“Cuộc đời của Nhựa” và thông điệp bảo vệ môi trường

“Cuộc đời của Nhựa” là tên dự án được điều phối và triển khai bởi 5 bạn sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Với mục tiêu góp tiếng nói thay đổi ý thức và hành vi sử dụng cho người tiêu dùng, dự án hướng tới một xã hội xanh với các sản phẩm thân thiện từ tự nhiên, giảm thiểu lượng rác thải nhựa.
Dạy học trò ý thức bảo vệ môi trường Bảo vệ, tôn trọng môi trường như chính ngôi nhà mình Hoa hậu Mỹ Linh thích thú trước ý tưởng vì môi trường của thiếu nhi Cách đơn giản để cha mẹ cùng con ‘sống xanh’
cuoc doi cua nhua va thong diep bao ve moi truong
Sự kiện “Hãy cho tôi rác” thu hút đông đảo người dân và các bạn trẻ tham gia

Thay đổi ý thức của cộng đồng

Ý tưởng dự án bắt đầu từ Mai Thương, sinh viên lớp Báo mạng điện tử, khoa Phát thanh Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Thương quan tâm tới việc sống xanh từ khi còn học trung học phổ thông nên đã tìm hiểu tới các biện pháp để giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Lên đại học, cô sinh viên có cơ hội tham gia nhiều workshop về môi trường nên càng có ý thức hơn, nhất là vấn đề rác thải nhựa.

“Khi mình trao đổi và khuyên các bạn khác nên dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế rác thải nhựa thì câu trả lời nhận được là: “Dùng ống hút nhựa thì sao”, “nó có liên quan gì đến mình đâu”… Câu trả lời khiến mình nhận ra rằng nên đóng góp tiếng nói vào việc thay đổi nhận thức của mọi người. Từ đó, họ mới có thể thay đổi hành vi trong việc bảo vệ môi trường. Ý tưởng dự án “Cuộc đời của Nhựa” đã ra đời từ đó” – Mai Thương kể.

Ý tưởng của Thương đã nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn trong lớp khác như: Hoàng Sơn, Nhật Linh, Ngọc Mai… Họ cùng chung tay xây dựng dự án chi tiết để cung cấp kiến thức về rác thải nhựa để thay đổi hành vi sử dụng của cộng đồng, nhất là người nội trợ và giới trẻ, hướng tới việc sống xanh và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Để hoàn thành các mục tiêu, các bạn trẻ tập trung vào phần việc đầu tiên là truyền thông để cộng đồng biết về thực trạng rác thải nhựa “phủ lấp” Trái đất hiện nay; tác hại của nó tới môi trường và sức khỏe con người. Theo các thành viên trong dự án, khi nói chuyện về môi trường, người ta luôn nghĩ rằng đó là việc của ai đó, “cha chung không ai khóc”. Tuy nhiên, khi họ nhận thấy ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chính sức khỏe của gia đình và bản thân thì mọi người sẽ ý thức hơn bởi không ai muốn bị bệnh.

Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, dự án còn đưa ra bộ công cụ để thay thế đồ dụng nhựa bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, họ cũng giới thiệu những cách hay để tái chế rác thải, giảm bớt sự lãng phí tài nguyên. Mặt khác dự án thay đổi nhận thức của mọi người bằng hành động. Trong đó, sự kiện “Hãy cho tôi rác” được tổ chức tháng tư vừa qua tại phố đi bộ Hồ Gươm đã thu hút gần 500 người dân trên địa bàn tham gia Hà Nội. Chỉ trong một ngày, Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều rác thải nhựa và rác thải điện tử từ người dân mang đến đổi lấy cây xanh, ống hút tre,... và nhiều phần quà thân thiện với môi trường khác.

Sống xanh

“Mệt nhưng chúng rất vui khi sự kiện nhận được sự quan tâm không chỉ của người lớn mà cả các em nhỏ. Có em kể với mình rằng, “ở trường cô dạy chúng em phải biết bảo vệ môi trường bằng những việc nhỏ như uống sữa xong phải cất vỏ hộp lại để tái chế. Hôm nay, em mang hộp sữa đi đổi lại những chậu cây về nên em rất thích. Em sẽ tiếp tục thu gom hộp sữa để môi trường xanh sạch đẹp hơn”. Chỉ thế thôi nhưng với chúng mình đó là niềm vui rất lớn” – Ngọc Mai, thành viên dự án chia sẻ.

Trang fanpage trên facebook của dự án với tên gọi “Cuộc đời của Nhựa” cũng thu hút hơn một nghìn người theo dõi. Rất nhiều người đã cải thiện ý thức sau khi tham gia dự án. Nhiều bạn còn chia sẻ, sau khi biết đến dự án, họ bắt đầu từ chối sử dụng đồ nhựa như: ống hút, cốc nhựa, túi nilon,... và cảm thấy bản thân trở nên tích cực, có ích hơn sau mỗi lần từ chối. Một người mẹ khác lại kể rằng, con của chị sau khi tham gia sự kiện “Hãy cho tôi rác” đã biết tái chế chai nhựa, lọ sữa thành hộp bút, chậu cây… Những câu chuyện thực tế đó đã được truyền tải và lan tỏa đến nhiều người để cùng hình thành lối sống xanh.

Điều đó chứng tỏ sức hút và thành công của dự án, bởi quá trong quá trình triển khai khó khăn lớn nhất với các bạn trẻ là làm sao để lan tỏa được với mọi người. “Trên thực tế, nhiều người nghĩ việc bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của họ. Vậy nên, chúng mình tập trung vào đối tượng là những người phụ nữ trong gia đình và giới trẻ. Người làm nội trợ thường sử dụng không ít túi nilon còn các bạn trẻ lại dành nhiều thời gian cho mạng xã hội nên dễ tiếp cận. Người trẻ cũng có nhu cầu chia sẻ thông tin rất cao nên khi vận động được họ thay đổi thói quen, chúng mình đã tạo ra được hiệu ứng rộng rãi. Từ đó, việc lan tỏa thông điệp nói không với rác thải nhựa, bảo vệ môi trường trở nên dễ dàng hơn” – Mai Thương cho biết.

Thương và các thành viên trong dự án đều là những người trẻ, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và có kiến thức về việc bảo vệ môi trường. Họ cũng ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường hiện nay nên cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn để lan tỏa những điều này tới cộng đồng. “Không phải bây giờ thì bao giờ, không phải những người trẻ chúng mình thì là ai?”, chính suy nghĩa này đã thôi thúc chúng mình đưa dự án đến với thật nhiều người. Đặc biệt, chúng mình muốn những người trẻ cùng chung sức nói không với rác thải nhựa, hình thành lối sống xanh để bảo vệ môi trường. Trong đó, vào tháng 5 này chúng mình sẽ tiếp tục tổ chức ngày hội tái chế rác thải để cùng lan tỏa dự án” – Nhật Linh nói.

* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động