Cử tri ngành giáo dục băn khoăn về tiền lương sau cải cách
Nhân dân lo lắng giá cả vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng |
Chia sẻ ý kiến tại phiên thảo luận chiều 23/5, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho biết, nhiều ý kiến của cử tri ngành giáo dục gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan về việc khi triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với nền giáo dục tới đây cần thực hiện theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính, sự nghiệp.
Đại biểu Dương Minh Ánh cho biết, kể từ khi có thông tin về cải cách chính sách tiền lương, dự thảo bảng lương cũng như các chính sách khi thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII năm 2018 về cải cách tiền lương, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thống.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội). |
Nữ đại biểu cho hay, trên một số báo mạng có đưa thông tin về bảng dự thảo trình Chính phủ về việc xây dựng chế độ tiền lương mới, việc phân cấp nhóm bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo.
Theo đại biểu Dương Minh Ánh, nhiều ý kiến cử tri ngành giáo dục cho rằng, cách tính lương như vậy chưa tương xứng với những công việc mà các nhà giáo được thụ hưởng, thậm chí còn thấp hơn so với lương hiện nay.
Nữ đại biểu cho rằng, điều này sẽ không tạo ra được động lực cống hiến cho các nhà giáo. Bên cạnh đó, việc tăng lương chưa thấy được thể hiện rõ trong bảng lương dự kiến mới.
Do đó, cử tri có 2 kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Thứ nhất, trước khi ban hành các bảng lương chính thức, Chính phủ cần có thông tin để các đối tượng được hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác, thấy được việc cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn, tránh để hoang mang cho đối tượng thụ hưởng, không yên tâm công tác.
Thứ hai, cần tính toán kế toán kỹ lưỡng khi giải quyết bài toán tăng lương với bài toán giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, làm sao để chính sách đi vào cuộc sống và tạo được sự đồng thuận của xã hội.