Chuyện tình những người lính biên ải

Họ là những người lính trẻ chúng tôi gặp gỡ tại chương trình công tác của Hội Nhà báo Hà Nội đi các tình miền Tây Nam Bộ, thăm hỏi, giao lưu với các chiến sĩ
Những người “bố nuôi” vùng biên ải

Câu chuyện tình yêu của những chiến sĩ biên phòng khiến nhiều người xúc động, càng biết ơn nhiều hơn về sự cống hiến của các anh và sự hy sinh rất lớn lao của những người yêu, người vợ chiến sĩ miền biên ải

Người yêu em là lính…

Trung úy Đỗ Đại Thanh, cán bộ trạm kiểm soát Biên Phòng sinh năm 2000. Anh tốt nghiệp Học viện Biên Phòng và về đồn Biên Phòng Đất Mũi (Cà Mau) công tác.

Nhiệm vụ của Thanh và các chiến sĩ phối hợp với các lực lượng nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước về chủ quyền, an ninh vùng biển, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm.

Chuyện tình những người lính biên ải
Đoàn công tác Hội Nhà báo Hà Nội thăm Đất Mũi Cà Mau

Quê Phú Thọ, từ nhỏ sống với núi rừng, nhưng nay gắn bó với biển, với tàu thuyền, Thanh bảo, nhờ sự quan tâm, chỉ dẫn tận tình của những người như cha, chú nên những bỡ ngỡ ban đầu cũng dần qua đi. Đặc biệt, cách nhà gần 2 nghìn km, từ ngày đến nhận công tác Thanh được đơn vị tạo điều kiện thăm gia đình một lần.

Chuyện tình những người lính biên ải
Đại diện Báo Tuổi trẻ Thủ đô tặng quà các gia đình khó khăn tỉnh Cà Mau

Tháng 11/2022, nhân ngày cuối tuần, Thanh xin phép đơn vị đi lên TP Cà Mau thăm bạn, tiện thể nhổ chiếc răng mọc lệch. Không ngờ chuyến tình cờ khám răng này, Thanh quen cô bác sĩ nha khoa. Chàng lính trẻ đẹp trai nhanh chóng chiếm được cảm tình của cô bác sĩ. Thanh cho biết, thời gian đầu, do chưa hiểu nhau nhiều, bạn gái cũng thi thoảng giận dỗi vì không kịp trả lời tin nhắn, điện thoại hoặc ngày lễ, tết, Thanh phải trực không có nhiều thời gian.

“Phải qua 1 thời gian dài bạn ấy mới hiểu được công việc của người lính. Giờ thì mình chỉ còn chờ đợi ngày hai đứa lên xe hoa. Tình yêu đã lớn dần theo năm tháng. Mình hạnh phúc khi cô ấy thường nói: Người yêu em là lính nên em đâu đòi hỏi gì quá nhiều” – Thanh tâm sự.

Anh yêu vợ rất nhiều…

Thiếu tá Ngô Văn Lẹ sinh năm 1983, hiện là Đội trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm Đồn Biên Phòng Tây Yên (Kiên Giang). Anh là người con đồng bào dân tộc Khmer. Bố mẹ làm nông, nhà đông anh em, Học xong THPT, Lẹ đăng ký đi nghĩa vụ quân sự.

Những ngày đi huấn luyện, được cán bộ hướng dẫn và có chính sách ưu tiên người dân tộc thiểu số đi học, Lẹ được chọn. Những ngày tháng xa nhà, ra Hà Nội học, hơn 5 lần đi học cả lớp ngắn hạn, dài hạn, nhưng chỉ có 2 lần Lẹ được về quê thăm nhà. Suốt quãng thời gian đi học, từng có cơ hội quen biết nhiều người, nhưng Lẹ không bao giờ nghĩ tới chuyện yêu đương, lấy vợ xa nhà, bởi lẽ luôn quan niệm: Mình là lính.

Chuyện tình những người lính biên ải
Bộ đội biên phòng tuần tra biên giới

Năm 2013, Lẹ cưới vợ là cô kế toán trường mầm non gần nhà. Là người địa phương nên khá hiểu nhau từ tính cách đến công việc. Chia sẻ về thời gian đầu lập gia đình, Lẹ cho hay: Khi mới lập gia đình, mình đang công tác tại Tiền Hải, huyện Hà Tiên, Kiên Giang. Mỗi lần về thăm vợ phụ thuộc vào tàu. Tàu đi ngày 2 chuyến, nhưng nếu thời tiết mưa, bão, sóng lớn hoặc không kịp xe đò thì không về được. Hiện nay, mặc dù cách đơn vị 30 km, nhưng mỗi năm Lẹ chỉ được về phép một lần, những dịp gia đình có việc ma chay, hiếu hỷ thì đơn vị sẽ tạo điều kiện thêm. “Nhiều khi thấy những ngày lễ, những ngày con ốm đau, một mình vợ vừa là cha, vừa là mẹ chăm con, mình chỉ muốn gọi to: Vợ ơi, anh yêu vợ rất nhiều”. Chàng lính trẻ chia sẻ.

Con mình lớn lên cũng sẽ là người lính

Đó là tâm sự của chàng lính trẻ Đinh Trung Hậu (Đồn Biên phòng Tây Yên, tỉnh Kiên Giang).

7 năm công tác tại Đồn Biên phòng Tây Yên cũng là 7 năm chiến sĩ cùng đồng đội gánh vác trên vai nhiều nhiệm vụ quan trọng, nơi đầu sóng, ngọn gió.

Tây Yên là đồn biên phòng đóng quân địa bàn có đặc thù nhiều cửa sông, cửa lạch. Đặc biệt nơi này còn có cửa sông Cái Lớn, cửa ra vào cảng cá Tắc Cậu, nơi tập trung nhiều phương tiện đánh bắt có công suất, kích thước lớn. Thời gian qua tình hình chủ tàu cá, thuyền trưởng vẫn lén lút đưa tàu đi khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài và thực hiện các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp khác với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là mặt hàng dầu vẫn diễn ra rất phức tạp. Chính vì thế nhiệm vụ của người lính trở nên rất nặng nề.

Chuyện tình những người lính biên ải

Trung úy Đinh Trung Hậu còn được giao thêm nhiệm vụ đấu tranh chống lại tội phạm ma túy. Anh cùng đồng đội đã nhiều lần triệt phá thành công hoạt động buôn bán ma túy trên địa bàn đóng quân.

Nhà cách đơn vị 200 km, sau khi lập gia đình, anh đưa vợ con từ quê Gò Công, Tiền Giang về Kiên Giang. Nhà gần đồn hơn nhưng Trung úy Hậu luôn ưu tiên hoàn thành mọi công việc trước mỗi lần được phép về thăm nhà. “Vợ mình vẫn dặn cứ lo làm tròn mọi công việc ở đơn vị, mọi việc ở nhà cô ấy sẽ đảm đương, chính vì thế mình luôn yên tâm công tác. Mình yêu đồn, yêu công việc của người chiến sĩ biên phòng nên nếu sau này con mình muốn trở thành một người lính, mình cũng rất sẵn lòng ủng hộ”, Hậu chia sẻ trong niềm tự hào của người lính mang quân hàm xanh.

Em phải cố gắng nhé, vì anh là lính…

Đó còn là câu chuyện rất cảm động về một chàng lính trẻ - Chiến sĩ Bùi Duy Tiến. Anh hiện cũng đang công tác tại đồn biên phòng Tây Yên. Tiến sinh ra và lớn lên tại Nghệ An. Học xong đại học được phân công về Tây Yên công tác.

Năm rồi, tranh thủ chuỗi ngày nghỉ phép Tiến lập gia đình ở quê hương. Dù vậy, từ khi kết hôn vào tháng 1/2023, tới nay, Tiến vẫn chưa có dịp về lại thăm nhà, thăm người vợ mới cưới. Tổng cộng, từ khi ngỏ lời yêu, đến khi làm đám cưới, 2 bạn trẻ chỉ vẻn vẹn ở bên nhau 35 ngày, một lần nghỉ phép.

Chuyện tình những người lính biên ải
Những người lính quân hàm xanh dạy các em nhỏ học tập

Nói về chuyện gia đình, chàng trai Nghệ An có nước da sạm đen vì nắng gió miền Tây tâm sự: “Vợ mình khá thiệt thòi, bà xã đang mang bầu em bé và cô ấy như vừa phải làm cha, vừa làm mẹ. Mình rất trân trọng điều này. Công tác xa nhà, mình cũng khó có thể chăm sóc bố mẹ hai bên. Tuy vậy, cả bố mẹ cùng vợ và con đều trở thành hậu phương vững chắc để mình yên tâm công tá”. Và mỗi lần nhắn tin hay gọi điện cho vợ Tiến vẫn thường dặn dò: Em luôn nhớ phải cố gắng nhé, vì anh là lính…

Anh Vũ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động