Giới siêu giàu "ẩn mình" giữa đám đông với lối sống "quiet luxury"

Trong thời gian gần đây, xu hướng "quiet luxury" (sự sang trọng ẩn mình) đã trở thành một phong cách sống đặc trưng được nhiều người theo đuổi. Thay vì "chạy" theo thương hiệu nổi tiếng và phô trương hàng hoá đắt đỏ, giới siêu giàu giờ đây ưa chuộng sự tối giản, tinh tế và kín đáo trong việc mua sắm đồ dùng, dịch vụ hàng ngày.
Những dịch vụ dành cho giới siêu giàu Mỹ Khuyến khích lối sống năng động lành mạnh Cộng đồng biệt lập - phong cách sống của giới siêu giàu

Đơn giản nhất và bằng những gì tốt nhất

Tư duy "Money talks, wealth whispers" (Người có của thích khoe, người thượng lưu ưa kín đáo) là điểm xuất phát của xu hướng này. Một cách đơn giản, "quiet luxury" trở thành lối sống được ưa chuộng bởi giới siêu giàu, họ không muốn "flex" (khoe mẽ) với thế giới về mức độ giàu có của mình.

"Quiet luxury" không chỉ là xu hướng của giới siêu giàu, mà còn đang trở nên phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Lối sống này không chỉ xuất hiện trong thời trang mà còn ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.

Khi nhìn nhận về thế giới của giới siêu giàu thông qua các tác phẩm nghệ thuật như bộ phim Succession, khán giả có thể dễ dàng nhận biết sự khác biệt giữa triệu phú và tỷ phú. Ví dụ, nhân vật Shiv Roy - một nữ tỷ phú trong phim - thường diện trang phục tối giản, không chú ý đến thương hiệu, ngay cả khi sự lựa chọn của cô có thể là đồ hiệu đắt tiền. Sự tối giản và kín đáo đang dần trở thành phong cách thời trang của người giàu.

Giới siêu giàu
Nữ tỷ phú Siobhan Roy (Shiv Roy) thủ vai bởi nữ diễn viên Sarah Snook trong bộ phim Succession là ví dụ điển hình cho phong cách quiet luxury thông qua trang phục

Thomaï Serdari, Giám đốc Khóa học MBA về thời trang và sự sang trọng tại Trường Stern School of Business của NYU, mô tả "quiet luxury" như sau: “Đây là việc đầu tiên, quần áo phải có chất lượng tốt nhất, và thứ hai, nó cũng là những trang phục có tính bền vững, trường tồn với thời gian một cách tinh tế nhất."

Điều này có nghĩa là không cần phải sử dụng những chiếc thắt lưng với logo Gucci nổi bật hoặc túi xách với biểu tượng Louis Vuitton - những sản phẩm thường được xem là biểu tượng của sự tiêu khác và đẳng cấp. Thay vào đó, "quiet luxury" đề xuất một cách tiếp cận tinh tế hơn với thời trang, nhìn nhận giá trị thực sự của những bộ trang phục: từ chiếc áo len cashmere ấm áp đến chiếc áo khoác măng tô có gam màu trung tính và được làm từ những loại vải đắt tiền.

Quan trọng nhất, "quiet luxury" đại diện cho quá trình sản xuất chuyên nghiệp, nơi những người thợ lành nghề dành thời gian để tạo ra những kiểu dáng độc đáo, chống lại xu hướng sản xuất hàng loạt chỉ để bán theo kiểu thời trang nhanh (fast fashion), nơi mà sản phẩm thường chỉ được thiết kế để sử dụng một lần và sau đó bị loại bỏ.

Giới siêu giàu
Giới siêu giàu ngày nay chuộng phong cách tối giản nhưng với chất liệu tốt nhất, tinh xảo nhất

Nhà thiết kế trang phục Colleen Morris-Glennon, qua bộ phim Industry, đã chia sẻ với Vogue rằng "ai càng giàu càng khó bị phát hiện trong đám đông", đánh bại định kiến về việc người giàu phải luôn phô trương.

"Quiet luxury" không chỉ là vấn đề của thời trang, mà còn thể hiện trong cách tiêu dùng và lối sống hàng ngày của người giàu. Thay vì chi tiêu lớn cho đồ hiệu, họ chú trọng đến tính ứng dụng, chất lượng và sự đảm bảo về tính thực tế của sản phẩm. Đồng thời, họ giữ kín thông tin về các trải nghiệm cá nhân, không muốn để lộ quá nhiều về địa điểm sống hay địa vị trên mạng xã hội, tất cả vì sự bảo đảm về riêng tư.

Người giàu cũng không chấp nhận việc chi tiền cho những sản phẩm nổi tiếng chỉ để khoe khoang. Thay vào đó, họ tập trung vào mục tiêu tài chính dài hạn, như đầu tư, tiết kiệm và xây dựng sự giàu có bền vững. Mục tiêu không chỉ là sự giàu có mà còn là cách họ quản lý thông minh tài chính của mình và truyền đạt tư tưởng này cho thế hệ kế tiếp.

"Quiet luxury" không chỉ là đặc quyền của giới siêu giàu, mà còn là một phong cách sống mà mọi người có thể áp dụng, không phụ thuộc vào mức độ thu nhập của họ. Nó mang lại ý thức về mối nguy hiểm tiềm tàng khi để lộ quá nhiều về tài sản cá nhân, không chỉ về an ninh mà còn về cách mọi người xã hội đối xử với họ.

Giới siêu giàu
Martin Pedraza, Giám đốc điều hành của The Luxury Institute, một tổ chức chuyên nghiên cứu, tư vấn và đào tạo nhân viên, đã chia sẻ rằng "Quiet Luxury" là một bí mật lâu dài của giới siêu giàu. Họ ưa chuộng những thương hiệu mang tính tinh tế hơn và hiện nay, sự ưa chuộng của họ đang trở nên rõ nét hơn thông qua ảnh hưởng từ văn hóa đại chúng.

Đối với những người theo đuổi phong cách "quiet luxury", việc hạn chế thảo luận với người khác về giá trị tài sản cá nhân là quan trọng. Họ giữ thông tin về tổng tài sản và thu nhập cá nhân một cách kín đáo. Trên mạng xã hội, họ tránh đăng tải những hình ảnh khoe khoang về cuộc sống dư dả và thay vào đó, tập trung chia sẻ về các mối quan hệ, sở thích và thành tựu cá nhân.

Trong lĩnh vực chi tiêu, việc mua sắm thông minh là điều quan trọng. Họ lựa chọn những sản phẩm phù hợp với nguồn thu nhập và tập trung vào việc mua sắm bền vững và chất lượng. Đối với việc mua nhà, ví dụ, họ có thể lựa chọn những căn nhà nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo tiện ích và thoải mái.

"Quiet luxury không chỉ là một xu hướng thời trang, mà là một triết lý sống thấm vào nhiều khía cạnh của cuộc sống hiện đại. Nó là biểu tượng của sự tinh tế, sự kín đáo, và ý thức về tài chính, không chỉ đối với giới siêu giàu mà còn là một lối sống có thể được áp dụng và lan truyền rộng rãi trong xã hội ngày nay.

Người giàu thầm lặng

"Quiet luxury" không chỉ giới hạn trong thế giới của giới siêu giàu. Theo thông tin từ Yahoo Finance, khái niệm này hiện đang trở nên phổ biến và không chỉ dành riêng cho một nhóm người có thu nhập lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà nhiều người đang phải đối mặt, quiet luxury đã thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp xã hội, bao gồm những người có thu nhập đa dạng.

Không phụ thuộc vào mức độ giàu có, mọi người đều có thể áp dụng nguyên tắc của "quiet luxury " để xây dựng sự ổn định trong tài chính cá nhân. Triết lý của "quiet luxury" không chỉ đơn giản là giấu diếm tài sản, mà là sự ý thức về nguy cơ tiềm ẩn khi tiết lộ quá nhiều về tài chính cá nhân. Khi thông tin về tình hình tài chính của bạn trở nên rõ ràng, bạn có thể trở thành mục tiêu của tội phạm, từ vấn đề cướp giật đến vay nợ mà không cần biết khi nào mới có khả năng trả nợ. Ngoài ra, sự biến động trong thu nhập cũng có thể thay đổi cách mọi người xã hội nhìn nhận và đối xử với bạn.

Giới siêu giàu
Ông Tadashi Yanai - Chủ tịch thương hiệu Uniqlo - với tài sản ước tính 35,6 tỷ USD vẫn lựa chọn những trang phục trung tính đơn giản, không cầu kỳ

Tại châu Á, khác với giới siêu giàu Trung Quốc hay Hàn Quốc, các "đại gia" Nhật Bản lại lựa chọn một cuộc sống tĩnh lặng hơn. Tuy không phô trương, giới siêu giàu Nhật vẫn được truyền thông đặt cho danh hiệu "Cho Fuyuso". Theo Atsushi Miura, tác giả cuốn "The New Rich", khoảng 1,3 triệu người Nhật, tức 1% tổng dân số, sở hữu tài sản từ 100 triệu Yên trở lên (tương đương 20 tỷ đồng) và có thu nhập hàng năm ít nhất 30 triệu Yên (khoảng 6 tỷ đồng).

Nghiên cứu của Miura cho thấy, giới siêu giàu Nhật không thích sự phô trương, họ không xây dựng biệt thự lớn hoặc chi tiêu vô đối vào những đồ xa xỉ. Thay vào đó, các tỷ phú Nhật Bản thường chi tiêu cho những giá trị vô hình như nghệ thuật, tham gia các sự kiện văn hóa hoặc đấu giá tác phẩm thay vì mua sắm ô tô thể thao hay trang sức...

Tuy nhiên, giới nhà giàu tại đây vẫn tận hưởng cuộc sống thông qua những trải nghiệm như du lịch, mua sắm du thuyền, và sử dụng các sản phẩm phục vụ cuộc sống thượng lưu khi cần thiết. Trong đời thường, họ không khác biệt nhiều so với công dân bình thường.

Miura đưa ra ví dụ về cựu Chủ tịch Haruka Nishimatsu của Japan Airlines, một trong những hãng hàng không lớn thứ 6 trên thế giới về lượng hành khách. Mặc dù sở hữu tài sản lớn, ông Nishimatsu vẫn chọn đi xe buýt đến công ty mỗi ngày, ăn trưa cùng nhân viên trong căn-tin, và mua sắm tại các cửa hàng quần áo giảm giá.

Giới siêu giàu
Cựu Chủ tịch Japan Airlines, ông Haruka Nishimatsu nổi tiếng với lối sống tiết kiệm, không xa hoa

"Lối sống giản dị đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Nhật Bản" - ông Nishimatsu chia sẻ. Ông tin rằng không nên than phiền về sự nghèo đói và càng không nên khoe khoang về sự giàu có. Ông Nishimatsu cho rằng, đối với đa số người giàu Nhật Bản, việc truyền đạt cho thế hệ sau cách kiếm tiền và sử dụng nó thông minh hơn là chỉ để lại một khoản tiền. Do đó, thay vì để con cái phát triển tự do trong sự giàu có, người giàu Nhật Bản thường giáo dục chúng về cách "làm việc" với tiền bạc để tạo ra thu nhập, không phụ thuộc quá mức vào tài sản thừa kế.

"Quiet luxury" không chỉ đơn thuần là một xu hướng tiêu dùng mới mẻ của xã hội, mà còn là một triết lý sống, một cách tiếp cận cuộc sống mà mọi người, dù giàu có hay không, đều có thể học hỏi và áp dụng. Việc giáo dục về cách "vận động" tiền bạc một cách thông minh và bền vững, thay vì chỉ để lại tài sản, là điều mà cả thế giới có thể học hỏi từ nó.

Với sự thay đổi trong tư duy tiêu dùng và giá trị về sự tối giản, "quiet luxury" không chỉ là một trào lưu mà còn là một hướng đi mang tính nhân văn, đánh bại sự hoa mỹ rực rỡ để tìm kiếm sự đẹp đẽ tinh tế và thực sự ẩn chứa trong từng chi tiết cuộc sống.

Tùng Linh
Phiên bản di động