Hà Nội: Cung ứng đủ hàng hóa trong mọi tình huống, người dân không nên tích trữ

TTTĐ - Nhằm đáp ứng mua cầu mua sắm hàng hóa thực phẩm của người dân trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng thiết yếu và đảm bảo giá cả sẽ ổn định.
Tuổi trẻ Thủ đô tình nguyện chung tay xây dựng Nông thôn mới Hà Nội: Người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, dừng tất cả các dịch vụ không thiết yếu "Gia cố" các biện pháp, bịt chặt kẽ hở không cho Covid-19 xuyên qua Hà Nội: Phạt gần 10 tỷ đồng những người không đeo khẩu trang nơi công cộng

Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định

Những ngày này, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng theo ghi nhận tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh như: BigC, Vinmart, chợ Hà Đông… trên các kệ, các sạp hàng đều đầy ắp các nhu yếu phẩm, nông sản. Trong khi đó, giá cả các loại mặt hàng cũng được giữ ổn định.

Ghi nhận tại siêu thị Aeon (quận Long Biên, Hà Nội) chiều 18/7, lượng hàng hóa đầy ắp các kệ. Giá các mặt hàng không tăng, thậm chí một số mặt hàng giảm giá nhẹ. Cụ thể, nhóm gạo, mì ăn liền, hoa quả, thịt cá trong tình trạng nhu cầu cao, sức tiêu thụ nhanh. Nhóm hàng rau xanh nguồn cung dồi dào, giá cả giảm nhẹ.

Hà Nội: Cung ứng đủ hàng hóa trong mọi tình huống, người dân không nên tích trữ
Tại siêu thị Aeon Long Biên chiều 18/7 hàng hóa dồi dào, nhiều mặt hàng giảm nhiệt

Chị Nguyễn Mai Lan ở quận Long Biên, Hà Nội, cho biết, mặc dù trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 nhưng chị cùng gia đình vẫn giữ tâm lý bình tĩnh trong mua sắm do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của thành phố cũng như khả năng điều tiết hàng hóa, nguồn cung thực phẩm, nông sản từ các cơ quan chức năng.

Tại chợ truyền thống, tình hình cung ứng hàng hoá, thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá... các loại thực phẩm thiết yếu khác giá cả một số mặt hàng cũng giảm nhẹ. Riêng trứng tăng giá từ 10 đến 30%. Nhìn chung, thời gian qua, giá hàng hóa tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các địa phương được niêm yết công khai, thống nhất trên toàn hệ thống.

Nhiều siêu thị cam kết giữ giá bình ổn như Central Group, Saigon Coop... Còn tại hệ thống chợ, giá hàng hóa thiết yếu thường cao hơn giá tại siêu thị từ 5% trở lên, tùy mặt hàng và tùy từng địa phương.

Do các doanh nghiệp phân phối dự báo được nhu cầu đối với hàng hóa sẽ tăng nên đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng, “sốt giá”.

Theo chia sẻ của đại diện Saigon Co.op, đơn vị đã tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu gấp 3 - 5 lần, bảo đảm giá cả bình ổn trong tối thiểu 6 tháng tới.

Hệ thống siêu thị thuộc tập đoàn Central Retail cũng đã tăng nguồn cung hàng hóa, rau và trái cây cung ứng khoảng hơn 100 tấn mỗi ngày... Các siêu thị đa dạng các kênh bán hàng, kéo dài thời hoạt động từ 8 giờ sáng đến 23 giờ đêm.

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu

Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn cho người dân mua sắm tại các siêu thị, cũng như đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn thành phố, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cũng cho biết, thành phố đã xây dựng các phương án chi tiết về việc cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố đảm bảo hàng hóa phục vụ Nhân dân thủ đô và hỗ trợ các tỉnh, thành phố giải tỏa lượng hàng sản xuất ra. Cùng với đó, 100% các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều đã bố trí nhân viên kiểm tra thân nhiệt, trang bị các dụng cụ phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho người dân đến mua sắm.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên thông tin: “Lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra giám sát tại các chợ, siêu thị. Nếu có tình trạng găm hàng, tăng giá, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”.

Ngày 18/7, UBND TP Hà Nội ban hành Công điện về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước.

Các siêu thị luôn đảm bảo đủ hàng hoá
Các siêu thị trên địa bàn Hà Nội luôn đảm bảo đủ hàng hoá cho người dân đến mua sắm

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tổ chức sắp xếp, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho Nhân dân trên địa bàn; Sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, đảm bảo thực hiện 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi giao dịch; Khuyến khích mô hình giao hàng trực tuyến; Bố trí tăng cường cán bộ hướng dẫn Nhân dân đến mua sắm hàng hóa đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch theo quy định ngay từ khu vực để xe, lối ra vào và trong cơ sở kinh doanh.

Sở Công thương chỉ đạo việc vận chuyển, cung cấp hàng hóa về các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh đảm bảo đầy đủ các mặt hàng thiết yếu; Chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc sắp xếp các quầy hàng thiết yếu trong các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch; Bố trí khu vận chuyển hàng hóa trung gian, đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo duy trì sản xuất nông nghiệp, các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản; Phối hợp với Sở Công thương đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa tới hệ thống phân phối đảm bảo nhu cầu thiết yếu của Nhân dân trên địa bàn.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không để xảy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá đối với các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch và hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động