. Áp lực đồng trang lứa khiến anh dành toàn bộ thời gian cho 2 công việc và các khoản đầu tư, chưa thể yên tâm lập gia đình.

Trong khi đó, Đặng Quang Huy (26 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội), một người thuộc cộng đồng LGBTQIA+ cho biết chưa từng nhận trợ cấp tài chính từ bố mẹ, tự xây dựng sự nghiệp từ khi “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường lao động.

Áp lực kép khiến người trẻ chọn độc thân
Không ít người trẻ vẫn muốn dành thời gian, tiền bạc và công sức cho hoạt động thể thao, các chuyến du lịch và sở thích nghệ thuật thay vì tìm kiếm đối tượng tình cảm

“Mình nỗ lực kiếm tiền để chứng minh với gia đình rằng bản thân có ích cho xã hội. Khi đó, bố mẹ cũng yên tâm hơn về các quyết định, lựa chọn của tôi, không còn lo lắng con bị bắt nạt, kỳ thị”, Quang Huy.

Tập trung nhiều vào công việc, Quang Huy chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Hơn nữa, hôn nhân đồng giới hiện chưa được công nhận ở Việt Nam. Quyết định kết hôn vì thế không có nhiều ý nghĩa đối với những người thuộc cộng đồng LGBTQIA+.

Bên cạnh đó, Quang Huy cũng cho rằng giá trị của bản thân không thể chỉ được nhìn nhận qua 2 tiêu chí sự nghiệp và gia đình. Quang Huy vẫn muốn dành thời gian, tiền bạc và công sức cho hoạt động thể thao, các chuyến du lịch và sở thích nghệ thuật vì hiện tại không có nhu cầu tìm kiếm đối tượng tình cảm.

"Nút thắt" tâm lý của người trẻ

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên (Trung tâm Trị liệu các vấn đề tâm lý Mindcare), nếu không thể cung cấp phúc lợi cần thiết góp phần cởi bỏ “nút thắt” tâm lý cho người trẻ, việc áp dụng các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội đối với người không muốn kết hôn khó đạt hiệu quả như mong đợi.

Thay vì áp dụng các biện pháp mang tính cưỡng chế, việc bồi dưỡng kỹ năng lập kế hoạch, định hướng, phát triển bản thân và ứng xử trong hôn nhân cần được chú trọng hơn.

Về mặt vật chất, việc cung cấp các phúc lợi xã hội như tạo cơ hội mua nhà với mức giá phải chăng hay đem đến điều kiện nuôi dạy con cái tốt hơn cần được ưu tiên thực hiện. Khi nỗi lo mua nhà, nuôi con giảm thiểu, nỗi sợ hôn nhân sẽ phần nào vơi bớt.

Về mặt tinh thần, việc trang bị các kỹ năng định hướng, lập kế hoạch, phát triển bản thân cho người trẻ cần được quan tâm. Người trẻ cần trau dồi khả năng xây dựng kế hoạch dài hạn, xác định khoảng thời gian tập trung vào công việc và giai đoạn dồn lực cho gia đình.

Áp lực kép khiến người trẻ chọn độc thân
Áp lực kép trở thành nút thăm tâm lý khó cởi bỏ đối với người trẻ

Trong giai đoạn phát triển sự nghiệp, việc kết đôi, kết hôn có thể tạm hoãn và ngược lại. Đây mới là phương án giúp gen Z sử dụng quỹ thời gian và năng lượng một cách hợp lý, áp dụng chiến lược phát triển tập trung.

Việc giảm giờ làm để thêm thời gian hẹn hò không có nhiều ý nghĩa. Nếu được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng, ở giai đoạn sẵn sàng kết đôi, người trẻ hoàn toàn có khả năng xử lý công việc hiệu quả trong giờ hành chính.

Bên cạnh lộ trình phát triển bản thân, những cá nhân còn ngần ngại kết hôn còn cần bổ sung kỹ năng ứng xử trong hôn nhân. Những chương trình tham vấn tâm lý, trau dồi kiến thức tiền hôn nhân vì thế đặc biệt quan trọng, giúp người trẻ hiểu hơn về cách quản lý tài chính gia đình, phương pháp giao tiếp hiệu quả với nửa kia.

Tâm lý sợ hãi thường bắt nguồn từ thông tin về hôn nhân đổ vỡ, ngoại tình, bạo lực gia đình tràn lan trên mạng xã hội. Là thế hệ tiếp cận với Internet từ sớm, sống trong kỷ nguyên số, gen Z ít nhiều chịu tác động từ các nguồn thông tin này. Do đó, việc bổ sung và trau dồi kiến thức sẽ phần nào tháo bỏ được “nút thắt” tâm lý của người trẻ trước các quyết định lớn, chặng đường, cột mốc quan trọng trong cuộc đời.

Phạm Thành
Phiên bản di động