Doanh nghiệp lo phải “bồi dưỡng” cho cán bộ ngân hàng mới được vay vốn
Ngoài các chỉ số chính, kết quả khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 cũng đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang mắc phải.
Kết quả khảo sát PCI 2022 cho thấy mức độ lạc quan của doanh nghiệp tư nhân trong nước sau đại dịch COVID-19 chỉ tăng nhẹ, với khoảng 35% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới so với mức 34% của năm 2021.
Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp là 10,7%, vẫn tiếp tục ở mức cao kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện.
Theo kết quả khảo sát, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận tín dụng. Cụ thể, trong năm 2022, tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.
Theo VCCI, việc doanh nghiệp có hay không có khoản vay từ các tổ chức tín dụng phụ thuộc trước hết vào việc liệu các doanh nghiệp này có nhu cầu vay hay không. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu vay nhưng lại gặp khó khăn khi tiếp cận vốn thì đây rõ ràng là vấn đề cần được tìm hiểu để có giải pháp phù hợp.
Khảo sát PCI 2022 cho thấy trở ngại lớn nhất là việc doanh nghiệp không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp (79,4%). Đáng lưu ý, một loạt các khó khăn tiếp cận tín dụng khác có dấu hiệu gia tăng đáng kể trong năm 2022.
Cụ thể, “các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân” (58,7%), tăng mạnh từ con số 41,8% của năm 2021); “thủ tục vay vốn phiền hà” (58,6% so với 46,2% năm 2021); tình trạng “doanh nghiệp phải ‘bồi dưỡng’ cho cán bộ tín dụng để vay vốn” (55,8% trong khi năm 2021 là 37,3%), và “cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp” (49,8% trong khi năm 2021 là 27,4%).
Ảnh minh họa. |
Với tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh thủ tục vay vốn còn nhiều phiền hà ở mức tương đối cao nêu trên, tận dụng dữ liệu thu được từ tên các ngân hàng, tổ chức tín dụng do doanh nghiệp cung cấp trong phiếu khảo sát, VCCI cũng đã thử tìm hiểu liệu có sự khác biệt trong đánh giá của doanh nghiệp về thủ tục vay vốn theo nguồn gốc sở hữu của ngân hàng hay không.
Kết quả thu được khá bất ngờ khi trung bình khoảng 61% doanh nghiệp đánh giá “thủ tục vay vốn phiền hà” trong năm 2022 có liên quan đến việc vay từ các ngân hàng tư nhân, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 36% đối với doanh nghiệp đi vay từ ngân hàng có vốn Nhà nước.
Như vậy, có thể các ngân hàng có vốn Nhà nước có dư địa tín dụng dồi dào hơn, do vậy các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay qua nhóm này trong năm vừa qua cũng thuận lợi hơn.
Do đó, theo VCCI, chúng ta sẽ cần có những nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân của hiện tượng này để có giải pháp phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay ngân hàng trong thời gian tới.
Về việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước qua các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Theo khảo sát của VCCI, có 29,5% doanh nghiệp có biết tới chương trình này song chỉ khoảng 2% doanh nghiệp cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Con số này tương đối thấp và khá sát với những phản ánh liên tục trên báo chí trong thời gian gần đây (khi tính đến cuối tháng 12/2022, số tiền lãi đã hỗ trợ mới đạt khoảng 135 tỷ đồng cho hơn 1700 khách hàng). Đáng lưu ý, có tới 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ này.
Khó đáp ứng điều kiện cho vay là rào cản chính khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa như kỳ vọng. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay và các ngân hàng thương mại, tiêu chí “có khả năng phục hồi” chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Mặt khác, Tờ trình số 151/TTr-NHNN ngày 20/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng phản ánh thực tế từ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cho thấy dù nhiều doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng họ cũng không chắc chắn doanh nghiệp mình đáp ứng tiêu chí “có khả năng phục hồi.”
Lý do là để có thể đáp ứng tiêu chí này thì nhiều chỉ số kinh doanh như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, triển vọng thị trường đều phải tích cực. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và áp lực lạm phát lớn thì việc đo lường các chỉ tiêu này và chứng minh đáp ứng được yêu cầu đủ để nhận hỗ trợ là một thách thức lớn.
Nhiều doanh nghiệp cũng e ngại phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp nhận hỗ trợ. Khảo sát PCI 2022 đã xác nhận trở ngại này, khi có tới 74,8% doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Bên cạnh đó, cũng có 12,3% doanh nghiệp phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục, 5,6% doanh nghiệp cho biết thời hạn cho vay ngắn và 7,5% doanh nghiệp gặp những khó khăn khác trong quá trình thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Trường hợp không thể vay vốn được từ các ngân hàng, các doanh nghiệp vẫn phải xoay sở từ các nguồn khác để có vốn kinh doanh. Năm 2022, 75,5% doanh nghiệp vay mượn từ người thân, bạn bè, tăng đáng kể so với con số 51% từng ghi nhận trong năm 2021; 24,3% doanh nghiệp tìm tới các nguồn khác như huy động từ cổ đông, vay từ doanh nghiệp khác hoặc cầm cố, bán tài sản của doanh nghiệp; tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ tổ chức tín dụng khác (như công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân) là 21%; khoảng 10,9% doanh nghiệp vay cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức trong năm 2022; đáng lo ngại hơn cả là có tới 12,5% doanh nghiệp đã phải xoay sang vay “tín dụng đen”.
Vấn đề tìm kiếm khách hàng là khó khăn lớn thứ hai của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong năm 2022, với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn là 55,1%.
Tiếp đến là khó khăn từ tác động của dịch bệnh COVID-19, song dấu hiệu tích cực là tỷ lệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã giảm xuống 34,1%, thấp hơn so với năm 2021. Năm 2021, có tới 67,4% doanh nghiệp phản ánh vấn đề này và đây là khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lớn thứ hai.
"Điều này cho thấy những tác động tiêu cực của đại dịch này vẫn đang dai dẳng đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam", báo cáo của VCCI nêu rõ.
Các khó khăn đáng chú ý khác gồm biến động thị trường (23,5%) và tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh (21,4%), có cải thiện so với năm 2021.
Một điểm đáng chú ý khác là chỉ 10,8% doanh nghiệp phản ánh đang gặp khó khăn về tuyển dụng nhân sự vào năm 2022, giảm mạnh so với con số 27,2% của năm 2021. Một mặt, đây là thông tin tích cực với nhiều doanh nghiệp khi nguồn cung lao động trên thị trường dồi dào hơn và họ dễ dàng hơn trong tuyển dụng nhân sự phù hợp.
Nhưng mặt khác, nó cũng phản ánh thực tế là trong năm vừa qua, không ít doanh nghiệp đã phải cho người lao động nghỉ việc do thiếu đơn hàng,6 điều này dẫn tới áp lực gia tăng lên người lao động trong tìm kiếm cơ hội việc làm.
Ngoài ra, một số khó khăn khác cũng có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp phản ánh trong năm 2022, như tìm kiếm nhà cung cấp (10,2%), biến động chính sách pháp luật (9,5%) và biến đổi khí hậu, thiên tai (9,3%).