Đồng hành, hỗ trợ thanh niên, người lao động khi bị giảm việc, mất việc
Khoảng 1/4 số việc làm hiện nay sẽ thay đổi trong 5 năm tới Hơn 1.000 cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên tại Ngày hội việc làm HNUE 2023 |
Sáng 5/5, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức diễn đàn chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023.
Diễn đàn được tổ chức nhằm cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, vai trò giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và vai trò quản lý nhà nước của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những chính sách về việc làm cho thanh niên phù hợp với tình hình mới.
Đồng hành với lao động trẻ
Các đồng chí chủ trì diễn đàn |
Diễn đàn cũng là dịp để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, mong muốn, nguyện vọng chính đáng của thanh niên về việc làm, lập thân, lập nghiệp.
Thay mặt cụm Đồng bằng Sông Hồng, chị Chu Hồng Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Thành đoàn Hà Nội đặt vấn đề: Thực tế nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do bị cắt, giảm đơn hàng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Điều này dẫn đến một bộ phận không nhỏ người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống, trong đó có lao động trẻ. Vậy các chính sách hiện có để hỗ trợ thanh niên bị giảm việc, mất việc, ngừng việc trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19?
Theo ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tháng 4 vừa qua, ông cùng đoàn công tác tiến hành khảo sát thực tế, gặp gỡ lao động tại 3 tỉnh ở phía Nam nhận thấy thực tế đáng báo động là tình trạng công nhân, đặc biệt là lao động trẻ bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhận trợ cấp thất nghiệp rất nhiều. Tình trạng mất việc làm của lao động ở phía Nam cao hơn nhiều miền Bắc. Thực tế là vậy nhưng nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa báo cáo chính xác, đầy đủ thực trạng giảm việc làm, giảm thu nhập, mất việc làm của người lao động.
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn |
Chính sách hỗ trợ người lao động mất việc được lồng ghép chung trong chính sách việc làm. Trong đó, Tổng liên đoàn Lao động phát huy nhiệm vụ, chức năng kịp thời tập hợp khó khăn của lao động kiến nghị Chính phủ cùng công đoàn các cấp hỗ trợ. Đối với trường hợp mất việc, Công đoàn cơ sở sẽ hỗ trợ, giới thiệu việc làm.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, với tình trạng giảm giờ làm, giảm thu nhập, mất việc làm rất cao hiện nay thì cứu trợ, hỗ trợ cho lao động là rất quý nhưng điều quan trọng nhất, gốc giải quyết vấn đề là cần tạo việc làm cho lao động.
Một vấn đề nóng khác được bạn trẻ quan tâm đó là Ngân hàng Chính sách xã hội có những chính sách tín dụng ưu đãi gì để hỗ trợ thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên có hoàn cảnh khó khăn để sản xuất, kinh doanh, lập nghiệp, khởi nghiệp?
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết: Hiện nay, đối với các chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng là thanh niên, NHCSXH đang triển khai cho vay thông qua 2 chương trình: Cho học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn để góp phần hỗ trợ trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên và chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Toàn cảnh diễn đàn |
Mỗi chương trình tín dụng tại NHCSXH đều được nghiên cứu, xây dựng với mục tiêu chính sách khác nhau, đối tượng thụ hưởng khác nhau, phạm vi áp dụng khác nhau... cho từng giai đoạn cụ thể để từ đó có kế hoạch cân đối nguồn lực thực hiện. Do vậy, hoạt động tín dụng chính sách tại NHCSXH là rất đa dạng, đa lĩnh vực, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng vốn của nhiều đối tượng chính sách khác nhau trong đó có tín dụng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp,tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm,...
Ngoài ra, thanh niên cũng được vay vốn thông qua NHCSXH để phát triển sản xuất như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, cho vay xuất khẩu lao động, trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi, các đối tượng yếu thế....
Chủ động tiếp cận thị trường lao động
Theo ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, hiện có một thực tế, năng suất lao động tăng nhanh nhưng giá trị tuyệt đối thấp. Báo cáo năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cho thấy, mặc dù được đánh giá chất lượng lao động cũng được tăng lên đáng kể, xu hướng tăng năng suất lao động được duy trì liên tục trong 10 năm qua (năm 2020, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,1% tăng 8,5 điểm phần trăm so với năm 2011, năm 2022 là 26,2%)… nhưng giá trị tuyệt đối, chỉ đạt khoảng xấp xỉ 118 triệu đồng/lao động (tăng hơn gấp 2 lần so với năm 2011). Cả giai đoạn 2011 - 2020 bình quân tốc độ tăng chỉ ở mức xấp xỉ 5,1%.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, nhất là nhân lực chất lượng cao. Năm 2019, báo cáo cạnh tranh toàn cầu tại Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá và xếp hạng thì xét về điểm số kỹ năng số của lực lượng lao động khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vị trí của Việt Nam hiện đang ở mức khá thấp so với các quốc gia trong khu vực nếu không nói là gần như thấp nhất.
Đại biểu chia sẻ ý kiến tại diễn đàn |
Vì vậy, ông Qúy đề nghị, thanh niên cần phải nhìn nhận lại bản thân đang đứng ở đâu, từ đó trau dồi kiến thức, kỹ năng. Mặt khác, Trung ương Đoàn cần chú trọng và chủ động hơn trong tham gia xây dựng chính sách và pháp luật nhằm khắc phục những khoảng trống quy định chưa thật cụ thể, chưa thật chi tiết có liên quan đến thanh niên và việc làm.
Chính sách về khởi nghiệp đã có và thanh niên là lực lượng xung kích trong lĩnh vực này, vậy sẽ phải cụ thể hóa bằng các ưu đãi nào? Bên cạnh đó, đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là yêu cầu của bất kỳ thị trường lao động nào nên cần nghiên cứu để làm sao có những đề xuất cụ thể hơn, tận dụng những cơ hội nghề nghiệp, đặc biệt là cải thiện về kỹ năng số, trình độ tay nghề cao của lực lượng lao động là thanh niên.
Trung ương Đoàn cũng cần phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan để phân tích sâu số liệu, thực trạng về thanh niên theo từng lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm nhằm có những báo cáo, thông tin có chất lượng cung cấp đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy phát biểu kết luận |
Kết luận diễn đàn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam Bùi Quang Huy nhấn mạnh: Giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và thanh niên nói riêng là một trong những mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo vấn đề an sinh xã hội.
Tại diễn đàn, cùng với các tham luận và thông tin của các Bộ, ngành Trung ương, các đơn vị, chúng ta cũng hiểu hơn về hệ thống các chính sách việc làm cho thanh niên đã được quy định trong các Luật hiện hành như: Nhà nước có các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân giải quyết việc làm cho thanh niên; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ tư vấn, giúp thanh niên tiếp cận thị trường lao động. Nhà nước có các chính sách giao cho tổ chức thanh niên huy động thanh niên thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn…
Ngay sau diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp đầy đủ các vấn đề, các câu hỏi và kiến nghị chính đáng của thanh niên gửi đến các Bộ, ngành giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.