"Thành phố Hà Nội hướng tới mục tiêu thực sự xanh và an toàn"

Thông tin tại Hội nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đối thoại với công nhân người lao động năm 2024, đồng chí Trần Sỹ Thanh đã giải đáp một số thắc mắc, kiến nghị về môi trường trên địa bàn Thủ đô.
Công nhân Thủ đô gửi gắm tâm tư trước cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Trong khuôn khổ Hội nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2024 diễn ra sáng 23/5, các đại biểu đã kiến nghị một số vấn đề với người đứng đầu chính quyền Thủ đô. Trong đó, vấn đề môi trường được đặc biệt quan tâm.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2024

Chị Nguyễn Thu Huyền (Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại Sơn Tây) nêu kiến nghị: Tình trạng xả nước thải dọc tuyến kênh tiêu Tây Ninh từ một số đơn vị sản xuất, chế biến nông sản thuộc xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) xuống huyện Thạch Thất làm ô nhiễm nguồn nước mặt và không khí, gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt cuộc sống của người lao động trên địa bàn các xã Phú Kim, Hương Ngải, thị trấn Liên Quan, Canh Nậu, Dị Nậu (huyện Thạch Thất). Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chỉ đạo rà soát các kiến nghị liên quan đến môi trường tại kênh tiêu Tây Ninh 1.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam trả lời kiến nghị của CNLĐ.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam trả lời kiến nghị của CNLĐ.

Theo đồng chí Lê Thanh Nam, kênh tiêu Tây Ninh 1 là hệ thống kênh tiêu chính cho vùng sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Phúc Thọ và Thạch Thất, đồng thời là nguồn cung cấp nước tưới cho một số xã hạ lưu kênh như xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ). Kênh tiêu Tây Ninh 1 do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích giao Xí nghiệp Thủy lợi Thạch Thất quản lý.

Các cơ sở phát sinh nước thải trên địa bàn huyện Phúc Thọ xả thải trực tiếp nước thải không qua xử lý ra mương xuống Kênh tiêu Tây Ninh 1 gồm 3 cơ sở sản xuất tinh bột sắn thuộc giới hành chính xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ). Hiện tại, 3 cơ sở này đã tạm dừng hoạt động do hết mùa vụ.

UBND huyện Phúc Thọ đã có Văn bản số 709/UBND-TNMT ngày 29/3/2024 về việc giao Công an huyện, phòng Kinh tế, phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Liên Hiệp kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các cơ sở.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh thông tin với công nhân, người lao động

"Ngoài ra, để cải thiện chất môi trường nói chung và lượng nước nói riêng tại dọc tuyến kênh tiêu Tây Ninh và một số kênh khác trên địa bàn huyện Thạch Thất, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Cải tạo, nâng cấp kênh tiêu Tây Ninh - Ngòi Núc, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội”; dự án “Cải tạo, nâng cấp kênh tiêu Phùng Xá-Dị Nậu, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội” tại Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 10/3/2023; đồng thời, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố làm Chủ dự án đầu tư. Tiến độ thực hiện hai dự án này năm 2024 - 2027" Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam thông tin.

Trao đổi với 300 CNLĐ, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết thêm: "Hà Nội là điểm đến lý tưởng nhưng môi trường là vấn đề cần quan tâm nhiều nhất. Thời gian tới, Thành phố Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực, chấn chỉnh các hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Không vì lợi ích một nhóm người mà gây ảnh hưởng đến cộng đồng. "Thành phố hướng tới mục tiêu thực sự xanh và an toàn" - đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Vũ Cường
Phiên bản di động