Bảo vệ môi trường với hội chợ Sống xanh
“Hành trình thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” góp phần bảo vệ môi trường “Cuộc đời của Nhựa” và thông điệp bảo vệ môi trường Triển lãm ảnh "Tái sinh" - thông điệp bảo vệ môi trường |
Hội chợ được tổ chức nhằm nâng cao ý thức của các bạn sinh viên trong việc bảo vệ môi trường. Đây cũng là hoạt động năm trong khuôn khổ Ngày hội Câu lạc bộ Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2019.
Hội chợ là một điểm đến vô cùng hấp dẫn vào dịp cuối tuấn cho các bạn trẻ. Tại đây, Ban tổ chức không chỉ truyền thông về bảo vệ môi trường mà còn bày bán trực tiếp các sản phẩm sáng tạo từ giấy vụn và những vật liệu cũ đã qua sử dụng, khuyến khích các thực hành sống xanh, tiết kiệm, hạn chế rác thải nhựa. Những sản phẩm này đã được thành viên các câu lạc bộ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội lên ý tưởng và chế tạo rất công phu, tỉ mỉ từ nhiều tuần trước đó.
Nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường được bày bán tại hội chợ |
Bên cạnh việc bày bán các mặt hàng góp phần bảo vệ môi trường, các đơn vị tham gia còn tổ chức nhiều dịch vụ hấp dẫn: chụp ảnh, trải nghiệm các thí nghiệm khoa học, đổi đồ cũ… với mong muốn xây dựng một sân chơi bổ ích, lành mạnh tới tất cả các bạn sinh viên trong toàn Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bạn Nguyễn Thiên Hương, sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Tham gia hội chợ “Sống xanh”, mình được tực tiếp được tham quan trải nghiệm, lựa chọn cho mình những sản phẩm handmade phù hợp và thân thiện với môi trường. Những sản phẩm này sẽ giúp không gian sống của mình trở nên xinh đẹp và trong lành hơn”.
Với bạn trẻ Nguyễn Thùy Dung, trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) hội chợ chính là cơ hội để học hỏi, tái chế phế liệu. “Từ những vật liệu như chai, lọ, thìa nhựa… mình có thể tái chế thành hộp bút, chậu hoa… Hoạt động này không chỉ góp phần hạn chế rác thải nhựa mà còn có thêm cây xanh trang trí nơi ở, làm việc” – Nguyễn Thùy Dung cho biết.
Cũng theo cô bạn này, ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải nhựa đang trở thành vấn đề nóng trên toàn thế giới. Muốn giải quyết vấn đề này phải bắt đầu từ mỗi cá nhân. Nếu mỗi người đều có ý thức giữ gìn môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần… sẽ góp phần vào việc bảo vệ môi trường.
“Mình không chỉ hạn chế sử dụng túi nilon, tái chế rác thải mà còn tuyên truyền tới người thân và bạn bè. Mình tin qua những việc làm thiết thực, lối sống xanh sẽ được lan tỏa trong cộng đồng”, Nguyễn Thùy Dung chia sẻ thêm.
* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019 |