Bài 4: Giọt máu nghĩa tình của những tấm lòng cao quý
Thơm thảo những tấm lòng ở quán cơm chỉ 2.000 đồng/suất Tấm lòng của những người dân bàn giao đất trước khi nhận đền bù |
Vượt qua chính mình
Chị Bùi Minh Thu, 43 tuổi, là một luật sư tại Hà Nội đã có 18 lần hiến máu tình nguyện. Chị bày tỏ: “Mình muốn giúp những người bệnh có nguồn máu để chữa bệnh. Vậy nên, mình thường tham gia hiến máu định kỳ hàng năm do phường tổ chức, ngoài ra còn trực tiếp hiến tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, các điểm hiến máu lưu động”.
Lần đầu tiên trong đời chị Minh Thu đi hiến máu tình nguyện là tại điểm hiến máu lưu động trước cổng trường Đại học Thương mại cách đây gần 10 năm. Chị kể: “Mình là người rất sợ kim tiêm nên trước đó không bao giờ nghĩ sẽ đi hiến máu. Tuy nhiên, thời điểm ấy vừa bước sang năm mới. Mình muốn làm một điều gì đó để đánh dấu tuổi mới và vượt qua chính mình, thế nên, quyết định hiến máu. Buổi đầu hiến máu và ngay cả những lần tiếp theo, cho tới bây giờ mình chưa bao giờ dám nhìn bác sĩ cắm, rút kim tiêm hay kiểm tra trước khi hiến máu”.
Chị Bùi Minh Thu |
Nữ luật sư cho rằng, hiến máu nhân đạo là việc làm rất nhân văn, thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu của cộng đồng đối với những người bệnh cần máu trong điều trị. Chị Minh Thu cảm thấy vui vì đã có thể làm được một việc thiết thực, ý nghĩa cho cộng đồng. Mỗi lần hiến máu xong, theo dõi lịch sử hiến máu thấy ngày hôm sau những giọt máu đã được dùng để điều trị cho người bệnh, chị xúc động, hạnh phúc lắm.
Chàng trai Nguyễn Tiến Trung (sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường), hiện là tình nguyện viên của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Tính đến nay, chàng trai hiến máu tình nguyện được 10 lần.
Trung chia sẻ, bản thân cậu là một tình nguyện viên làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động hiến máu và thường xuyên tiếp xúc với các bệnh nhi tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nên càng hiểu thêm về hiến máu tình nguyện. Đó là việc rất nên làm.
Bạn Nguyễn Tiến Trung |
Chàng sinh viên thường hiến máu ở các chương trình lớn và sự kiện của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội cùng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tổ chức như: Lễ hội Xuân hồng, Mùa hè nhân ái, Giọt hồng tri ân, Trái tim tình nguyện và các điểm hiến máu cố định.
“Lần hiến máu đầu tiên của mình cách đây 4 năm, lúc vừa tròn 18 tuổi. Được một người bạn vận động tham gia hiến máu, mình đã tham gia ở điểm hiến máu cố định tại số 122 Đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội). Ban đầu mình cũng do dự không dám đi vì chưa biết được hiến máu như thế nào nhưng cuối cùng cũng đồng ý và từ đó thành quen”, Trung cho biết.
Gương sáng lan tỏa nghĩa cử cao đẹp
Lần đầu tiên hiến máu, Nguyễn Tiến Trung thấy quy trình hiến máu tình nguyện rất thuận tiện và nhanh. Khi hiến máu xong, chàng sinh viên cảm thấy thoải mái, tự hào, vì bản thân khoẻ mạnh, lại có thể cứu giúp những người bệnh cần máu, khó khăn. Hiện nay, Trung vẫn duy trì đều đặn cứ khoảng 85-90 ngày là đi hiến máu tình nguyện một lần. Bên cạnh đó, cậu còn tích cực trong vai trò phụ trách phong trào thanh niên vận động hiến máu tại khu vực quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, huyện Hoài Đức (Hà Nội).
“Nhận thức được ý nghĩa cao cả của hiến máu tình nguyện, mình cho rằng “một lần hiến máu, giúp được 3 người”. Hiến máu hiện tại đang phát triển dần ở cộng đồng, mình muốn phong trào được lan toả rộng rãi hơn nữa, để lượng máu an toàn từ hiến máu tình nguyện luôn duy trì, đảm bảo dùng cho cấp cứu, điều trị”, Trung bày tỏ.
Chị Hà Hồng Tú |
Chị Hà Hồng Tú làm kinh doanh tại phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng không ngần ngại hiến máu cứu người, chỉ với suy nghĩ muốn được cứu sống những người bệnh. Hằng năm, chị hiến máu theo phong trào của Hội Chữ thập đỏ và có những lần tự đi hiến tại điểm hiến máu tình nguyện của quận Hoàn Kiếm ở địa chỉ số 28 Lương Ngọc Quyến. Chị còn tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, bạn bè, cũng như bà con tại tổ dân phố tham gia.
Chị Nguyễn Thị Kim (trú tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) từng bị tai nạn, cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và cần tiểu cầu máu nhóm B để điều trị. Chị đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời của những người tình nguyện hiến máu và vượt qua cơn nguy kịch. Xúc động, cảm ơn ân nhân của mình, chị Nguyễn Thị Kim bày tỏ: “Hành động cao đẹp của các anh, chị đã trao lại một lần cuộc sống cho tôi. Tôi vô cùng biết ơn, khắc ghi trong lòng sự giúp đỡ của ân nhân. Tôi muốn gửi tới các anh, chị - những tấm lòng bình dị mà cao quý lời biết ơn chân thành, sâu sắc. Chúc các anh, chị luôn dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và giúp đỡ thêm được nhiều người bệnh cần máu”. |
“Lần đầu tiên đi hiến máu, cảm giác rất hạnh phúc vì mình đã làm được một việc ý nghĩa. Từ sâu trái tim, mình mong rằng những giọt máu của bản thân sẽ giúp một bệnh nhân nào đó qua cơn nguy kịch và được khoẻ mạnh trở về với cuộc sống. Lần đầu rất nhiều cảm xúc, sau đó mình như “ngộ ra” và thấy rất tiếc rằng tại sao không biết sớm hơn để cống hiến, chia sẻ được nhiều hơn”, chị Hà Hồng Tú trải lòng.
Nhớ lại kỷ niệm lần đầu đi hiến máu do sức khoẻ không đạt yêu cầu nên chị không được hiến. Lúc đó, chị Tú rất buồn. Chị trở về nhà tự điều chỉnh lại chế độ ăn uống, chăm sóc bản thân, quyết tâm lần sau đạt tiêu chuẩn hiến máu.
Chị Hà Hồng Tú bày tỏ: “Mình nhận thấy ý nghĩa của việc hiến máu với cộng đồng và chính bản thân. Điều đầu tiên đó là một việc làm nhân văn, cứu được nhiều người bệnh. Mình muốn được hiến máu nhiều lần sau nữa. Chúng ta cũng nên tuyên truyền và kêu gọi, phát động thêm nhiều người hiến máu, lan toa, chia sẻ việc hiến máu rộng rãi trong cộng đồng”.
(Còn nữa)