Tín hiệu mừng khi Gen Z thích thú với di sản
Bài 2. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023: Những con số "biết nói" Sức mạnh nội sinh từ dòng chảy di sản Tour đêm Hà Nội thêm sắc màu cho hành trình khám phá của giới trẻ |
Sáng tạo di sản để hấp dẫn Gen Z
Tại buổi tọa đàm “Giới trẻ và di sản” được tổ chức sáng 27/12, bà Trần Thị Mai Hương – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 nhận định, bảo tồn di sản hay lưu trữ văn vật không chỉ là trách nhiệm của nhà nghiên cứu và kiến trúc sư mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Việc duy trì và bảo tồn di sản rất quan trọng nhằm giữ nguyên giá trị và bản gốc của nó. Tuy nhiên, nếu cứ giữ mãi những lưu trữ, cổ vật, di tích, di sản nhuộm màu thời gian cũ sẽ rất lãng phí tiềm năng và giá trị của chúng. Vậy nên, việc sáng tạo chính là hướng đi mới, thu hút sự quan tâm và tò mò của giới trẻ tìm đến di sản.
Bà Trần Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 |
Bà Hương chia sẻ: “Tour đêm di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long,... có thể nói là thành công bước đầu trong việc “kéo” giới trẻ gần hơn với di sản nói riêng và lịch sử nói chung. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại như trình chiếu 3D Mapping hay thực tế ảo... đã thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến trải nghiệm. Chúng ta cần hiểu giới trẻ đang dành sự quan tâm đến chủ đề gì, câu chuyện gì? Từ đó, chúng ta tạo sợi dây kết nối giữa lịch sử và các vấn đề mà giới trẻ quan tâm, để khiến các bạn tò mò tìm hiểu sâu hơn. Các điểm đến về di sản, văn hóa có thể có thêm những góc check-in nghệ thuật, các tiệm cafe, trà bánh theo phong cách vintage độc đáo nhằm thu hút Gen Z. Điều quan trọng là tạo ra trào lưu thu hút nhiều bạn trẻ, khiến cho việc tham quan, thư giãn tại các điểm di sản gần gũi hơn với Gen Z”.
Các đại biểu tham dự tọa đàm Di sản với giới trẻ |
Sống trong thời đại ngày nay, việc duy trì sự kết nối với di sản đôi khi khá lạ lẫm đối với các Gen Z. Có nhiều bạn trẻ cho rằng, kiến thức lịch sử đôi khi quá dài dòng, lê thê mà thiếu tính hấp dẫn. Họ muốn xem những nội dung mới lạ, truyền cảm hứng, đầy hiện đại, trẻ trung hơn là những câu chuyện “ngày xửa, ngày xưa”.
Tuy nhiên, cũng có khá nhiều nhóm Gen Z bày tỏ mong muốn tiếp cận nhiều hơn tới những di sản, lịch sử, nhưng vấn đề đặt ra là phương pháp tiếp cận và tìm hiểu những gì thuộc về lịch sử hiện nay còn rất hạn chế.
Thời gian gần đây, công tác số hóa di sản và sáng tạo không gian di sản trên không gian ảo đã dần có những bước phát triển đáng kỳ vọng. Cụ thể, màn trình diễn 3D Mapping “Tinh hoa đạo học” hay hệ thống máy tính tra cứu thông tin văn bia tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám,... đã “mở đường” cho giới trẻ đến gần với lịch sử.
Bạn Lê Việt Hoàng (Cầu Giấy), đã dành ra gần 1 tiếng với những thiết bị VR để viết được những bức thư pháp ăn ý qua công nghệ thực tế ảo. Hoàng chia sẻ: “Trước khi đến tour “Tinh hoa đạo học”, tưởng tượng của mình là việc viết thư pháp trên giấy truyền thống, nhưng khi khám phá ra sân chơi VR tại sân Thái Học thì toàn bộ “định kiến” của mình đã bị đánh tan”.
Bạn trẻ Lê Việt Hoàng "thử nghiệm" viết thư pháp bằng công nghệ VR tại tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Không chỉ là viết thư pháp truyền thống qua VR, Việt Hoàng đã bất ngờ khi được tương tác với một vùng không gian thực tế ảo rất rộng và trải nghiệm "họa hình" không gian đa màu sắc vô cùng ấn tượng. Trong không gian đó, Hoàng và bạn bè đã tương tác với nhau để cùng vẽ nên một “tác phẩm” ánh sáng kỷ niệm của nhóm bạn.
“Thực sự đây là một bước sáng tạo không ngờ đối với bạn trẻ như mình. Việc ứng dụng công nghệ tại các điểm di sản đã đem đến cho mình và các bạn trải nghiệm lịch sử thật sống động. Chắc chắn mình sẽ quay lại Văn Miếu – Quốc Tử Giám để luyện tập họa thư pháp, vẽ không gian thêm nhiều lần nữa trong tương lai” – Việt Hoàng hào hứng nói.
Hiện đại hóa một phần quá khứ đã qua
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 vừa qua đã thu hút rất nhiều tác phẩm, phần trình diễn nghệ thuật của những nghệ sĩ trẻ. Bằng trí tưởng tượng và sự nhạy cảm nghệ thuật, giới trẻ đã thổi một làn gió mới lên Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, một di sản công nghiệp đã "ngủ quên" nhiều năm nay. Tận dụng chính không gian di sản của nhà máy rộng lớn, các nghệ sĩ trẻ đã họa trên tấm “toan nền” xưa cũ những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, hòa nhịp dòng chảy lịch sử và hiện đại một cách tinh tế, khéo léo.
Không gian nghệ thuật của Nhà máy xe lửa Gia Lâm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã hấp dẫn rất nhiều bạn trẻ tìm đến trải nghiệm |
Tại sao một bộ phận Gen Z ngày nay dành sự quan tâm đặc biệt tới các di sản văn hóa? Với khả năng truy cập thông tin qua internet và kết nối các mạng xã hội, Gen Z tò mò về di tích lịch sử, kiến trúc cổ qua ảnh và video trên mạng xã hội. Thực tế, mạng xã hội không chỉ là nơi giải trí, mà còn là một phương tiện mạnh mẽ để tạo ra một cộng đồng tò mò và sáng tạo. Phần lớn Gen Z tham gia các nhóm và diễn đàn trực tuyến để thảo luận và chia sẻ kiến thức về di sản văn hóa, giúp họ nâng cao hiểu biết và có một không gian thân thiện để thảo luận.
Có thể thấy, Gen Z không chỉ là người tiêu dùng thông tin, mà còn là những người chủ động tìm kiếm và chia sẻ kiến thức của mình với cộng đồng trực tuyến. Họ thể hiện niềm yêu thích tìm hiểu và kết nối các "điểm chung" độc đáo giữa thế hệ Gen Z và thế hệ cha ông để thấy được sự gắn bó, tính "liên quan" của lịch sử và đời sống hiện đại.
Theo các chuyên gia văn hóa, mặc dù có những thách thức, nhưng thái độ của Gen Z đối với di sản là tín hiệu mừng. Tương lai của bảo tồn di sản có thể phụ thuộc vào khả năng của Gen Z khi họ chia sẻ sự đam mê và kiến thức của họ với thế giới.