Hà Nội chủ động phương án không lo đứt gãy nguồn cung hàng hóa
Trước thực tế một số chợ truyền thống ở Hà Nội bị đóng cửa và thông tin về việc chuỗi siêu thị Vinmart đứng trước nguy cơ lây nhiễm khi nhà cung ứng thực phẩm cho chuỗi siêu thị này phát hiện có số ca nhiễm Covid-19, không ít người dân lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng gây ra tình trạng thiếu thực phẩm, rau quả và các mặt hàng thiết yếu…
Ngay trong chiều nay, lãnh đạo Bộ Công Thương đã làm việc với các cơ quan liên quan. Phóng viên VOV có phỏng vấn ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương tình hình cung ứng hàng hóa cho thành phố trong những ngày tới.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương |
PV: Trước thông tin chợ Long Biên và một vài chợ truyền thống nhỏ bị đóng cửa do có ca nhiễm Covid-19, lo ngại ảnh hưởng tới nguồn cung ứng thực phẩm, rau quả cho Hà Nội, qua kiểm tra tình hình thực tế mức độ ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Duy Đông: Ngay sau khi nắm thông tin Hà Nội có một số chợ đầu mối, chợ truyền thống cũng như một số cửa hàng Vinmart của hệ thống siêu thị này đóng cửa do có những ca Covid-19, Bộ Công Thương đã trao đổi ngay với Sở Công Thương Hà Nội với giải pháp theo hướng: Trước hết, những cơ sở phục vụ mà có ca nhiễm Covid-19 phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh cũng như phòng, chống nguy cơ lây lan dịch bệnh là trên hết.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đề nghị Sở Công Thương Hà Nội phải có phương án bố trí ngay, tăng cường những điểm bán hàng lưu động. Những chợ truyền thống và siêu thị đang hoạt động phải tăng cường đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nhiệm vụ này phải được đặt lên trên hết, đặc biệt là phải theo hướng dẫn của Bộ Công Thương và Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch bệnh tại chợ truyền thống và các siêu thị.
Theo như báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, do công tác chuẩn bị nguồn hàng cũng như lên phương án chủ động tốt từ kinh nghiệm của đợt dịch năm 2020, nên Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có phương án, cụ thể. Đó là, trong trường hợp một số chợ truyền thống, chợ đầu mối cũng như một số trung tâm thương mại, siêu thị bị đóng cửa do dịch Covid-19, Sở đã có phương án để bố trí các nguồn hàng bổ sung cũng như bố trí những phương án bán hàng phục vụ cho người dân, người tiêu dùng tại Thủ đô.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến nay lượng hàng hóa dự trữ cũng như khả năng cung ứng của các doanh nghiệp phân phối hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại Hà Nội.
PV: Với sự việc của hệ thống Vinmart, Bộ Công Thương có những giải pháp như thế nào để đảm bảo cho các chuỗi cung ứng và phân phối hàng hóa tại các siêu thị được đảm bảo an toàn?
Ông Trần Duy Đông: Bộ đã trao đổi nhanh và yêu cầu ngay các hệ thống phân phối lớn, ngoài Vinmart ra còn có các hệ thống khác như BRG, BigC, MM Mega Market, AEON và những hệ thống phân phối và điểm bán hàng… ngay kể cả tại các Ban quản lý các chợ truyền thống, chợ đầu mối của Hà Nội phải tăng cường công tác phòng, chống dịch, việc giao nhận hàng phải đảm bảo nguyên tắc 5K cũng như các nguyên tắc phòng, chống dịch mà vừa rồi Bộ Công Thương và Bộ Y tế đã phối hợp để hướng dẫn các chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại.
Đồng thời, Bộ đề nghị các trung tâm thương mại, các điểm bán hàng tăng cường việc bán hàng online; đề nghị Sở Công Thương có phương án tăng điểm bán hàng lưu động. Yêu cầu các trung tâm thương mại, các siêu thị, chợ truyền thống hoạt động không được để xảy ra tình trạng tập trung số lượng lớn người vào mua sắm và phải thực hiện việc giãn cách, phòng, chống dịch bệnh covid-19.
PV: Bộ Công Thương có những hỗ trợ cụ thể như thế nào cho các doanh nghiệp khi phát hiện số ca nhiễm từ nhà cung ứng, đặc biệt là việc hỗ trợ cho các hệ thống phân phối trong cái bối cảnh dịch đang diễn biến hết sức phức tạp?
Ông Trần Duy Đông: Ngay từ đầu đợt dịch và đặc biệt là khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Bộ Công Thương đã có đề nghị lên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 và có công văn gửi các địa phương, trong đó có Hà Nội đề nghị chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các Sở Công Thương để có ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu cung ứng hàng hóa, trong đó có các nhân viên làm việc tại hệ thống siêu thị, hệ thống chợ truyền thống.
Khi có những vấn đề như vừa xảy ra đối với hệ thống phân phối, Bộ cũng đã có chỉ đạo, yêu cầu địa phương phải có ưu tiên y tế đối với những nhân viên làm việc trong các hệ thống phục vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu để đảm bảo nhu cầu của người dân.
PV: Xin cảm ơn ông!