Dự kiến chính quyền cấp cơ sở sẽ có xã, phường và đặc khu

Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) và cấp cơ sở (xã, phường, đặc khu).
Cần tăng quyền hạn, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã Mô hình chính quyền địa phương hai cấp tạo sự nhất quán, hiệu quả

Bộ Nội vụ đang dự thảo dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nhằm đảm bảo phù hợp với chủ trương sáp nhập các tỉnh thành, xã phường và bỏ cấp huyện.

Dự thảo luật gồm 7 chương, 49 điều, giảm 1 điều so với Luật số 65/2025/QH15, trong đó: giữ nguyên 9 điều, bỏ 3 điều; bổ sung mới 2 điều; sửa đổi, bổ sung 35 điều.

Theo đó, dự thảo đề xuất mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở (xã, phường, đặc khu tại hải đảo). Trong đó, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quyết định thành lập; còn đặc khu tại hải đảo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập.

Để bảo đảm cho chính quyền địa phương các cấp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp cơ sở.

Dự kiến chính quyền cấp cơ sở sẽ có xã, phường và đặc khu
Ảnh minh họa.

Cụ thể, Bộ Nội vụ đề xuất cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô.

Các vấn đề có tính chất liên vùng, liên cơ sở, vượt quá năng lực giải quyết của cơ sở, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất cũng do cấp tỉnh đảm nhiệm. Các nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện hành (trước khi giải thể) nếu vượt quá khả năng thực hiện của cấp cơ sở (sau sắp xếp) sẽ đưa lên cấp tỉnh.

Cấp cơ sở sẽ thực hiện chính sách từ Trung ương và cấp tỉnh, trong đó tập trung vào nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở.

Theo đó, đa số nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp huyện hiện nay sẽ chuyển giao về cấp cơ sở. Đa số nhiệm vụ của chính quyền quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, sẽ chuyển về phường.

Theo Bộ Nội vụ, việc này nhằm giải quyết các công việc hành chính, cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân với nguyên tắc ưu tiên cấp cơ sở. Nếu cấp cơ sở thực hiện tốt thì phân quyền, trừ các công việc vượt quá khả năng mới chuyển giao cho cấp tỉnh.

Để thực hiện nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Bộ Nội vụ đề xuất cấp tỉnh sẽ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp cơ sở nhằm nâng cao năng lực quản trị, tăng hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các đặc khu ở hải đảo sẽ được trao nhiều quyền tự chủ để chủ động ứng phó khi có tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Cũng tại dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và bổ sung quy định Ủy viên của Ban của HĐND cấp tỉnh có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để kế thừa quy định tại các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị.

Theo Bộ Nội vụ, số lượng đại biểu HĐND tỉnh miền núi, vùng cao được bầu tăng tối đa từ 75 lên 90 đại biểu; số lượng đại biểu HĐND tỉnh (còn lại) và các thành phố trực thuộc Trung ương được bầu tăng tối đa từ 85 lên 90 đại biểu. HĐND TP Hà Nội và TP HCM được bầu 125 đại biểu (bằng số quy định tại Luật Thủ đô áp dụng cho thành phố Hà Nội).

Đối với chính quyền địa phương cấp cơ sở, dự thảo luật quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp cơ sở (xã, phường, đặc khu) cơ bản thiết kế như đối với HĐND và HĐND cấp huyện (trước khi giải thể) nhưng có quy mô nhỏ hơn.

Theo đó, số lượng đại biểu HĐND cấp cơ sở tối đa là 40 đại biểu (riêng đối với các xã do có vị trí biệt lập không tiến hành tổ chức lại nếu có quy mô dân số ít thì cơ bản giữ nguyên như quy định của luật hiện hành); HĐND cấp cơ sở có 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội; Ủy ban nhân cấp cơ sở được tổ chức các cơ quan chuyên môn với số lượng phù hợp.

Dự thảo được lấy ý kiến trong 2 tháng từ ngày 24/3 đến ngày 24/5. Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 và thay thế Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 65/2025/QH15.

Hậu Lộc
Phiên bản di động