Di tích lịch sử ở Hà Nội “ghi điểm” nhờ tích cực chuyển đổi số
Tiên phong trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu hiện nay. Riêng ở lĩnh vực văn hóa, di sản, việc số hóa và từng bước chuyển đổi số được xem là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
Tại Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội là một trong những di tích tiên phong trong việc chuyển đổi số. Đầu tiên, đơn vị này đã xây dựng chương trình thực cảnh về Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tiếp đến từ tháng 6/2023, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã áp dụng hình thức biên lai điện tử có chứa mã QR đối với khách đoàn thay vì mua vé cho từng người. Khác với cổng soát vé tự động, hình thức biên lai điện tử có chứa mã QR không chỉ dùng để quét khi khách qua cửa, mà còn chứa đủ thông tin về ngày giờ thực xuất vé, số series, tra cứu trên hệ thống quản lý để kiểm tra tình trạng vé... Hình thức này không chỉ tiết kiệm thời gian cho du khách mà còn nâng cao trải nghiệm cho người tham quan.
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thích thú với trải nghiệm mới ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi đơn vị này ứng dụng công nghệ vào quảng bá di tích. |
Bên cạnh đó, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thực hiện số hoá một số nội dung, giá trị 40 hạng mục của di tích, để mã hoá thành các QR code cho khách tham quan tìm hiểu; triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ. Đáng chú ý, dịp gần cuối năm 2023, Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miều – Quốc Tử Giám còn cho ra mắt tour đêm “Tinh hoa đạo học”. Trong không gian lung linh, huyền ảo của di tích, du khách còn được chiêm ngưỡng ánh sáng trình chiếu của công nghệ 3D Mapping. Thông qua việc trình chiếu, du khách được tìm hiểu về truyền thống tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài, về lịch sử hình thành và phát triển của trường đại học đầu tiên của Việt Nam dưới thời quân chủ. Hiện tour đêm này đang rất hút khách đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Chia sẻ về ứng dụng công nghệ trong các hoạt động của di tích, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: Qua đại dịch COVID -19, Trung tâm nhận thấy cần thiết có sự đổi mới để thích ứng được với những thay đổi hiện nay, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang phát triển công nghiệp văn hóa.
Việc ứng dụng công nghệ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thu hút lượng lớn khách du lịch tới đây |
Trong khi đó, tại Hoàng thành Thăng Long, Ban Quản lý cũng đã áp dụng mã QR để du khách tra cứu thông tin về khu di tích, bên cạnh phần mềm kiểm soát vé và quản lý khách tự động để nâng cao công tác quản lý; Làng gốm Bát Tràng ở huyện Gia Lâm thì sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để giúp du khách hòa mình vào lễ hội thủ công mỹ nghệ của làng nghề...
Em Nguyễn Hà Phương, học sinh trường Việt Đức cho hay: “Khi đến Bát Tràng, được trải nghiệm công nghệ thực tế ảo, em thấy thú vị vì sự sống động, phù hợp với giới trẻ chúng em”.
Học sinh trường THPT Việt Đức tham quan và trải nghiệm làm gốm tại Bát Tràng |
Lực lượng thanh niên tích cực vào cuộc
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã đưa di tích, di sản đến gần hơn với cộng đồng. Nhiều du khách tỏ ra thích thú với những trải nghiệm mới mẻ. Nhận thức rõ điều này nên không chỉ các di tích quốc gia mà tại các quận, huyện, lực lượng thanh niên cũng vào cuộc khá tích cực. Điển hình như tại xã Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội), Đoàn Thanh niên xã đã hoàn thành công trình "Chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử, văn hóa, du lịch" trị giá 350 triệu đồng. Theo đó, Đoàn Thanh niên xã đã mã hoá hình ảnh các địa điểm di tích lịch sử đã được xếp hạng trên địa bàn xã Dương Xám như: Đền - Chùa Bà Tấm; Đình - Chùa - Nghè Dương Đình; Đình Yên Bình; Đình Dương Đá; Đình Dương Đanh; Nghè Thuận Quang... Nhờ số hóa, tích hợp thông tin, hình ảnh về các địa điểm trên nền tảng VR mang đến trải nghiệm thực tế ảo 360 độ, nên bất cứ ai cũng có thể nhanh chóng tiếp cận thông tin về các địa điểm, đồng thời xem toàn cảnh của địa điểm một cách trực quan, sinh động nhất.
Đoàn viên thanh niên trải nghiệm, sử dụng công trình chuyển đổi số |
Chị Lê Thị Thùy Dương, Bí thư Đoàn xã Dương Xá cho biết, việc phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia tích cực công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong thực tiễn cuộc sống đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên về lĩnh vực văn hóa, du lịch trên địa bàn xã. Đồng thời, điều này cũng mang đến nhiều trải nghiệm mới cho khách tham quan.
Tại quận Hoàng Mai, quận Đoàn cũng đã ra mắt công trình thanh niên “Mã hoá dữ liệu địa chỉ đỏ trên địa bàn quận Hoàng Mai”. Công trình đã sử dụng công nghệ VR 360 để số hóa các di tích cách mạng, địa chỉ đỏ trên địa bàn quận tạo thành các “Tour tham quan thực tế ảo” để mô phỏng lại toàn thể không gian bên ngoài và chi tiết bên trong di tích cách mạng.
Đến nay quận đoàn Hoàng Mai đã hoàn thành 5 mã QR được gắn tại địa chỉ đỏ, di tích cách mạng: Tượng đài Liệt sĩ Hoàng Văn Thụ - phường Tương Mai, Bia chiến thắng B52 - phường Định Công, Đình Khuyến Lương - Phường Trần Phú, Đình Trung Lập - phường Lĩnh Nam và nhà lưu niệm anh hùng Đặng Trần Đức - phường Thanh Trì.
Tương tự, tại quận Ba Đình, Đoàn thanh niên quận cũng triển khai công trình số hóa di tích lịch sử, quảng bá du lịch. Chỉ cần một thiết bị điện tử thông minh và thực hiện quét mã QR là du khách có chuyến du lịch trải nghiệm tham quan các điểm di tích lịch sử nổi tiếng trên địa bàn quận Ba Đình.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến, tính đến nay, Đoàn thanh niên thành phố đã triển khai số hóa 322 địa chỉ đỏ. Cùng với đó, tại cơ sở Đoàn thanh niên các quận, huyện, thị xã cũng triển khai số hóa các di tích trên địa bàn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất thông tin, góp phần thuận lợi hơn trong việc lưu giữ cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của địa phương ở Thủ đô.
Tín hiệu mừng khi Gen Z thích thú với di sản |
Nhiều di tích lịch sử ở Hà Nội tăng phí tham quan |
Ứng dụng công nghệ đưa di tích đến gần hơn với cộng đồng |