Gen Z bảo vệ môi trường: Trào lưu hay ý thức?

Dạo một vòng quanh các nền tảng mạng xã hội, không khó để chúng ta bắt gặp những video, hình ảnh, dòng hastag của người trẻ liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Họ cũng đang là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến chống rác thải, làm sạch môi trường, thúc đẩy các sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu… Dù vậy, việc người trẻ đã thực sự có ý thức bảo vệ môi trường chưa hay chỉ đang chạy theo một trào lưu mang tầm quốc tế vẫn là một chủ đề đang gây ra nhiều tranh cãi.
Quốc hội sẽ giám sát tối cao về môi trường hoặc nhân lực chất lượng cao Thành đoàn Vĩnh Yên ra quân vệ sinh môi trường ngày Chủ nhật xanh "Thành phố Hà Nội hướng tới mục tiêu thực sự xanh và an toàn"

Sẵn sàng hành động vì môi trường

Thực tế đã chỉ ra rằng, con người thường ít dành thời gian nghĩ và quan tâm về vấn đề bảo vệ môi trường cho tới khi những sức ép và nguy hại lên môi trường ngày càng rõ rệt, thậm chí ảnh hưởng ngược lại đến cuộc sống của con người. Là những người làm chủ thế giới trong tương lai, thế hệ Z hiểu được điều này. Họ đang thể hiện mối quan tâm và trách nhiệm của mình từng ngày bằng nhiều cách, trong đó rõ rệt nhất là qua những chiến dịch về môi trường.

Trong những năm gần đây, chúng ta được chứng kiến ngày càng nhiều những trào lưu hướng đến môi trường của giới trẻ Việt Nam như giảm thiểu rác thải nhựa, sử dụng ống hút tre, mang bình nước riêng để được giảm giá... Điều này không chỉ nhắc nhở về tác hại của rác thải nhựa lên nhiều khía cạnh đời sống, mà còn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Gen Z bảo vệ môi trường: trào lưu hay ý thức?
Chúng ta được chứng kiến ngày càng nhiều những trào lưu hướng đến môi trường của giới trẻ Việt Nam

Các dự án, nhóm cộng đồng, câu lạc bộ của người trẻ yêu môi trường cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn là minh chứng cho thấy những hành động nhỏ mỗi ngày từ mỗi người có thể tạo ra sự thay đổi lớn để giữ cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp và quan trọng hơn nữa là để bảo vệ sức khoẻ của tất cả mọi người.

Tại Thủ đô, Hà Nội Xanh là một cái tên quen thuộc với quyết tâm làm sạch những dòng kênh, mương ngập tràn rác thải tại Hà Nội. Những thanh niên tình nguyện trong nhóm đã tổ chức thực hiện nhiều buổi dọn rác trong những năm qua, nhằm góp sức lấy lại vẻ đẹp trong xanh cho những con sông chạy qua Thủ đô.

Được biết, nhóm được thành lập vào năm 2021 với chỉ 3 thành viên nhưng đến nay, số lượng người tham gia đã lên tới hơn 180 thành viên, chủ yếu là người trẻ. Trên mạng xã hội, người dùng Facebook và TikTok đã chia sẻ, hưởng ứng rất nhiều video và bài đăng về những buổi dọn vệ sinh của nhóm thanh niên tình nguyện này tại các con sông bị ô nhiễm trầm trọng do rác thải sinh hoạt của người dân thải ra như sông Tô Lịch, kênh La Khê…

Hình ảnh các bạn trẻ mặc đồ bảo hộ lao động chống nước, lội xuống lòng sông ô nhiễm, nước đen kịt, miệt mài vớt từng túi nilon, chai nhựa… giữa cái nắng nóng oi ả, đã thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ với mọi người.

Gen Z bảo vệ môi trường: trào lưu hay ý thức?
Nhóm Hà Nội Xanh thực hiện dọn vệ sinh tại chân Cầu Am (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông)

Dù cho nhiều người nói rằng, rác sau khi được dọn sạch thì ngày mai vẫn sẽ xuất hiện trở lại, nhưng các thành viên nhóm Hà Nội Xanh vẫn tiếp tục thực hiện công việc vớt rác của mình.

Những hành động này không chỉ bày tỏ tình yêu to lớn dành cho môi trường và Thủ đô Hà Nội, truyền cảm hứng cho những người trẻ sống có trách nhiệm với môi trường, mà còn góp phần lan toả thông điệp bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người chứ không phải của riêng ai. Nếu mỗi hộ gia đình có trách nhiệm hơn trong việc xử lý rác tại nguồn như phân loại rác, vứt rác đúng chỗ, thì thế hệ trẻ có thể sinh sống và trưởng thành trong một môi trường trong lành và an toàn hơn.

Biến trào lưu thành ý thức

“Trào lưu” (hay còn gọi là trend) thường được xem là một trò vui xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn. Thời điểm cao trào, đó là những “ngọn sóng” lớn khiến cả cả cộng đồng quan tâm. Nhưng cái kết của trào lưu luôn là trôi vào quên lãng sau vài tháng, vài tuần, hoặc thậm chí là vài ngày.

Dù vậy, những trào lưu tốt luôn xứng đáng được tồn tại lâu dài như cái cách mà môi trường đã khả quan hơn phần nào từ khi những chiến dịch vì môi trường nổi lên. Đó cũng là lúc nhận thức về vấn đề này được lan rộng hơn bao giờ hết với những video, hình ảnh, thông điệp ý nghĩa vẫn hàng ngày được đăng tải trên mạng xã hội. Nếu trào lưu ấy tiếp tục đi cùng với gen Z và biến thành ý thức chung của một thế hệ mới, môi trường chắc chắn sẽ được cải thiện.

Gen Z bảo vệ môi trường: trào lưu hay ý thức?
Việc người trẻ có thực sự có ý thức bảo vệ môi trường chưa hay chỉ đang chạy theo một trào lưu mang tầm quốc tế vẫn là một chủ đề đang gây ra nhiều tranh cãi

Đáng buồn là sau những bức ảnh, những lượt thích, những bình luận kêu gọi hưởng ứng phong trào vì môi trường, một bộ phận các bạn trẻ Việt Nam vẫn chưa thể biến nhận thức thành hành động, biến hành động thành thói quen ở đời thật. Liệu chúng ta đang thật sự quan tâm và mong muốn cải thiện, hay đơn giản chỉ là không muốn mình lạc hậu?

Không dưới một lần chúng ta đã nhìn thấy hình ảnh các điểm vui chơi, các khu du lịch ngập tràn rác sau mùa lễ, những bãi biển lềnh bềnh túi nhựa, lon nước hay những quảng trường vương vãi xác bóng bay, thức ăn thừa khi pháo hoa đã tàn…Tất cả những hình ảnh đó đều đi ngược lại những thứ mà cộng đồng đang cố gắng gây dựng, khiến cho đó vẫn chỉ được coi là những trào lưu, không thể chạm đến mục đích cuối cùng về lối sống xanh, chủ động tái chế và giảm rác thải.

Không ít người cho rằng, chằng cần phải xắn tay áo đi dọn bãi rác vào mỗi cuối tuần, chúng ta chỉ cần thay việc vứt một chai nước vào thùng rác bằng cách mang về dùng lại vài lần, hay dùng để trồng thêm một mầm xanh. Hoặc chúng ta cũng thử nghĩ xem có cách nào để tái chế chồng túi nilon đang nằm trong nhà thay vì bỏ chúng đi. Rác sẽ không còn là rác, nếu chúng ta tìm ra cách sử dụng chúng.

Gen Z bảo vệ môi trường: trào lưu hay ý thức?
Striped Project - một trong những dự án hàng đầu về môi trường và tái chế được thực hiện bởi chính các bạn học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội

Năm 2023, dự án “Sóng xanh Podcast” do nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền sáng lập là một trong những dự án nhận được tài trợ của Cuộc thi sáng kiến thanh niên Chuyển đổi năng lượng đảm bảo công bằng xã hội thuộc dự án Green Youth Labs thực hiện bởi Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES), Live & Learn, nằm trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến Khí hậu Quốc tế.

Thông qua loại hình truyền tải là Podcast, các bạn trẻ thực hiện dự án mong muốn tiếp cận đến nhiều thính giả trẻ hơn, cung cấp cho họ những kiến thức cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến trầm trọng, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng với cuộc sống con người.

Những vấn đề năng lượng, an ninh năng lượng, năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững tưởng chừng rất chuyên môn và xa vời được thể hiện bằng ngôn ngữ của thế hệ trẻ có thể trở nên gần gũi hơn. Quan trọng là khuyến khích sự thay đổi trong lối sống mỗi người, bắt đầu từ những cái rất nhỏ, như tắt điện khi không sử dụng hay sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn.

Gen Z bảo vệ môi trường: trào lưu hay ý thức?
Các thành viên của Sóng Xanh Podcast

Điều tích cực mà chúng ta dễ dàng thấy được là thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại ngày càng quan tâm đến môi trường nhiều hơn, thậm chí được coi là lực lượng đổi mới và sẵn sàng hành động. Một nguyên nhân lớn là bởi người trẻ và những thế hệ tương lai đang đứng trước nguy cơ phải đón nhận những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với nguồn nhiệt huyết và khả năng dồi dào, họ có cơ hội đưa ra những quyết định và hành động nhằm định hình một tương lai bền vững và kiên cường hơn.

Là những công dân thời đại mới, có ý thức lớn hơn vì môi trường sống, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội toàn cầu, người trẻ sẽ không để những trào lưu có ý nghĩa giống như làn sóng, dâng lên rồi biến mất giữa biển thông tin trên mạng xã hội. Việc tận dụng sức mạnh lan truyền của mạng xã hội để bảo vệ môi trường trở thành một ý thức, một cách sống của thời đại mới luôn cần sự cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ của thế hệ trẻ…

Trung Đức
Phiên bản di động