Can thiệp sớm, xử lý ngân hàng yếu kém sẽ giảm thiểu rủi ro cho hệ thống
Chống thao túng ngân hàng: Giải pháp giảm tỷ lệ sở hữu lúc này không phù hợp Vốn ngân hàng vào bất động sản lại lo thêm rào cản |
Trong báo cáo cập nhật vừa công bố, nhóm phân tích của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, khu vực ngân hàng tiếp tục phải đối mặt với thách thức trong nửa đầu năm 2023. .
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng vào tháng 6/2023 giảm xuống còn 7,8% so cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước ở mức 14,0% cho cả năm.
Xu hướng trên phản ánh nhu cầu tín dụng và hoạt động đầu tư đang yếu đi do hoạt động kinh tế bị suy yếu. Mặc dù tăng trưởng tín dụng giảm, nhưng tỷ lệ gộp dư nợ cho vay trên tiền gửi vẫn ở mức trên 100%,đồng thời bất cân đối về kỳ hạn trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng vẫn đang gây quan ngại.
Mặc dù hệ số an toàn vốn bình quân của khu vực ngân hàng (11,4% vào năm 2022) vẫn cao hơn mức an toàn tối thiểu, nhưng mức đệm dự phòng vốn tại một số ngân hàng thương mại quốc doanh lớn và ngân hàng tư nhân nhỏ còn thấp, cho nên năng lực hấp thụ các cú sốc hoặc nợ xấu gia tăng còn hạn chế. Trong khi đó, nợ xấu tăng từ 1,9% trong tháng 12/2022 lên 2,9% trong tháng 3/2023.
Ảnh minh họa. |
Nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng và giải quyết áp lực trên bảng cân đối của khu vực ngân hàng, các cấp có thẩm quyền đã thông qua chính sách hỗ trợ, bao gồm tái ban hành quy định về tái cơ cấu thời hạn trả nợ.
Trong tháng 3/2023, Chính phủ ban hành quy định cho phép tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp và tạm hoãn thi hành các quy định bổ sung về phát hành được ban hành trước đó, qua đó làm giảm áp lực ngắn hạn cho bên vay và loại bỏ khó khăn trong việc đảo nợ những trái phiếu đáo hạn.
Trong tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước tái ban hành các biện pháp tái cơ cấu thời gian trả nợ (trước đó đã được áp dụng lần đầu trong giai đoạn đại dịch cho đến tháng 6/2022).
Theo nhóm chuyên gia của World Bank, các yếu tố căn bản của khu vực tài chính cần được cải thiện theo một số hướng nhằm nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng.
Mặc dù các biện pháp như cắt giảm lãi suất, nới lỏng hạn chế về thanh khoản, tái cơ cấu thời hạn trả nợ và nhóm nợ giúp xử lý những khó khăn trên thị trường tín dụng trong ngắn hạn, nhưng cũng có thể làm tăng nợ xấu và tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi, làm dấy lên quan ngại về bất cân đối kỳ hạn trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng.
Trong trung hạn, cải cách cơ cấu có vai trò hết sức quan trọng để xử lý những rủi ro tài chính phát sinh và định vị để khu vực này phát triển bền vững. Tăng cường hệ số an toàn vốn ngân hàng là cách để đảm bảo đủ vốn nhằm hấp thụ thua lỗ có thể xảy ra đồng thời duy trì ổn định khi phải đối mặt với các cú sốc kinh tế.
Mặt khác, việc tăng cường cơ chế thể chế về giám sát an toàn, can thiệp sớm, xử lý các ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng là cách để giúp các cấp có thẩm quyền theo dõi và can thiệp hiệu quả những tổ chức tài chính có vấn đề, ngăn ngừa khủng hoảng leo thang và giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Bên cạnh đó, cơ chế chặt chẽ về xử lý các ngân hàng yếu kém có vai trò hết sức quan trọng để tạo điều kiện xử lý có trật tự các ngân hàng mất khả năng trả nợ, bảo vệ người gửi tiền và bảo đảm ổn định tài chính.
Theo nhóm chuyên gia của World Bank, trong bối cảnh lạm phát giảm và tăng trưởng yếu đi, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ từ giữa tháng 3/2023. Đến cuối quý II/2023, lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước được điều chỉnh lần lượt ở mức 3 và 4,5%, giảm 150 - 200 điểm cơ bản thông qua bốn đợt cắt giảm lãi suất chính sách từ tháng 3 đến tháng 6/2023. Trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên cũng được điều chỉnh giảm với quy mô tương tự nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cung cấp vốn vay mới, rẻ hơn, cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp Tuy nhiên, việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng chính sách tài khóa có thể được thực hiện song hành với việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng dư địa để nới lỏng thêm không còn nhiều. Nguyên nhân là nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục ở mức thấp mặc dù lãi suất đã giảm, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đã đem lại hiệu ứng mong muốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá. Nỗ lực chuyển hướng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, như các đề án gần đây về hỗ trợ nhà ở xã hội hoặc bất động sản công nghiệp, nên được cân đối và cân nhắc nhằm đảm bảo hiệu suất phân bổ tín dụng |