Ấm áp bữa cơm sum vầy chiều ba mươi Tết
Không để dịch bệnh lây lan, khan hiếm, thiếu thuốc dịp Tết Giáp Thìn Tết yêu thương đến với học sinh khó khăn huyện Chương Mỹ Sơn Tây đón 3 vạn du khách trong 2 ngày "Tết làng Việt" |
Đón Tất niên trên cung đường mới
Ngày còn bé, chúng ta mong muốn được rời khỏi quê hương, bước ra khám phá những vùng đất, chân trời rộng lớn. Vì vậy, việc tìm đến những thành phố để cùng học tập, làm việc… dần trở thành lựa chọn của nhiều người. Song, trải qua nhiều thăng trầm khiến các bạn trẻ cảm thấy “nghẹt thở” vì cuộc sống thành thị xô bồ và nhiều vất vả. Vì vậy, việc rời thành phố, trải nghiệm du lịch cuối năm cùng bạn bè bên mâm cơm tất niên ở một nơi đặc biệt luôn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người.
Nhóm bạn đi phượt trong những ngày giáp Tết để có trải nghiệm Tất niên thú vị |
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, anh Đào Ngọc Sơn (36 tuổi) cho biết: Thời gian trong năm, tôi và bạn bè đều bôn ba tứ xứ, vì vậy tranh thủ những ngày cận Tết, chúng tôi sẽ quây quần bên mâm cơm tất niên cùng nhau”.
Để không khí thêm đầm ấm, gắn bó, năm nay, anh Sơn cùng bạn bè lựa chọn hình thức ăn Tất niên vô cùng đặc biệt. Cụ thể, trước Tết 2 ngày, Sơn và nhóm bạn đã xách ba lô, lên đường đi “phượt” dọc theo các tỉnh miền núi phía Bắc gồm Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng, trên hành trình đó, nhóm của anh cũng lựa chọn dừng chân ăn Tất niên ngay tại điểm dừng của cung đường ý nghĩa đó.
Bữa Tất niên đặc biệt của nhóm bạn |
Anh Sơn cho biết, đây là trải nghiệm Tết vô cùng thú vị, anh cùng các bạn vừa được ngao du, vừa được tự tay chuẩn bị mâm cơm Tất niên ở ngoài trời đầy ý nghĩa.
Đến chiều tối 30, đoàn của anh Sơn di chuyển về với gia đình để kịp đón phút giây giao thừa cùng nhau.
Tất niên gắn liền với mâm cơm gia đình
Khác với anh Đào Ngọc Sơn lựa chọn đi phượt để bữa cơm chiều cuối năm thêm phần thú vị, bạn Nguyễn Thị Huyền Trang (24 tuổi, sống tại Hà Nội) lại quyết định quây quần và ăn Tất niên bên mâm cơm gia đình.
Trang cho biết, đối với người Việt, việc chuẩn bị bữa cơm tất niên thân mật cùng người thân được coi là công việc cuối cùng của năm cũ. Vậy nên mỗi năm, cứ vào chiều 30 Tết, Huyền Trang cùng những thành viên trong gia đình lại tất bật với việc dọn mâm cỗ đầy, trước để kính mời ông bà, tổ tiên về thăm con cháu, sau là để đoàn tụ cả gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên.
Bữa cơm dâng lên ông bà, tổ tiên dịp cuối năm |
Điều đặc biệt là những bữa cơm chiều cuối năm không phải quá thịnh soạn, cầu kỳ, trang hoàng hay sang trọng, nhưng nó lại rất ý nghĩa với nhiều món chính đặc trưng của ngày Tết.
Mỗi món ăn trong mâm cơm ấy đều mang những ý nghĩa riêng biệt, chẳng hạn như món thịt đông mang ý nghĩa may mắn cho cả năm; chiếc bánh chưng vuông đẹp, được gói một cách khéo léo không chỉ tượng trưng cho trời đất mà còn thể hiện lòng thành của con cháu đối với tổ tiên; hay đĩa thịt gà luộc tượng trưng cho sự ấm no, an khang và mong muốn có được một năm mới đủ đầy; giò, chả là biểu trưng của trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà...
Huyền Trang (áo cam) quây quần bên người thân trong mâm cơm cuối năm |
Có thể nói, bữa cơm chiều ba mươi là bữa ăn ngon miệng nhất, bởi nó "kích hoạt" thú vui ẩm thực chưa bị "no xôi chán chè" do ăn uống quá nhiều trong những ngày Tết Nguyên đán. Đó cũng chính là điểm tựa tinh thần mà mỗi người dân đất Việt tìm về như một bến đỗ bình yên mỗi dịp tết đạm bạc mà chan chứa tình cảm thân thương.
“Đối với tôi, cuối năm trở về bên gia đình, ngồi quây quần bên mâm cơm Tất niên, tôi mới thấy lòng mình bình yên đến lạ, mới thấy hạnh phúc từ gia đình thật giản dị nhưng lại ngọt ngào và chân thành biết bao. Bên mâm cơm đầm ấm và rôm rả, dẫu ngoài trời có lạnh thấu xương hay mưa phùn thấm đất, vẫn không thể nào thổi tắt ngọn lửa ấm áp của gia đình”, Huyền Trang kết lời.