Ngân hàng Nhà nước cần được trao thêm quyền khi xử lý nhà băng yếu kém

Nhiều ý kiến cho rằng cần trang bị cho Ngân hàng Nhà nước thẩm quyền triển khai một loạt các phương án xử lý, đồng thời thiết lập cơ chế chặt chẽ về nguồn vốn dùng để xử lý các ngân hàng yếu kém...
Can thiệp sớm, xử lý ngân hàng yếu kém sẽ giảm thiểu rủi ro cho hệ thống Quyết liệt chỉ đạo để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất ACB giới thiệu Apple Pay đến khách hàng

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank), việc có được hệ thống tài chính hiện đại phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và thông lệ tốt trên quốc tế là điều kiện ban đầu để Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Việt Nam hiện đang tiến hành sửa Luật Các tổ chức tín dụng, bởi hiện nay luật có những bất cập lớn, gây trở ngại đến khả năng của Ngân hàng Nhà nước trong việc giám sát đầy đủ các ngân hàng và tập đoàn tài chính, duy trì ổn định tài chính và bảo vệ người gửi tiền.

Kể từ lần sửa đổiLuật Các tổ chức tín dụng vào năm 2017, quy mô các ngân hàng và tập đoàn tài chính đã trở nên lớn hơn và hoạt động phức tạp hơn. Các tổ chức ban hành chuẩn mực quốc tế và các quốc gia Đông Nam Á cũng đã sửa đổi khung pháp lý của họ để lồng ghép trong đó những bài học đúc rút từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các chuyên gia của World Bank cho rằng, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là cơ hội để tăng cường thẩm quyền theo pháp luật của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước và giám sát ngân hàng, nhằm tăng cường tính độc lập trong hoạt động và cải thiện các chức năng và thẩm quyền giám sát ngân hàng, đồng thời hình thành nên khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện xử lý các ngân hàng yếu kém không còn khả năng tồn tại để đảm bảo tính ổn định của hệ thống tài chính và giảm thiểu các chi phí của tài chính công.

Ngân hàng Nhà nước cần được trao thêm quyền khi xử lý nhà băng yếu kém
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước.

Nêu một số đề xuất khi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, nhóm chuyên gia của World Bank cho rằng cần tạo thuận lợi giám sát các tổ chức tài chính dựa trên rủi ro, theo phương thức hợp nhất ở phạm vi tập đoàn tài chính để thúc đẩy giám sát các tổ chức và tập đoàn tài chính theo hướng dự báo.

Đồng thời cần tăng cường chính sách an toàn vĩ mô, bao gồm về thẩm quyền, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Nhà nước nhằm hoạch định, triển khai và giám sát các chính sách an toàn vĩ mô.

Bên cạnh đó, cần tạo thuận lợi cho các ngân hàng lập kế hoạch phục hồi bằng cách trao quyền để Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng lập, duy trì và định kỳ kiểm tra kế hoạch phục hồi nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng đó chủ động ứng phó tình trạng căng thẳng phát sinh.

Cùng với đó, cần xử lý các ngân hàng yếu kém thông qua pháp luật, chính sách và thủ tục chặt chẽ về xử lý và tạo điều kiện để ngân hàng phục hồi, cũng như cơ chế đảm bảo an toàn tài chính liên quan (bao gồm bảo hiểm tiền gửi và hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp).

Các chuyên gia của World Bank cũng đề xuất, các tổ chức tài chính mất khả năng trả nợ cần được quản lý theo cách nhằm duy trì tính liên tục của các hệ thống tài chính quan trọng và đảm bảo ổn định tài chính, đồng thời đảm bảo các cổ đông và chủ nợ lớn phải chịu tổn thất công bằng theo tỷ lệ.

Cải cách còn bao gồm giao cho Ngân hàng Nhà nước thẩm quyền xử lý ngân hàng yếu kém, quy định về bộ tiêu chí rõ ràng để đưa vào xử lý, trang bị cho Ngân hàng Nhà nước thẩm quyền triển khai một loạt các phương án xử lý, đồng thời thiết lập cơ chế chặt chẽ về nguồn vốn dùng để xử lý.

Chuyên gia của World Bank cũng đề xuất thay thế cơ chế cho vay đặc biệt cho các tổ chức tài chính bằng cơ chế nhằm trao quyền để Ngân hàng Nhà nước cung cấp hỗ trợ thanh khoản cho một tổ chức tài chính theo các điều kiện chặt chẽ rõ ràng ngay từ đầu, và không yêu cầu các tổ chức tín dụng khác phải cung cấp khoản vay cho tổ chức tài chính rơi vào tình trạng khó khăn.

Theo nhóm chuyên gia của World Bank, sửa luật cũng cần nâng cao tính độc lập trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, cùng với tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình, sao cho công tác quản lý nhà nước và giám sát các tổ chức tài chính được thực hiện công bằng và trung lập, không can thiệp bất hợp lý.

Hậu Lộc
Phiên bản di động