Quảng bá nhiều di sản trong dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô

Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động quy mô, hoành tráng và ý nghĩa. Đặc biệt, dịp này, rất nhiều di sản văn hóa của Hà Nội sẽ được giới thiệu với Nhân dân và du khách.
70 năm xây dựng thương hiệu điểm đến Hà Nội - Niềm tin và Hy vọng

10.000 người tham gia “Ngày hội Văn hoá vì hòa bình”

"Ngày hội Văn hoá vì hoà bình" là chương trình quy mô, giới thiệu những nét văn hoá đặc sắc nhất của Thủ đô Hà Nội tổ chức vào ngày 6/10/2024 tại hồ Hoàn Kiếm nhằm biểu dương lực lượng gắn với quảng bá, giới thiệu về văn hóa Thủ đô Hà Nội, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch trên địa bàn thành phố.

“Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” có quy mô khoảng 10.000 người tham gia, trong đó có khoảng 700 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế, 9.000 người tham gia gồm lực lượng diễu hành và trình diễn là nghệ nhân và Nhân dân của 30 quận, huyện, thị xã; các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, bạn bè quốc tế.

Quảng bá nhiều di sản trong dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô

Điệu múa "con đĩ đánh bồng" trên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm

Chương trình được tổ chức tại sân khấu chính là khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ và các sân khấu phụ tại khu vực: Vườn hoa đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, Nhà hát nghệ thuật Đương đại Việt Nam, ngã tư Lê Thái Tổ - Bà Triệu - Tràng Thi - Hàng Khay.

Sự kiện gồm ba phần nội dung, trong đó, phần là thực cảnh tái hiện hình tượng lịch sử của Thủ đô và biểu diễn liên khúc “Truyền thuyết Hồ Gươm - người Hà Nội - cảm xúc tháng 10 - khí phách Hà Nội - hát vang lý tưởng tuổi trẻ”.

Phần này sẽ có sự tham gia của 500 chiến sĩ tái hiện đoàn quân tiếp quản Thủ đô năm 1954. Phần ba là màn trình diễn, diễu hành chủ đề “Hà Nội ngày về chiến thắng”, “Hà Nội - dòng chảy di sản”, “Hà Nội - thành phố hòa bình - thành phố sáng tạo”.

Giới thiệu nhiều di sản văn hóa tiêu biểu

Bên cạnh đó, sự kiện này cũng giới thiệu, quảng bá những nét đẹp, sự giàu có của văn hóa Thăng Long Hà Nội. Cụ thể, các màn trình diễn, diễu hành như trình diễn trống hội Thăng Long kết hợp múa cờ, múa rồng, múa lân; diễu hành, giới thiệu di sản văn hóa Hà Nội được UNESCO và quốc gia ghi danh như giới thiệu về hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, chùa Hương, chùa Tây Phương, đền Sóc...; các di sản văn hoá phi vật thể như: Kéo co, lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai, thổi cơm Thị Cấm, tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường…

Ngoài ra, còn có phần diễu hành, giới thiệu những di sản văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu của Thủ đô: Tín ngưỡng thờ Thăng Long tứ trấn, tín ngưỡng thờ Thánh Gióng, Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử…

Quảng bá nhiều di sản trong dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô

Trò kéo mỏ của thôn Ngải Khê, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội

Ngoài ra, chương trình nghệ thuật ánh sáng đặc biệt chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra lúc 20h ngày 10/10/2024 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình với quy mô dự kiến khoảng 25.000 người, với chủ đề "Hà Nội - TP hòa bình - TP rồng bay".

Được biết, trong dịp này cũng diễn ra Hội thảo Khoa học cấp quốc gia do Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thành ủy Hà Nội tổ chức; Lễ kỷ niệm cấp quốc gia do TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Ban, bộ, ngành tổ chức…

Các sự kiện nhằm ôn lại lịch sử hào hùng của Nhân dân Thủ đô Hà Nội và của đất nước; lan tỏa ý nghĩa to lớn của Ngày Giải phóng Thủ đô, tạo không khí vui tươi, phấn khởi đến đông đảo cán bộ, đảng viên các tầng lớp Nhân dân, lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố và cả nước.

Đồng thời, các chương trình cũng góp phần quảng bá văn hóa nghìn năm văn hiến về truyền thống lịch sử vẻ vang, hào hùng, hòa bình, hữu nghị của Thăng Long - Hà Nội; thành phố văn hiến - văn minh - hiện đại; Thành phố Vì hòa bình - Sáng tạo - Nơi hội tụ - Kết tinh - Lan tỏa.

Thái Sơn
Phiên bản di động