Chính sách mới sẽ tôn vinh những cống hiến của đội ngũ nhà giáo
Ngành giáo dục được chủ động tuyển dụng nhà giáo Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà giáo |
Sáng 20/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Đội ngũ thầy cô giáo đang chờ đợi rất nhiều
Trước phiên thảo luận, trao đổi với báo chí, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho rằng cần có chính sách khuyến khích nhà giáo làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo bà Hà, Đảng ta luôn xác định, cùng với khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Nhà giáo tại đợt 1, kỳ họp thứ 8, Tổng Bí thư Tô Lâm đã quán triệt một số chủ trương, chính sách cần triển khai trong dự án luật.
Theo đó, việc đầu tiên khi nhắc đến đào tạo là nhắc đến vai trò của người thầy, do đó xây dựng Luật Nhà giáo không chỉ là quy định những nội dung trước đây chưa quy định, mà cần vươn lên tầm mới, xác định vai trò quan trọng của người thầy - chủ thể chính của dự án luật.
"Khi tham gia Luật Nhà giáo, tôi không chỉ kỳ vọng luật được ban hành mà luật cần phải giải quyết thật tốt mối quan hệ thầy - trò, là mối quan hệ chủ đạo trong môi trường giáo dục đào tạo, có trò thì phải có thầy, mà đã có trò, có thầy thì phải có trường. Không thể quy hoạch, quản lý mà không có trường được", bà Hà chia sẻ.
Cũng theo bà Hà, việc xây dựng Luật Nhà giáo phải xác định người thầy là một nhà khoa học, phải có chuyên môn rất sâu trong từng lĩnh vực giảng dạy, là chiếc “máy cái” để đào tạo ra thế hệ tương lai của đất nước, người thầy phải luôn tìm tòi, nghiên cứu cái mới vì khoa học và tri thức là không dừng lại.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh). |
Dự thảo luật cần có chính sách vừa cụ thể, vừa bao quát, khuyến khích cho nhà giáo làm việc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vì tại đây thầy cô giáo không chỉ dạy học mà còn phải dỗ dành, động viên học sinh đến trường.
Tuy nhiên, những chính sách đã được thực hiện với đội ngũ nhà giáo chưa thực sự tương xứng với những cống hiến mà thầy, cô giáo đã làm, nhất là với những khu vực còn nhiều khó khăn.
Đại biểu nhắc lại ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Đội ngũ thầy cô giáo đang chờ đợi rất nhiều, do vậy khi xây dựng Luật Nhà giáo cần có các quy định tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy, tránh tình trạng sau khi luật ban hành lại khó khăn hơn trong việc chấp hành các quy định của luật”.
Nữ đại biểu bày tỏ quan tâm đến việc xác lập các quy định đối với nhà giáo ngoài công lập; nhà giáo được chuẩn hóa thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yếu tố riêng biệt gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo; việc tuyển dụng nhà giáo đảm bảo phải có thực hành sư phạm nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.
Về chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo thông qua quyền và những điều không được làm đối với nhà giáo; thu hút, trọng dụng người có trình độ cao, người có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt, người có kỹ năng nghề cao làm nhà giáo; nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; về chính sách tiền lương và đãi ngộ…
Nhà giáo cần phải được bảo vệ
Cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề nghị khi nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú cần vinh danh tại nơi cư trú của nhà giáo. Đây vừa là động lực cho nhà giáo vừa để nhà giáo giữ gìn hình ảnh người thầy phù hợp với danh hiệu của mình.
Đặc biệt, ông Cảnh cho biết, thời gian gần đây đôi lúc xảy ra việc phụ huynh hành hung giáo việc hoặc học sinh xúc phạm thầy cô làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, ảnh hưởng đến truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Điều 11 của dự án luật cần bổ sung quy định những điều phụ huynh, học sinh không được làm đối với nhà giáo.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định). |
"Khi thầy cô vượt quá giới hạn cho phép, phụ huynh và người học cũng không được giải quyết mâu thuẫn trực tiếp với nhà giáo mà phải thông qua nhà trường, Ban đại diện phụ huynh, cơ quan Nhà nước", ông Cảnh nói.
Về Điều 9 quy định về nghĩa vụ của nhà giáo, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị điều chỉnh thành nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà giáo; đối với một số trách nhiệm của nhà giáo, cần bổ sung nội dung có sự phối hợp của phụ huynh và người học.
Vì vậy, tại khoản 2 Điều 11 quy định về những việc nhà giáo không được làm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, cần bổ sung một nội dung là nhà giáo không được truyền đạt những kiến thức mà mình không hiểu rõ. Để thầy cô không vi phạm lỗi này thì cũng cần bổ sung vào điểm a, khoản 2, Điều 8 quy định về quyền của nhà giáo là được từ tối giảng dạy những nội dung chưa được giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.
Quan tâm đến vấn đề tuyển dụng nhà giáo, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, quy định tại Điều 16 đã thể hiện quyền chủ động của ngành giáo dục.
Theo bà Tú Anh, luật đã trao cho ngành giáo dục quyền chủ động trong việc tuyển dụng và sử dụng nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có vai trò quan trọng trong xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển và quản lý tổng biên chế nhà giáo. Các bộ này cũng có trách nhiệm điều phối biên chế nhà giáo cho các cơ sở giáo dục công lập.
Còn các cơ sở giáo dục có quyền chủ trì trong việc tuyển dụng nhà giáo hoặc phân cấp, ủy quyền. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, việc tuyển dụng nhà giáo phải đảm bảo có thực hành sư phạm và người được tuyển phải đáp ứng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo.
Nữ đại biểu đoàn Lâm Đồng cho biết, điểm mới của dự thảo Luật Nhà giáo lần này là đã tạo điều kiện cho ngành giáo dục có sự chủ động trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách về nhân sự, giúp đáp ứng linh hoạt nhu cầu của từng địa phương và từng cấp học.
Trong đó, việc yêu cầu thực hành sư phạm và đáp ứng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo cho thấy Nhà nước quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đảm bảo quá trình dạy và học đạt hiệu quả cao. Đồng thời, việc quy định rõ ràng về cơ quan chủ trì, thẩm quyền quyết định và các tiêu chí tuyển dụng giúp quá trình tuyển dụng trở nên minh bạch và công bằng hơn.