Xu hướng mua nhà kết hợp làm việc đang thịnh hành mùa dịch Covid-19

Xu hướng mua nhà để ở kết hợp làm việc ngày càng thịnh hành ở Việt Nam trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
VPBank tung gói lãi suất mua nhà, bất động sản từ 5,9%/năm Mua nhà, đất qua vi bằng coi chừng bị lừa

Theo số liệu thị trường, mức độ quan tâm của khách hàng đối với đất nền trong thời gian dịch bệnh ở quý II/2021 giảm đáng kể, đặc biệt là những khu vực có dịch Covid-19 bùng phát như Bắc Ninh (giảm 38%), Bắc Giang (giảm 35%), Hà Nội (giảm tới 17%)... Trong khi đó, lượng khách hàng quan tâm tới chung cư tăng 29%. Đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, khách hàng quan tâm tăng 21%, TP Hồ Chí Minh tăng 5%, các tỉnh thành khách cũng tăng tới 25%.

Xu hướng mua nhà kết hợp làm việc đang thịnh hành mùa dịch Covid-19
Ảnh minh họa

Theo đó, giá bán chung cư tại TP Hồ Chí Minh tăng tới 2% đạt giá cao nhất lên tới 63,9 triệu đồng/m2. Còn tại Thủ đô Hà Nội, giá bán chung cư cao nhất là 46,8 triệu đồng/m2. Mức giá khách hàng quan tâm phổ biến từ từ 1-2 tỷ đồng/căn hộ.

Theo phân tích của ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Kinh doanh Batdongsan.com.vn, cuối năm 2020, giá bất động sản vẫn giữ xu hướng đi ngang, nhưng đến quý 1/2021 giá bất động sản tăng khá mạnh, tạo nên một cơn ‘sốt đất’ ở nhiều nơi.

Ông Quốc Anh cho rằng, nguyên nhân của việc này là do sự quan tâm đến bất động sản không đổi nên giá có hiệu ứng tích cực. Cùng với đó, việc thành công trong kiểm soát dịch của Chính phủ khiến người dân an tâm hơn, thực hiện giao dịch nhiều hơn. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh, có phân khúc như chung cư còn bán tốt hơn so với thời gian trước dịch. Điều này cho thấy nhu cầu, kỳ vọng của người mua trên thị trường vẫn rất cao.

Khi dịch bệnh được đẩy lùi thì mặt bằng giá bất động sản sẽ tăng lên. Có thể nhìn thấy mặt bằng giá tăng ở một số nước khác khi dịch bệnh được kiểm soát thông qua việc tiêm vắc xin.

Chia sẻ về thị trường bất động sản trong nước, ông Ngô Văn - Giám đốc Marketing Tập đoàn Danh Khôi cho biết: "Giá nhà ở trong nước không nằm ngoài xu hướng tăng giá của thế giới, tại một số thị trường Mỹ, Úc, châu Âu… xu hướng làm việc tại nhà khi dịch bệnh xảy ra đã khiến lượng tìm kiếm bất động sản tăng. Người tìm kiếm thường tìm những căn hộ có diện tích đủ rộng để có thể vừa sinh sống, vừa làm việc. Chính vì thế, giá bất động sản tăng giá ở các thị trường đó dù dịch bệnh".

Ông Văn phân tích: "Khi dịch bệnh thì bất động sản vẫn là kênh lưu trú tiền khá an toàn so với các kênh khác như chứng khoán, vàng, đô la. Đặc biệt, với sản phẩm bất động sản có pháp lý tốt càng tạo niềm tin và sự tìm kiếm của người có nhu cầu.

Chúng tôi khảo sát tại Quy Nhơn, Đà Nẵng, Vũng Tàu... cho thấy thị trường không có dấu hiệu suy giảm, họ vẫn đang trông đợi việc bớt giãn cách để đầu tư các bất động sản đó. Vì thế, tôi tin rằng, Việt Nam không đi ngoài xu hướng của thế giới, bất động sản không giảm giá mà sẽ là nơi lưu trữ tiền, nơi giữ niềm tin của người dân".

Xu hướng mua nhà kết hợp làm việc đang thịnh hành mùa dịch Covid-19
Phòng làm việc tại nhà đang là xu hướng trong tình hình dịch bệnh

Chia sẻ về xu hướng kinh doanh bất động sản, bà Lê Nguyễn Hồng Phương - Giám đốc Thương hiệu Công ty Bất động sản Tuấn 123 cho hay: "Giá bất động sản không giảm mà có xu hướng đi ngang, đi lên bởi mỗi nhóm mua bất động sản đều có mục đích rõ ràng. Với nhóm mua bất động sản để sử dụng thì nhu cầu để ở vốn là nhu cầu đầu tiên trong tháp nhu cầu Maslow.

Vì thế, dù có đại dịch thì đây không những là nhu cầu đầu tiên mà còn tăng lên. Khi dịch bệnh người ta mới thấy giá trị của căn nhà, khi dịch bệnh họ không thể tìm được một không gian làm việc tại quán cafe mà phải về nhà làm việc, lúc đó ngôi nhà thực sự phát huy tác dụng”.

Bà Hằng cho rằng, với nhóm mua bất động sản để đầu tư, dịch bệnh là thử thách nhưng với những nhà đầu tư bất động sản lâu năm thì 90% nhà đầu tư cho rằng đây là cơ hội rất lớn, nhiều người xuống tiền rất nhanh ngay thời điểm dịch bệnh. Đó chính là những lý do làm cho giá bất động sản không giảm mà lại tăng.

Đức Mậu
Phiên bản di động