DIC Corp và những “tai tiếng” của “ông lớn” bất động sản

DIC Corp có nhiều giải thưởng vinh danh nhưng cũng lắm “tai tiếng” trong giới bất động sản khi có nhiều dự án vi phạm pháp luật về xây dựng.
Một đại gia bất động sản từng "uy tín" nhưng nợ quỹ bảo trì của cư dân không trả Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Long Việt hai lần bị Cục thuế "bêu" tên Xu hướng mua nhà kết hợp làm việc đang thịnh hành mùa dịch Covid-19

Theo tìm hiểu của phóng viên, Tổng công ty Cổ phần đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp), có địa chỉ tại số 265 Lê Hồng Phong, phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị và kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

DIC Corp được biết đến là “ông lớn” trong giới bất động sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung. Doanh nghiệp này từng được vinh danh nhiều giải thưởng như: Top 20 nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam năm 2020, Top 50 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2020, Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam...

Nổi tiếng nhưng cũng lắm “tai tiếng”, thời gian qua, DIC Corp đã liên tiếp bị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Cụ thể, theo Cổng thông tin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 1/7/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh đã ký ban hành Quyết định số 1764/QĐ-XPVPHC phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng số tiền 110 triệu đồng đối với DIC Corp do đã thực hiện hành vi vi phạm xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, địa chỉ tại lòng hồ trung tâm Chí Linh, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu.

Ngoài việc phạt tiền, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu buộc DIC Corp phải tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm. Trường hợp công ty không tự tháo dỡ thì bị cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.

DIC Corp và những “tai tiếng” của “ông lớn” bất động sản
Cổng thông tin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công bố quyết định xử phạt DIC Corp

Chỉ sau đó một ngày, tức ngày 2/7/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh tiếp tục ký ban hành Quyết định số 1770/QĐ-XPVPHC xử phạt DIC Corp số tiền 110 triệu đồng do xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, thuộc một phần thửa đất số 586, tờ bản đồ số 01, phường Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu (phần đất mặt nước thuộc Công viên hồ Bàu Trũng).

Đáng nói, trước đó, nhiều dự án bất động sản của DIC Corp cũng từng bị phanh phui vi phạm và xử phạt. Hồi tháng 8/2019, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ra quyết định xử phạt DIC Corp số tiền lên tới 975.000.000 đồng do tổ chức thi công xây dựng công trình Khu phức hợp Cap Saint Jacques tại số 169 Lê Hồng Phong, phường 8, TP Vũng Tàu mà không có giấy phép xây dựng.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã được kiểm toán, năm vừa qua, DIC Corp ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.487 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2019.

DIC Corp và những “tai tiếng” của “ông lớn” bất động sản
Năm 2019, DIC Corp cũng bị xử phạt số tiền lên tới 975.000.000 đồng do tổ chức thi công xây dựng công trình Khu phức hợp Cap Saint Jacques không có giấy phép xây dựng

Năm 2020, khoản doanh thu hoạt động tài chính của DIC Corp giảm 86,4% so với năm 2019, chỉ đạt xấp xỉ 27 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng chỉ đạt 287,3 tỷ đồng, giảm 46,1% với năm 2019. Trong khi đó, các khoản chi phí lại tăng mạnh, đặc biệt là chi phí tài chính.

Kết quả, năm 2020, DIC Corp đạt lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 722 tỷ đồng, tăng 94% so với năm 2019. Đây là mức lãi kỷ lục sau hơn chục năm niêm yết của DIC Corp.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của DIC Corp ghi nhận hơn 11.826 tỷ đồng, tăng 44% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho cũng tăng nhẹ lên hơn 4.395 tỷ đồng, chủ yếu là bất động sản dở dang, các khoản phải thu ngắn hạn cũng chiếm tới 2.255 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm cuối năm 2020, tổng nợ phải trả của DIC Corp ở mức 7.036 tỷ đồng, tăng đột biến so với mức 4.187 tỷ đồng hồi đầu năm.

Đáng nói, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, dòng tiền kinh doanh của DIC Corp đã âm nặng trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2017 dòng tiền kinh doanh âm 263 tỷ đồng thì sang năm 2018 lại dương 430 tỷ đồng, dù vậy năm 2019 dòng tiền lại âm 245 tỷ đồng, sang năm 2020 tiếp tục âm 504 tỷ đồng.

Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Trong đó, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, với những doanh nghiệp đang trong quá trình mở rộng, phải nhập thêm hàng hóa, tăng tồn kho, tăng phải thu, phải trả… thì tình trạng dòng tiền âm là bình thường, công ty có thể sử dụng vốn vay hoặc huy động từ cổ đông để bổ sung lượng thiếu hụt.

Tuy nhiên, về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau, kèm với đó là kết quả kinh doanh bết bát.

Theo phân tích, việc dòng tiền âm nhiều năm của các doanh nghiệp có thể là tín hiệu cảnh báo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang có vấn đề. Chẳng hạn, bán hàng không thu được tiền, hay bị nghi ngờ là ghi nhận doanh thu ảo. Các ngân hàng và chủ nợ có thể siết chặt các khoản vay, thậm chí không cho vay, dễ đẩy doanh nghiệp đối mặt với nhiều nguy cơ.

Các chuyên gia cho rằng, trong các báo cáo tài chính mà các công ty công bố thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là báo cáo quan trọng nhất. Nguyên nhân là do báo cáo này chỉ ra được xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp, tại sao làm ăn có lãi mà thường xuyên thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.

"Có những trường hợp công ty có lợi nhuận, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông", một chuyên gia phân tích.

Văn Thành Nhân/Theo TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động