Các ngân hàng phải báo cáo kết quả cam kết giảm lãi suất cho vay

Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các nhà băng báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới...
Ngân hàng Nhà nước cần được trao thêm quyền khi xử lý nhà băng yếu kém Can thiệp sớm, xử lý ngân hàng yếu kém sẽ giảm thiểu rủi ro cho hệ thống Quyết liệt chỉ đạo để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8/2023.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng phải báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới gửi tổ chức tín dụng trước ngày 8/1/2024.

Các ngân hàng phải báo cáo kết quả cam kết giảm lãi suất cho vay
Ảnh minh họa.

Trước đó, trong nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 7/2023, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp tình hình.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ vay; chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Bên cạnh đó,Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, bảo đảm kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi; định kỳ hằng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.

Báo cáo của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú với Chính phủ mới đây cho thấy, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm cho các loại trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng cao và neo ở mức cao.

Điều đó tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.

Qua sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã cùng với các ngân hàng thương mại cũng đã trao đổi cũng như tìm nhiều giải pháp để giảm chi phí và các ngân hàng thương mại cũng đã giảm lãi suất, đến nay, mức lãi suất trung bình giảm của ngân hàng thương mại giảm từ 1,5 - 2% tùy theo từng loại.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ từ tháng 4/2023, thực hiện bằng nguồn lực của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.

Tính đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022. Với tác động của độ trễ chính sách, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Hậu Lộc
Phiên bản di động