Bắc Ninh: 4 tổ thảo luận đưa ra nhiều ý kiến để tháo gỡ khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội
Tại kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 – 2026, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bắc Ninh gặp phải không ít khó khăn, thách thức do tình hình chung của thế giới tác động trực tiếp đến đặc thù của tỉnh có cơ cấu kinh tế FDI lớn, cùng một số khó khăn, hạn chế, đã ảnh hưởng sâu sắc đến tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh.
Kỳ hợp thứ 12, HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 – 2026 |
Ngoài yếu tố cơ bản là các doanh nghiệp FDI sụt giảm thì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung đều gặp nhiều khó khăn, tiến độ giải ngân đầu tư thấp, thu hút đầu tư trong nước sụt giảm... Tổng sản phẩm xã hội GRDP giảm sâu 12,59% (mức giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây).
Để tháo gỡ khó khăn, các đại biểu chia làm 4 tổ để thảo luận về các báo cáo, tờ trình trình tại kỳ họp và đề xuất nhiều ý kiến để tháo gỡ khó khăn về phát triển KT – XH với tinh thần nghiêm túc
Tại tổ 1, dự thảo luận có ông Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh; Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đại biểu thuộc Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực thành phố Từ Sơn, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực thành phố Bắc Ninh.
Các đại biểu tập trung làm rõ những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, tập trung vào các vấn đề: Mức tăng trưởng của tỉnh thấp, giảm 12,59% so với cùng kỳ; tiến độ thi công một số công trình, dự án còn chậm; tiến độ thực hiện Quy hoạch tỉnh; giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp; công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; khó khăn trong thực hiện các dự án đất dân cư dịch vụ, đấu giá đất; bảo đảm an ninh trật tự; biên chế giáo viên.
Đại biểu Vũ Thị Phương Thảo (tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực thành phố Bắc Ninh) cho biết, việc lập quy hoạch tỉnh nhận được sự quan tâm đông đảo của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân. Toàn quốc hiện có 9 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt và 25 quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong (trong đó, Bắc Ninh đang ở bước này). Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đã được Hội đồng thẩm định Bộ Kế hoạch – Đầu tư thống nhất thông qua với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.
Ngoài yếu tố cơ bản là các doanh nghiệp FDI sụt giảm thì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung đều gặp nhiều khó khăn |
Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đại biểu đề nghị HĐND tỉnh xem xét kỹ lưỡng, thông qua quy hoạch tỉnh tại kỳ họp này bảo đảm chặt chẽ, phù hợp, hiệu quả, chất lượng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023.
Đại biểu Ngô Minh Nam (tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực thành phố Từ Sơn) đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh sớm trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới theo Nghị định số 33 của Chính phủ để thay thế Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh về “Quy định số lượng, chức danh; một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; ở thôn, khu phố và người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”; tiếp tục rà soát các dự án BT để đẩy nhanh tiến độ thi công hoặc thu hồi để chuyển sang đầu tư công đối với 1 số công trình văn hoá, thể thao, trường học.
Đại biểu Lê Xuân Me (tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực thành phố Bắc Ninh) phản ánh về những khó khăn trong triển khai thực hiện các quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy dẫn đến một số nhà máy, cửa hàng karaoke không thể đưa vào hoạt động. Đại biểu đề nghị cần xem xét tháo gỡ những khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy để vừa bảo đảm an ninh, an toàn vừa tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Ngọc (tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực thành phố Bắc Ninh) cho biết, tình trạng nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH có xu hướng gia tăng, dẫn đến người lao động không được hưởng những quyền lợi chính đáng. Do đó, đại biểu đề nghị các cấp chính quyền, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt hơn nữa để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Các đại biểu thảo luận để tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: BBN |
Tổ thảo luận số 2 gồm các đại biểu khu vực huyện Gia Bình và huyện Yên Phong. Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh dự và thảo luận.
Các đại biểu thống nhất cao với nội dung các báo cáo trình tại kỳ họp; việc đánh giá kết quả thực hiện chủ đề công tác năm 2023; thực hiện 5 quyết tâm chính trị của tỉnh; những mặt hạn chế và dự báo tình hình và xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2023 của tỉnh.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận vấn đề giải phóng mặt bằng các công trình hạ tầng; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường làng nghề tại Văn Môn (Yên Phong), Khắc Niệm, Phong Khê (thành phố Bắc Ninh), cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du); đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải trong các KCN; dự thảo kế hoạch xắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2023 - 2025, nhất là đối với các đơn vị trường học; chi trả tiền bồi dưỡng đối với cán bộ thôn, khu phố; các giải pháp, chính sách phát triển chăn nuôi…
Thảo luận tại tổ 3 gồm các đại biểu HĐND tỉnh khu vực thị xã Quế Võ và thị xã Thuận Thành. Bà Trần Thị Hằng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh dự.
Các đại biểu thảo luận, phát biểu ý kiến xoay quanh vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, chỉ ra tác động, nguyên nhân khiến kinh tế 6 tháng đầu năm suy giảm, tăng trưởng âm. Đồng thời đưa ra giải pháp tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm.
Các đại biểu đã thảo luận và làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp và giải pháp thực hiện phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2023 |
Các đại biểu cũng quan tâm, thảo luận vấn đề về ô nhiễm môi trường bãi rác tại xã Phù Lãng, Quế Võ; đề nghị quan tâm đầu tư cho các doanh nghiệp vì hiện nay nguyên, nhiên vật liệu tăng cao gây khó khăn cho sản xuất; cần linh hoạt trong điều tiết hạn mức đất; đẩy nhanh quy hoạch, xây dựng sân gold Thuận Thành; giải pháp giúp Cầu Hồ giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm; khắc phục tình trạng mặt đường cầu Hồ xuống cấp, các xe chở vật liệu làm rơi vãi cát sỏi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; đẩy mạnh phát triển, đa dạng các sản phẩm, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; kiểm soát các suất ăn của học sinh đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; linh động xử lý các trường hợp xin hỗ trợ chi trả điện táng, hỏa táng cho phù hợp; quan tâm, thực hiện chi trả chế độ, hỗ trợ cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, khu phố.
Tổ thảo luận số 4 gồm các đại biểu Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lương Tài và Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Tiên Du.
Các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề về: Kết quả thực hiện chủ đề năm 2023 của tỉnh; thực hiện quyết tâm chính trị về các vấn đề xúc tiến đầu tư, xây dựng giao thông, phát triển văn hóa du lịch, các đề án bảo về môi trường....; đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2023.
Trong đó tập trung thảo luận, làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc... trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp. Tập trung đánh giá tình hình thu, chi ngân sách thời gian qua và thảo luận về kế hoạch thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm; Quy hoạch phát triển công nghiệp ở An Thịnh (Lương Tài); cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải cách hành chính, chuyển đổi số tại cơ sở, phát triển văn hóa vùng miền gắn với đầu tư các công trình, xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ đời sống Nhân dân; an toàn thực phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp đối với vùng thuần nông; hỗ trợ hạ tầng xây dựng nhà máy xử rác phát điện Lương Tài.