Thường vụ Quốc hội yêu cầu làm rõ tác động khi áp thuế VAT 5% với phân bón

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ bổ sung số liệu giải trình đầy đủ, thuyết phục, phân tích rõ tác động về giá khi áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% với phân bón.
Nông dân sẽ chịu tác động lớn khi áp thuế VAT 5% với phân bón

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành kết luận về phiên giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung trong dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo thống nhất phương án để tiếp thu các nội dung.

Cụ thể, về trường hợp không phải nộp thuế VAT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế VAT đầu vào, yêu cầu bảo đảm nguyên tắc chỉ được khấu trừ thuế VAT đầu vào trong trường hợp đầu ra là sản phẩm chịu thuế VAT; bổ sung quy định trường hợp hàng hóa chưa được người bán kê khai nộp thuế VAT thì cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế đầu vào để kiểm soát tình trạng gian lận.

Thường vụ Quốc hội yêu cầu làm rõ tác động khi áp thuế VAT 5% với phân bón
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), ngày 14/8.

Về mức ngưỡng doanh thu hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT, cần bảo đảm các khoản thu ngân sách Nhà nước do luật định, các cơ quan thống nhất mức ngưỡng cụ thể quy định trong luật, phù hợp tình hình kinh tế - xã hội và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền điều chỉnh phù hợp với từng thời kỳ.

Về thuế VAT đối với phân bón, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ bổ sung số liệu giải trình đầy đủ, thuyết phục, phân tích rõ các tác động về giá đối với phân bón trong trường hợp áp dụng thuế suất 5%, phục vụ việc lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về định hướng tăng mức thuế suất 10%, trong luật không quy định lộ trình tăng thuế cụ thể; bổ sung vào dự thảo luật nội dung giao Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Về phương pháp tính thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài trên cơ sở nền tảng số, cần bảo đảm phù hợp với bản chất, thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, không gây ra sự phân biệt đối xử bất lợi cho doanh nghiệp trong nước cung cấp các dịch vụ tương tự.

Về các trường hợp hoàn thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tác động của nội dung sửa đổi, tránh khả năng dẫn đến gian lận đối với các trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó làm thủ tục xuất khẩu sang nước khác; đối với trường hợp cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ đã đăng ký, đề nghị giữ như quy định hiện hành, chưa cho phép hoàn thuế mà kết chuyển vào kỳ tiếp theo.

Hậu Lộc
Phiên bản di động