48 giờ lập trình ý tưởng nhân văn
Khánh Linh (đứng giữa) cùng 4 thành viên nhóm Ò-Ó o giành giải Nhì với ứng dụng SECHI |
Đây là cuộc thi online hackathon đầu tiên tại Việt Nam nhằm giúp cộng đồng khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
Chị Nguyễn Thúy Ngân (Jasmine), giám đốc AngelHack khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trưởng ban tổ chức cuộc thi, chia sẻ: “Cuộc thi online của các lập trình viên là một hành trình nhiều cảm xúc, hồi hộp đến tận phút cuối. Không giới hạn độ tuổi, địa lý, ngành nghề, cuộc thi không chỉ thu hút người dự thi trong nước và quốc tế mà cả đội ngũ cố vấn tài giỏi, có những người đang làm cho Facebook, Google…”.
Ứng dụng quản lý khu cách ly
Giải Nhất Bảng Gieo hạt, thuộc về đội DHSYN (Du học sinh yêu nước) với ứng dụng Quaranhome. Trong 48 giờ, nhóm đã đưa ra giải pháp hệ thống quản trị khu cách ly, nhằm hỗ trợ cư dân khu cách ly cập nhật tin tức nhanh nhất. Ứng dụng cũng hỗ trợ ban quản trị kiểm soát khu cách ly thông minh và linh hoạt với mục tiêu không để ai lại phía sau (kể cả khách du lịch nước ngoài và bất đồng ngôn ngữ).
Điều đặc biệt của nhóm DHSYN là cả 5 thành viên đều là du học sinh, 2 bạn từng ở khu cách ly trong đợt trở về nước tránh dịch Covid - 19 tại châu Âu. Trưởng nhóm DHSYN Đỗ Thành Long vừa tốt nghiệp thạc sỹ ngành Kỹ sư phần mềm Đại học Limerick (Ireland). Hiện tại Long đang làm việc tại một công ty phần mềm ở Ireland, vừa đỗ phỏng vấn với Microsoft. Ban đầu Thành Long có ý định làm tình nguyện trong dịch Covid - 19, tình cờ xem mạng anh biết về cuộc thi lập trình “Ứng phó Cô vy”; Long rủ hai bạn học là Nguyễn Hoài Nam và Lưu Kim Khánh - đều là những coder (lập trình viên) cứng, tham gia cuộc thi. Thấy Nguyễn Tuấn Minh và Phạm Đình Cường có cùng chung ý tưởng, Long rủ thêm vào để lập đội. Điều thú vị là Minh và Cường đều chưa gặp 3 bạn Long, Nam, Khánh ngoài đời bao giờ và họ với nhau cũng vậy.
Tới đây nhóm dự định dồn toàn sức lực để hoàn thiện dự án Quản trị khu cách ly trong thời gian sớm nhất.
Thành Long cho biết, dự án này hoàn toàn vì cộng đồng và chưa có ý định phát sinh lợi nhuận từ ứng dụng. Trong dài hạn, có thể nhóm sẽ bán lại ý tưởng cho Bộ Y tế và các bệnh viện. “Việc đưa vào sử dụng cũng có một số bất cập. Chúng tôi chỉ là những du học sinh đưa ra ý tưởng và phát triển nó. Chúng tôi còn thiếu những đầu mối liên hệ, cũng như tiếng nói, thủ tục để tiếp cận và thuyết phục ban quản lý các khu cách ly (không chỉ trong đợt dịch lần này).
Đêm cuối cùng của ngày thi, đội viết code chỉ ngủ khoảng 3 tiếng. “Đến lúc công bố DHSYN được vào top 16, tôi gọi cho “đồng bọn” để ăn mừng mà còn chưa có đứa nào dậy. Thậm chí lúc công bố giải Nhất, mạng nhà Nguyễn Tuấn Minh, phụ trách truyền thông còn bị chậm 5 giây. Thấy cả lũ reo ầm ĩ lên Minh mới ngớ người hỏi “Thế là thắng rồi à?”, trưởng nhóm vui vẻ nhớ lại.
Sẻ chia việc nhà và thực phẩm
Từng là trưởng nhóm Oh.We- giành giải Nhất cuộc tranh tài công nghệ Angelhack Hackathon 2019 ( Hà Nội), năm nay Chu Khánh Linh lại lập đội Ò-Ó o (hay Chicken Gang-Tụi gà) và đoạt giải Nhì với ứng dụng SECHI –Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Rủ thêm 4 thành viên, năm nay Khánh Linh tham gia vị trí entrepreneur (nhà khởi nghiệp) và leader (trưởng nhóm), chịu trách nhiệm về ý tưởng, định hướng sản phẩm, phát triển mô hình hoạt động và kinh doanh. Linh từng học Đại học Ngoại Thương Hà Nội và chuyển sang Đại học Mỹ thuật Việt Nam. “Nghe thì hơi lệch, nhưng có lẽ mình học được rất nhiều kỹ năng phân tích sâu khách hàng từ việc trái ngành này”. Trưởng nhóm Ò-Ó o điểm danh đồng đội “dễ thương”: Nhóm có hai lập trình viên là Nguyễn Nam và Trần Quang Khánh. Trần Quang Khánh, em út của đội không chỉ thông minh mà có định hướng phát triển hệ thống và nghiêm túc. Lê Phương Mai là người bạn lâu năm của Linh, có chuyên môn vững vàng, có kiến thức đa ngành và đảm nhận vị trí thiết kế sản phẩm. Nguyễn Thế Thành thiết kế slide thuyết trình chuyên nghiệp. Còn Linh tự nhận mình “khó tính như ma”.
SECHI là ứng dụng thúc đẩy hành vi chia sẻ trách nhiệm trong gia đình nhằm tăng nhận thức về bình đẳng giới bằng cách cho phép ghi nhớ nhanh, chia sẻ công việc với người thân, cùng nhau tạo dựng thói quen tốt. Nhấn mạnh vào trải nghiệm “cùng nhau”: cùng nhau trải nghiệm, cùng nhau chia sẻ, SECHI không phải sự bắt ép mà là “công cụ” thúc đẩy hành động chia sẻ, làm cho việc chia sẻ dễ dàng hơn, trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng.
“SECHI không chỉ nhắm tới lợi ích tức thời, không chỉ để ứng phó với giai đoạn “ở nhà phòng dịch” mà vì cuộc sống cộng đồng”.
Giải Ba thuộc về nhóm Kids với đề xuất ứng dụng Zero Waste, nền tảng kết nối người dùng có thể quyên góp hoặc bán thực phẩm thừa với những người có nhu cầu, giúp giảm lượng thực phẩm bỏ đi. Nhóm có 2 thành viên: Lê Văn Ninh và Trần Quốc Thanh. Hiện tại hai bạn đều là kĩ sư phần mềm tại một công ty về lĩnh vực Loyalty tại TP Hồ Chí Minh.
Ý tưởng về Zero Waster (Không rác thải) đến với trưởng nhóm Văn Ninh khi thường xuyên chứng kiến nguồn thức ăn thừa bị vứt bỏ không thương tiếc. Nội dung bài thuyết trình của nhóm Kids có nhiều con số cụ thể: Lượng thực phẩm bị bỏ đi ở Anh mỗi năm là khoảng 6,7 triệu tấn, trong khi đó ở Mỹ, con số này lên đến 35 triệu tấn. Lượng thực phẩm bỏ đi sản sinh ra một lượng lớn khí metan - khí gây nên hiệu ứng nhà kính.
Zero Waste ra đời với mục đích giải quyết tình trạng này. Khi bạn có sản phẩm thừa muốn tặng hoặc bán giảm giá, bạn có thể sử dụng ứng dụng Zero Waste để đưa đến người có nhu cầu sử dụng. Bên cung cấp sản phẩm có thể là những người tổ chức sự kiện, tiệm bánh hoặc các hộ gia đình còn thừa đồ ăn. Trong tương lai, với quan điểm “cũ người mới ta”, ứng dụng sẽ mở rộng sang các sản phẩm không phải là đồ ăn như: quần áo cũ, chai nhựa, nội thất đã qua sử dụng,… với mục đích giảm thiểu rác thải vào môi trường.
Hiện tại nhóm vẫn thấy đây là một sản phẩm tốt để giải quyết vấn đề môi trường ở Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên trưởng nhóm Lê Văn Ninh và Trưởng Ban Tổ chức Nguyễn Thúy Ngân đồng ý kiến rằng, nhóm hiện tại còn cần thêm những thành viên có kinh nghiệm trong mảng kinh doanh để dẫn dắt sản phẩm tốt hơn.
Hưởng ứng phong trào sáng tạo công nghệ giải quyết các vấn đề của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, Thành Đoàn - Hội Sinh viên - Hội LHTN TP Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP tại Việt Nam và AngelHack Viet Nam phối hợp phát động cuộc thi online hackathon “Hack Cô Vy”. |