Có những vật chứng để lâu quá, mất giá trị, rất lãng phí
Bản án hình sự về xử lý vật chứng 200 tỷ đồng khiến doanh nghiệp "điêu đứng" |
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội chia sẻ như vậy khi thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, sáng 30/10.
Theo ông Nguyễn Hải Trung, việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết. Thực tế hiện nay Công an TP Hà Nội đang hàng ngày, hàng giờ phải quản lý, xử lý khối lượng vật chứng rất lớn, có những vật chứng từ nhiều năm nay gây lãng phí.
"Lãng phí thứ nhất là lãng phí chính giá trị tài sản của vật chứng. Có những tài sản để lâu quá, mất giá trị, bây giờ chủ phương tiện không thèm để ý đến, coi như bỏ luôn.
Trong khi đó, thanh lý không thanh lý được, hủy không hủy được, phải giữ khư khư vậy thôi, rất lãng phí", ông Trung nói.
Lãng phí thứ hai theo ông Trung là phải có kho vật chứng. Hiện nay Công an TP Hà Nội phải có kho vật chứng chung, các quận huyện phải có kho vật chứng của cơ quan điều tra cấp quận, huyện. Tuy nhiên, các quận nội thành lại không có đất để xây dựng kho vật chứng theo quy chuẩn.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội. |
Mặt khác, trong chương trình cải cách tư pháp, thành phố phải có kho vật chứng cả về hình sự, dân sự nhưng chưa có kho hoặc có nhưng không đáp ứng về diện tích, tiêu chuẩn.
Theo Giám đốc Công an TP Hà Nội, lãng phí thứ ba là phải bố trí người trông coi kho vật chứng. Theo quy định, việc quản lý trông coi là công an, xử lý tài sản lại là tòa án.
"Mới đây, chúng tôi đã nhận mấy chục tấn đất hiếm trong một vụ án nhưng và phải xây nhà tạm để lưu giữ. Dù là nhà tạm nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, tránh thất thoát mất mát. Trong khi đó để trông coi không chỉ 1, 2 người. Nếu đối chiếu với quy định mới nhất, đây là vấn đề rất vướng mắc, rất bất cập, rất khó khăn", Trung tướng Nguyễn Hải Trung nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội). |
Nhất trí việc ban hành Nghị quyết nhưng ông Trung cũng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết còn quá hẹp, chỉ áp dụng với một số vụ án của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực nên chưa đại diện được hết các vụ việc để rút ra cái chung.
“Theo tôi, sau khi triển khai thí điểm Nghị quyết phải tính toán mở rộng phạm vi điều chỉnh thậm chí phải ban hành luật. Hơn nữa, thời gian thí điểm 3 năm quá lâu, đã coi là điểm nghẽn thì phải khẩn trương giải quyết, tháo gỡ theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và Quốc hội”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nói.
Góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chỉ ra thực tiễn, cách đây không lâu Giám đốc một bệnh viện bị bắt giam, máy móc, thiết bị liên quan gần như bị đóng băng trong khi nhu cầu cần dùng hàng ngày rất lớn.
"Sự việc này đã gây ra chấn động trong xã hội. Nhìn số máy móc thiết bị nằm im, thật sự rất tiếc", đại biểu Trí nói.
Ông Nguyễn Anh Trí cũng chia sẻ từng chứng kiến nhiều bãi gỗ lớn là tang vật vụ án bị mục nát, phương tiện vi phạm giao thông bị thu giữ, nhiều người không đến lấy xe để lại gánh nặng lớn cho xã hội.
Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng việc ban hành Nghị quyết về xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự là cấp thiết.