Đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng cho các tập đoàn, dự án sân sau

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật...
Thống đốc: Tín dụng bất động sản gặp khó khăn chủ yếu do yếu tố pháp lý Doanh nghiệp lo phải “bồi dưỡng” cho cán bộ ngân hàng mới được vay vốn

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản số 2275/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023, tại phiên họp thứ 23.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự báo từ nay đến cuối năm 2023 khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Do đó, để phần đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo kết luận của Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2023, Kết luận số 46-KL/TW của Bộ Chính trị về kinh tế vĩ mô và nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng cho các tập đoàn, dự án sân sau
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời; tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ; nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế giá trị gia tăng và linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng và dầu nhưng không làm giảm thu ngân sách; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường quản lý, giám sát, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức.

Cùng với đó, Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, xăng dầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi những bắt cập trong quy định về kinh doanh xăng dầu; rà soát, sửa đổi cơ chế giá điện cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tiếp tục giải quyết dứt điểm vấn đề kiểm định xe cơ giới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, người dân được thuận lợi, thông suốt...

Hậu Lộc
Phiên bản di động